Trong khi người dân Anh bàng hoàng phát hiện chi tiết những khoản chi cho việc riêng từ tiền công quỹ của các bộ trưởng, ông nghị, bà nghị qua sự phanh phui của báo chí thì nước Pháp lại không có được sự minh bạch như vậy.
Trong bảy năm qua, ông nghị hạt Aisne René Dosière đã cất công tìm biết chi tiêu công quỹ của các quan chức Pháp, nhất là các bộ trưởng, ra sao. Và ông đã phải chờ đến chín tháng để có được câu trả lời cho các câu hỏi ông gửi đi từ tháng 8-2008. Các câu trả lời được gửi lại cho ông cùng lúc từ 20 bộ khác và cũng được đăng trên Công Báo ngày 5-5. Đây lại là chi tiêu của năm 2007 chứ năm 2008 thì chưa có!
Trả lời phỏng vấn báo Le Monde ngày 12-5 về thời gian chín tháng chờ đợi, ông cho biết: “Làm thế nào giải thích được đôi khi người đại biểu của dân phải chờ đợi quá lâu và phải liên tục thúc ép mới có thể nhận được câu trả lời từ phía nhà nước? Trước hết, văn hóa kiểm soát chi tiêu công ở nước Pháp còn chưa phát triển mạnh. Nói chung là chưa được các bộ nhận thức đầy đủ, mà còn có những dè chừng. Tôi gửi các câu hỏi vào tháng 8.
Đến tháng 12 tôi nhận được thư trả lời của Bộ Tài chính cho biết đã chuyển nội dung trả lời cho tổng trưởng chính phủ (SGG). Trong những câu trả lời tôi vừa nhận được, tất nhiên có phần trả lời của Bộ Tài chính: nó đã không hề được sửa đổi một tí nào so với nội dung trả lời của Bộ Tài chính. Điều này có nghĩa là SGG đã giữ lại nó trong nhiều tháng trời. Khi tôi đặt các câu hỏi, văn phòng thủ tướng đã báo cho tất cả các bộ trưởng biết là không được trả lời trực tiếp cho tôi mà phải chuyển đến SGG trước để “cân đối” lại các nội dung trả lời. Tôi không biết liệu có sự sợ hãi nào ở đây không. Những người cầm quyền của chúng ta còn chưa có thói quen công khai hóa.
Về nguyên tắc, một bộ trưởng không thể nói dối đối với một nghị sĩ. Có thể là có sót, chứ cung cấp những thông tin sai sẽ là rất nghiêm trọng”. Và ông kết luận: “Đối với công quỹ, cần công khai minh bạch càng nhiều càng tốt. Và nếu có những quá trớn thì công luận sẽ sớm điều chỉnh được ngay”.
Theo TTO
Bình luận (0)