Hội nhậpThế giới 24h

Phụ nữ bắt nạt lẫn nhau

Tạp Chí Giáo Dục

La hét, ghét bỏ và phá ngầm – tất cả đều là những dấu hiệu của hành vi bắt nạt ở nơi làm việc, là cái bẫy cho bất kỳ nhân viên nào có tính cam chịu

Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế ở Mỹ, khi stress đang ở mức độ cao, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người có tính bắt nạt kẻ khác có xu hướng tấn công đồng nghiệp nhiều hơn. Theo báo The New York Times (Mỹ), có đến 40% những kẻ thích “đè đầu cưỡi cổ” người khác là phụ nữ.

Ngày càng có nhiều phụ nữ bị đồng nghiệp cùng giới bắt nạt ở công sở tại Mỹ. Ảnh: INTELLIGENT WOMEN READ ROMANCE WORDPRESS.COM

“Con voi hồng”
Những phụ nữ nói trên dường như thích chọn các phụ nữ khác làm đích nhắm của mình hơn. Peggy Klaus, một chuyên gia về tâm lý ở Berkeley, bang California, gọi những phụ nữ hay bắt nạt đồng nghiệp là “con voi hồng”. Màu hồng thật tươi đẹp, nhưng hình ảnh con voi cho người ta cảm giác bị đè nén đến ngộp thở.
Bà Roxy Westphal, hiện đang điều hành Công ty Quảng cáo Roxy Ventures Inc. ở Scottsdale, bang Arizona, tâm sự: “Tôi đã bị những người phụ nữ khác phá ngầm nhiều lần ở nơi làm việc. Cuối cùng, tôi đã rời bỏ thế giới đoàn thể và bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình”. Bà còn nhớ lại nỗi chua chát từ một cuộc gặp gỡ với một phụ nữ cách đây 30 năm và bà đã phải ra về trong ngậm ngùi, vì người phụ nữ nọ đã “bắn” bà không thương tiếc như một tay súng hành quyết tử tù.
Bà Jean Kondek, mới nghỉ hưu sau 30 năm làm việc trong ngành quảng cáo, vẫn nhớ như in sự giận dữ của mình khi một nữ nhân viên quản trị ở một cơ quan nhỏ triệu tập cuộc họp để la mắng bà trước mặt các đồng nghiệp chỉ vì một nguyên nhân chẳng đáng chút nào. Một nhân viên kế toán ở California cho biết chị mới vào làm ở một công ty và đã ngay lập tức bị hai phụ nữ đang làm ở đó ghét bỏ ra mặt. Thậm chí một người còn vu oan cho chị. Chị nói: “Chuyện đó xảy ra như thời trung học”.
Nguyên nhân có nhiều
Các chuyên gia đặt vấn đề: Phụ nữ hay gây chuyện có thể là vì họ có quá ít cơ hội để thăng tiến. Tổ chức nghiên cứu Catalyst thì  cho rằng dù phụ nữ được chọn làm lãnh đạo, họ vẫn không được hoàn toàn phục tùng. Đồng thời, phụ nữ phải nỗ lực làm việc gấp hai lần so với nam giới mới có thể được công nhận như đồng nghiệp nam và chứng tỏ họ làm được việc.
Thêm vào đó, theo các nhà nghiên cứu, phụ nữ cảm thấy họ phải có thái độ gây hấn để được đề bạt và sau đó, họ giữ luôn cách xử sự đó. Nhà nghiên cứu Joel H. Neuman tại Trường Đại học New York ở New Paltz, nhận định hành vi gây sự với người khác ở nơi làm việc xuất phát từ một số nguyên nhân như thất vọng, cá tính, cảm nhận bị đối xử thiếu công bằng…
Gần đây, hai nhà nghiên cứu Canada còn khám phá rằng một số phụ nữ có thể phá ngầm nhau bởi họ cảm thấy việc giúp đỡ đồng nghiệp nữ có thể làm chính mình bị mất việc. Ngoài ra, bà Michelle Cirocco, một giám đốc ở Perryville, bang Maryland, phân tích nguyên nhân sâu xa là phụ nữ đã được dạy phải đấu tranh với nhau để giành sự chú ý của người khác khi còn rất nhỏ, trong gia đình, ở trường học và ngoài xã hội.

37% nhân công bị bắt nạt

Theo Viện Nghiên cứu hành vi bắt nạt nơi công sở, có 37% nhân công ở Mỹ đã bị bắt nạt. Tuy nhiên, đa số họ phớt lờ chuyện đó. Trong khi đó, nhiều phụ nữ vẫn còn làm việc tại công sở đã lưỡng lự khi phải nói ra tâm trạng của mình vì họ lo ngại có thể làm cho sự việc trở nên tệ hại hơn hoặc họ có thể mất việc. Ông Gary Namie, Giám đốc Viện Nghiên cứu về hiện tượng bắt nạt ở nơi làm việc, cho rằng phụ nữ bắt nạt người cùng phái là do họ tìm được người có tính cam chịu hoặc không muốn phản ứng mạnh với hành vi gây sự.

NGÔ SINH(nld)

Bình luận (0)