Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội: Rõ trách nhiệm, nghiêm kỷ cương

Tạp Chí Giáo Dục

 Vài ngày nữa, gần 81 nghìn HS lớp 9 các trường THCS của Hà Nội sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2011-2012.
Kinh nghiệm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, đặc biệt trong việc giao trọng trách cho người có vị trí cao nhất tại từng Hội đồng coi thi (HĐCT) là tiền đề để Hà Nội thêm nỗ lực tổ chức một kỳ thi lớn thứ hai trong năm 2011, nhằm đạt mục tiêu "thực chất trong đánh giá". Đó là tinh thần được thể hiện tại Hội nghị hướng dẫn về công tác coi thi do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ngày 17-6.

Sự nghiêm túc, kỷ luật trong khâu coi thi được đặt lên hàng đầu. Ảnh: Viết Thành

 Lực lượng làm thi đông nhất
Để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2011-2012, Hà Nội đã chuẩn bị 158 HĐCT với 3.727 phòng thi, nhiều hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT hơn 100 phòng. Đây cũng là kỳ thi có sự tham gia của lực lượng lớn giám thị coi thi với gần 9.400 giáo viên, 790 lãnh đạo HĐCT và gần 1.300 nhân viên làm nhiệm vụ bảo vệ, phục vụ tại các HĐCT.
Chủ trương được quán triệt tới chủ tịch các HĐCT để phổ biến tới mọi thành viên trong HĐCT là phải thực hiện tốt hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT ở mọi khâu. Theo chỉ đạo của Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Đoàn Hoài Vĩnh, dù đây là kỳ thi tổ chức thường niên, song với đặc điểm là mang tính cạnh tranh, nên từng thành viên tham gia làm thi phải tuyệt đối không được chủ quan, lơ là khi thực hiện nhiệm vụ.
Trách nhiệm này trước hết thuộc về chủ tịch của 158 HĐCT trên địa bàn TP khi phải quán triệt tới từng thành viên trong hội đồng mình, từ việc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đến nguồn nhân lực bảo đảm quy định. Điểm khác biệt của kỳ thi năm nay là lãnh đạo HĐCT phải trực tiếp đi kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị của địa điểm thi, nếu đủ điều kiện mới quyết định nhận làm nơi tổ chức thi. Danh sách 30 điểm trường THCS và 4 trường THPT – là những nơi chưa được tham gia phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua được chủ tịch các HĐCT lưu ý khi nhận nhiệm vụ.
Vấn đề thứ hai được lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh là thực hiện việc bảo mật, an toàn đề và bài thi, giữ nghiêm kỷ cương trường thi. Thực tế tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, vẫn có nơi còn chủ quan trong việc giữ an toàn trong khu vực tổ chức thi, để trẻ em, người già vào sân trường chơi… Vì thế, các chủ tịch HĐCT lần này được giao trách nhiệm bố trí nơi ăn, ở và các điều kiện sinh hoạt bảo đảm cho lãnh đạo HĐCT và cán bộ an ninh bảo vệ đề, bài và trường thi trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi, tuyệt đối không được để ai bỏ vị trí.
Lập thêm "rào" phòng ngừa gian lận
Với mục tiêu chọn ra khoảng 70% số HS tốt nghiệp THCS đủ điều kiện vào học các trường THPT công lập, đây là kỳ thi được dự báo có tính cạnh tranh và căng thẳng khá gay gắt. Để đạt "thực chất trong đánh giá" như mục tiêu của ngành duy trì từ nhiều năm nay, yêu cầu được đặt ra trong khâu coi thi là phải thực sự nghiêm túc để tạo sân chơi bình đẳng cho các em đua tài, tạo đầu vào có chất lượng cho các trường THPT.
Để tránh tâm lý lo lắng, mất bình tĩnh cho TS do tính chất cạnh tranh của kỳ thi, lãnh đạo Sở GD-ĐT yêu cầu các giám thị coi thi chú ý giữ thái độ nhẹ nhàng, chu đáo khi hướng dẫn HS làm thủ tục dự thi; tích cực động viên các em cố gắng làm bài thi theo đúng khả năng; không được gây không khí căng thẳng trong trường thi. Khi coi thi, các giám thị được yêu cầu thực hiện "3 không", để HS không dám, không thể và không muốn vi phạm Quy chế thi. Theo đó, giám thị phải cương quyết áp dụng những chế tài xử phạt nghiêm khắc, đúng quy định để HS không dám vi phạm; tiếp theo là răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn để các em không thể vi phạm; cuối cùng là giáo dục ý thức, tinh thần tự giác để HS không muốn vi phạm …
Để hạn chế tiêu cực, tại từng HĐCT, ngoài việc bảo đảm tỷ lệ 50% số giám thị là giáo viên THCS không dạy ngữ văn, toán lớp 9 năm học 2010-2011; 50% là giáo viên THPT không dạy ngữ văn, toán, các chủ tịch HĐCT còn được yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt quy định về phân công giám thị. Theo quy định, trong giờ thi môn ngữ văn, tất cả giáo viên môn ngữ văn không được tham gia làm giám thị 1; tương tự như vậy ở môn toán, tất cả giám thị 1 đều không phải là giáo viên toán. Đây là điểm mới của kỳ thi năm nay, nhằm hạn chế tối đa những hiện tượng gian lận có thể xảy ra, gây ảnh hưởng tới tính khách quan, nghiêm túc và việc tạo công bằng để đạt mục tiêu thực chất.

– HS đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT không chuyên làm bài dự thi 2 môn ngữ văn, toán. Với HS đăng ký dự thi vào lớp 10 chuyên, ngoài hai môn trên phải làm thêm bài thi môn ngoại ngữ và môn chuyên.
Lịch thi:
+ Ngày 22-6: Sáng từ 8h, làm bài thi ngữ văn; chiều từ 14h30 làm bài thi môn toán. Thời gian làm bài mỗi môn là 120 phút.
+ Ngày 23-6: Thi ngoại ngữ (120 phút)
+ Ngày 24-6: Thi các môn chuyên theo lịch.
Theo Thống Nhất
(HNM)

Bình luận (0)