Hội nhậpThế giới 24h

Mỹ: Môi trường kinh doanh vẫn tốt nhất thế giới

Tạp Chí Giáo Dục

Bất chấp những khó khăn do khủng hoảng kinh tế mang lại, gã khổng lồ mang tên nước Mỹ vẫn được Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD) xếp ở vị trí dẫn đầu về tính cạnh tranh toàn cầu năm 2009.

Tổ chức quốc tế có trụ sở tại Thụy Sỹ này vừa công bố kết quả báo cáo xếp hạng thường niên đối với 57 nền kinh tế trên thế giới. Xếp hạng tính cạnh tranh toàn cầu của IMD không chỉ tính đến tăng trưởng hay hiệu quả kinh tế mà còn xem xét cả những "nhân tố mềm" như môi trường, chất lượng cuộc sống, kỹ thuật và tri thức. Bảng xếp hạng này được xem là báo cáo thường niên tin cậy hàng đầu về tính cạnh tranh của các nền kinh tế trên thế giới và nó được công bố lần đầu tiên hồi năm 1989.

Trước đó, trong cuộc bình chọn top 10 môi trường cạnh tranh nhất năm 2009 của tạp chí Forbes, Mỹ cũng nằm trong top 10 với vị trí thứ hai trong danh sách. Quốc gia hùng mạnh này đang có dân số là 303,8 triệu người với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 48.000 USD, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 1,4%. Theo Forbes, cho dù là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng tài chính tín dụng nhưng nước Mỹ lại có những chính sách kinh tế thân thiện với môi trường đầu tư, đặc biệt trong các ngành công nghiệp. Forbes đánh giá cao nền kinh tế nội địa, lượng đầu tư, giao dịch chứng khoán, xuất khẩu dịch vụ thương mại, bảo vệ vốn mạo hiểm cho phát triển kinh doanh và cả về các tiêu chuẩn công nghệ chủ chốt.

Báo cáo xếp hạng của IMD cũng đánh giá khá tốt với nền kinh tế Trung Quốc ở các điểm về kinh tế nội địa, buôn bán quốc tế, tài chính công, thị trường lao động và cơ sở hạ tầng khoa học. Tuy nhiên, những vấn đề về đầu tư quốc tế, luật kinh doanh, cơ chế quản lý, vấn đề y tế và môi trường đã kéo quốc gia này xuống vị trí thứ 20 – tụt ba bậc so với kết quả năm ngoái.

Theo IMD, xếp vị trí thứ hai, sau Mỹ, năm nay là Hongkong. Singapore bị đánh tụt một bậc, xuống vị trí thứ 3 về tính cạnh tranh quốc gia. Năm nay, vị trí của Indonesia có sự cải thiện rất đáng khích lệ khi từ vị trí thứ 51 lên thứ 42. Những kết quả từ việc nâng cao được hiệu quả kinh doanh, cải thiện môi trường và hệ thống tài chính của Nam Phi cũng được đánh giá rất cao, giúp quốc gia này nhảy 4 bậc, lên vị trí thứ 52. Estonia “thảm bại” nhất khi từ vị trí thứ 12 xuống 35. Ba nền kinh tế khác cùng tụt xuống 10 bậc là Colombia xuống thứ 51, Hy Lạp xuống thứ 52 và Đài Loan xuống thứ 23.

Khánh Linh (dddn)

Bình luận (0)