Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Dốc sức cho đợt thi cuối

Tạp Chí Giáo Dục

Trong buổi làm thủ tục dự thi tuyển sinh cao đẳng sáng 14-7, nhiều thí sinh, phụ huynh đã tỏ ra mệt mỏi khi phải bước vào đợt thi thứ ba chỉ trong vòng hai tuần.
Nhiều thí sinh mệt mỏi khi bước vào đợt thi tuyển sinh thứ ba (ảnh chụp trước giờ làm thủ tục dự thi tại Trường CĐ Công thương, Q.9, TP.HCM sáng 14-7) – Ảnh: Hà Bình
Tại hội đồng thi Trường CĐ Công thương (Q.9, TP.HCM), nhiều thí sinh uể oải tranh thủ chợp mắt khi ngồi ở ghế đá chờ vào làm thủ tục. Phía trước cổng trường, nhiều thí sinh, phụ huynh khác kiên nhẫn chờ đội sinh viên tình nguyện tại đây giới thiệu chỗ trọ.
Hành lý lỉnh kỉnh vẫn chất đầy trên xe gắn máy, ông Phạm Văn Nghĩa cho biết ông chở con gái là thí sinh Phạm Thị Thanh Thi bằng xe gắn máy lúc 2g30 từ Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). 7g30, cha con ông đến điểm thi tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.9, vừa kịp giờ làm thủ tục dự thi.
Vất vả đi thi… dự phòng
Đây là lần thứ năm cha con ông Nghĩa chạy xe gắn máy đi, về giữa Bình Thuận – TP.HCM để dự thi. Hai đợt thi trước, Thanh Thi dự thi cả hai khối A, B. “Cũng đuối – Thi bày tỏ – Xong tốt nghiệp THPT, thi tiếp hai đợt thi ĐH, kết quả không tốt lắm nên thi thêm CĐ cho chắc ăn”.
Ông Nghĩa cho hay một gánh nặng khác đè lên vai ông là “giá cả từ phòng trọ, cơm nước cái gì cũng tăng gấp đôi. Hai cha con đã tiêu hết 6 triệu đồng cho ba đợt thi” – ông Nghĩa nhẩm tính.
Trong khi đó, vừa xong 10 ngày “chiến đấu” trong hai đợt thi ĐH ở cụm Quy Nhơn, thí sinh Lê Lý Bằng (Phù Mỹ, Bình Định) được mẹ tiếp tục đưa vào TP.HCM dự thi CĐ. Áp lực trường thi cùng với cảnh ăn ở tạm bợ đã khiến Bằng đuối sau khi kết thúc thi đợt 2. Mẹ Bằng, bà Đinh Thị Chi (41 tuổi), phải mua thuốc cho con uống rồi lên tàu vào TP.HCM.
“Lợi thế” hơn thí sinh từ các tỉnh, thành về TP.HCM dự thi nhưng hai mẹ con thí sinh Đặng Phạm Quỳnh Anh (Củ Chi, TP.HCM) cũng vất vả không kém. Sáng 14-7, hai mẹ con Quỳnh Anh đi xe buýt từ nhà lúc 5g đến làm thủ tục dự thi tại Trường CĐ Công thương, Q.9.
Bị kẹt xe ở khu vực trung tâm thành phố rồi ngã tư Bình Thái, đến 8g Quỳnh Anh mới vào làm thủ tục dự thi. Phía ngoài, bà Võ Thị Thu lỉnh kỉnh đồ đạc đợi con ra rồi đi tìm chỗ trọ. Hai đợt thi trước, Quỳnh Anh đã dự thi vào Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM và Học viện Hành chính quốc gia.
Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Thị Thùy Trang (Ninh Thuận), dự thi tại điểm thi Trường CĐ Công thương (Q.Thủ Đức), chia sẻ: “Thi xong ĐH đợt 2, em bắt xe đò về lại Ninh Thuận do không chịu nổi chi phí đắt đỏ tại thành phố. Lúc đầu em định bỏ thi đợt này. Tuy nhiên, bố mẹ nhất quyết bảo đi thi để dự phòng, nếu không đậu ĐH thì còn có trường mà học”.
Căng thẳng vẫn tổ chức thi
Không chỉ thí sinh, phụ huynh, trước đợt thi cuối cùng này các trường CĐ cũng đối diện với nhiều áp lực. Ngày làm thủ tục dự thi cũng là lúc các trường CĐ “tổng duyệt” về công tác tổ chức thi trong các khâu như giao đề thi, phổ biến giờ có mặt trong ngày thi tại hội đồng thi của trưởng điểm thi, đội ngũ giám thị làm công tác coi thi…
Tại Trường CĐ Công thương, ông Bùi Mạnh Tuân – phó hiệu trưởng nhà trường, thường trực hội đồng tuyển sinh – cho biết lúc 4g thường trực hội đồng tuyển sinh và 15 trưởng điểm thi của trường đã có mặt tại trường để đến các điểm thi vì sợ kẹt xe.
Khác với các trường ĐH, các trường CĐ còn đối diện với nỗi lo ngại lớn nhất trong khâu tuyển sinh là số thí sinh trúng tuyển “ảo”. Rất nhiều thí sinh chỉ xem trường CĐ là phương án dự phòng. Có mặt sáng 14-7 tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng làm thủ tục dự thi, thí sinh Nguyễn Thanh Hải (Tân Phú, Đồng Nai) cho biết đã dự thi vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Nếu không trúng tuyển sẽ xét tiếp nguyện vọng 2 vào ĐH. Trường hợp không trúng tuyển nữa mới theo học CĐ.
Ông Giang Văn Kịp, hiệu trưởng Trường CĐ Tài chính hải quan,  cho biết năm nào điểm thi vào trường cũng rất cao, nếu gọi đúng chỉ tiêu thì điểm chuẩn sẽ ở mức gần 30. Tuy nhiên trường phải giảm điểm chuẩn và gọi gấp bốn lần chỉ tiêu mới mong tuyển đủ vì đa số thí sinh điểm cao đều đã trúng tuyển ĐH, không theo học CĐ.
Mặc dù các trường CĐ tổ chức kỳ thi tốn kém, căng thẳng, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển “ảo” lớn nhưng theo ý kiến từ nhiều trường, vẫn phải tổ chức thi tuyển để đảm bảo đầu vào. Ông Trần Tấn Dũng, trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết thi tuyển sẽ giúp trường tuyển được thí sinh có nguyện vọng thật sự muốn học tại trường, giúp trường tự chủ được số lượng và chất lượng đầu vào.
Cùng ý kiến trên, nhiều cán bộ quản lý các trường CĐ cho rằng trường tổ chức thi nhằm đáp ứng nhu cầu của thí sinh, đồng thời tạo thêm cho các em một cơ hội học tập.
Theo TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)