Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục đồng bằng sông Cửu Long: Trường yếu, giáo viên thiếu, học sinh bỏ học

Tạp Chí Giáo Dục

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân tham quan triển lãm đồ dùng dạy học của tỉnh Tiền Giang

Trong hai ngày 24 và 25-11, tại Tiền Giang và Cần Thơ, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị giao ban với Giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị nhằm ghi nhận những việc đã làm được và chưa làm được sau ba tháng tính từ ngày khai giảng năm học 2008-2009.
Đi học được tiền… vẫn thua!
Theo số liệu báo cáo, tỷ lệ học sinh bỏ học còn rất cao, đặc biệt tỉnh Cà Mau, kế đến là An Giang, Hậu Giang. Theo đó, tỉnh Cà Mau, tỷ lệ bỏ học ở bậc tiểu học (TH) là 2,57%, bậc THCS là 7,05% và bậc THPT 9,05%; tỉnh An Giang bậc TH là 1,57, bậc THCS là 7,01 và bậc THPT là 5,76. Tỉnh Đồng Tháp, theo lời ông Nguyễn Hoàng Nhi, Giám đốc Sở GD-ĐT: “Để hạn chế học sinh bỏ học, địa phương thành lập từng tổ nhân dân khuyến học, bình quân mỗi xã có khoảng 104 tổ. Nhiệm vụ của tổ là đến tìm hiểu để vận động hay giúp đỡ để các em được trở lại trường. Đến nay đã có 18 xã và thị trấn thành lập được 1.870 tổ. Đối với bậc THPT, cả tỉnh có 10 trường THPT bán công thay vì chuyển sang trường tự chủ tài chính, chúng tôi chuyển 9 trường sang trường THPT công lập và 1 trường THPT chuyên nhằm giúp gia đình các em không chịu sức ép học phí và thu hút các em đến trường”. Dù cố hết sức, nhưng tỷ lệ bỏ học của Đồng Tháp vẫn cao ngất ngưởng (TH: 1,45%, THCS: 3,71% và THPT: 3,96%). Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng Trần Việt Hùng cũng than: “Các cháu mẫu giáo đi học, tỉnh trợ cấp 70.000 đồng/tháng. Nhưng toàn tỉnh chỉ huy động được gần 33.000 cháu đạt tỷ lệ 71%”. Nguyên nhân theo một số đại biểu do phần lớn đời sống còn khó khăn. Cha mẹ muốn các em nghỉ học để chia sẻ gánh nặng với gia đình. Hay học yếu không theo kịp bạn bè, chán nản và bỏ học. Ngoài ra, điều kiện đến trường cũng là một nguyên nhân chính như đi lại xa, phải đi học bằng thuyền nguy hiểm thường trực đe dọa, phụ huynh không an tâm.
Thiếu giáo viên
Ông Thái Văn Long, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau nói: “Tỉnh Cà Mau, thiếu giáo viên (GV) toán, ngoại ngữ… trầm trọng. Lương quá thấp, nhiều GV không chấp nhận đi xa”. Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “GV tiếng Anh thiếu nhiều, đặc biệt là những trường vùng sâu vùng xa, không GV môn tiếng Anh nào chịu nhận. Với vốn tiếng Anh, họ không khó kiếm việc làm có thu nhập cao gấp nhiều lần so với công tác vùng sâu vùng xa”. Bộ GD-ĐT quy định số tiết được tính thừa giờ của một GV chỉ 200 tiết/năm. Quy định này theo nhiều đại biểu là quá cứng nhắc. Nó cũng là yếu tố tạo khó khăn cho cơ sở. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long không ít cơ sở giáo dục nằm ở vùng sâu vùng xa. Nếu thực hiện đúng sẽ dẫn đến hệ quả thiếu GV nhiều hơn. Bởi, những trường nằm ở địa bàn này vốn đã thiếu GV, nay quy định như thế, liệu có GV nào chịu gồng mình dạy thay cho những lớp thiếu GV. Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, ông Trần Thanh Đức bày tỏ: “Bộ GD-ĐT quy định đối với hệ số GV TH học 2 buổi/ngày là 1.5 theo tôi là không khả thi. Bộ phải tính hệ số 1.8 mới phù hợp với khu vực này”.
Trường lớp xập xệ

Trường lớp xập xệ ở TP. Cần Thơ

Các cháu học mầm non phải học ké trong trường TH là chuyện phổ biến ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng bức bối: “Một khó khăn lớn đối với Sóc Trăng là tình trạng các cháu mầm non phải đi học nhờ các trường TH, THCS. Chính tình trạng này ảnh hưởng không ít đến hoạt động giáo dục”. Nhìn chung, tiến độ thực hiện kiên cố hóa trường lớp của hầu hết 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khá chậm chưa bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội. Dù mỗi tỉnh đều có Ban chỉ đạo kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ giai đoạn 2008-2012. Lý do theo báo cáo do giá cả biến động liên tục nên việc đấu thầu gặp khó khăn; nguồn vốn trái phiếu Chính phủ còn chậm; mặt bằng chưa chuẩn bị kịp. Cả khu vực, đến thời điểm này, chỉ giải ngân 18,9%. Tuy nhiên, cũng có một số địa phương tỷ lệ giải ngân cao như An Giang (40%), Tiền Giang (33,9%), Sóc Trăng (33,5%).
Kết thúc hội nghị, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: “Kiên cố hóa nên có văn bản chính thức về sử dụng tiền xổ số kiến thiết, hai bộ (GD-ĐT và Tài chính) ngồi lại và có văn bản chính thức. Một số địa phương bằng nguồn vốn của mình đưa vào kiên cố hóa trường lớp. Về vấn đề nhân sự, Giám đốc có quyền điều động cán bộ quản lý và GV sau khi trao đổi với Sở Nội vụ. Việc luân chuyển GV, tháng 1-2009 bắt buộc phải giải quyết những trường hợp trên 10 năm công tác và tháng 1-2010 giải quyết những trường hợp trên 5 năm. Việc này phải làm. Đổi mới và nâng cao hiệu quả dạy tiếng Anh, Bộ đang lập kế hoạch trình Thủ tướng. Dạy từ lớp 3 trở lên nhưng không bắt buộc, địa phương nào có điều kiện thì làm trước, chưa có điều kiện thì làm sau”.
Quản lý khó khăn…

Học sinh Vĩnh Long đi học bằng xe lôi

Sở GD-ĐT 5 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ đều cho rằng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Chẳng hạn với mức thu học phí đang áp dụng hiện nay quá thấp so với thực tế và đòi hỏi của sự phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy cần tăng mức thu học phí và các khoản thu khác. Các đại biểu cũng tập trung cho kiến nghị có chính sách đối với bậc học mầm non, nhất là chính sách về đội ngũ, chế độ lương cho GV mầm non trong khi GV ở các trường trong hệ thống giáo dục mầm non còn thiếu nhưng lương của các trường thấp nên hầu hết GV đã bỏ việc để ra làm bên ngoài.
Ông Nguyễn Văn Ngai, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM lại rất băn khoăn với các trường có yếu tố nước ngoài bởi thực chất nhiều trường có yếu tố nước ngoài nhưng chất lượng thật sự không hơn các trường chất lượng cao trong nước trong khi mức học phí lại rất cao. TP.HCM cũng đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép thí điểm mở rộng thêm nhiều trường tiên tiến để đáp ứng nhu cầu của địa phương. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cần xây dựng hệ thống văn bản pháp quy về quản lý du học, quản lý các trường có yếu tố nước ngoài và phân cấp cụ thể cho địa phương nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển của thành phố… Các đại biểu cũng đã đặt vấn đề với Bộ GD-ĐT vấn đề thực hiện “Có phải vừa qua Bộ GD-ĐT chưa nghiêm túc trong việc thực hiện “Hai không”” vì có một số đơn vị có tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp cao…
Về vấn đề học phí của các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, Phó thủ tướng cho biết Bộ GD-ĐT đang xây dựng cơ chế học phí mới để trình Bộ Chính trị với định hướng giảm tính bình quân, tạo điều kiện cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn học tốt. Về vấn đề thực hiện “Hai không”, Phó thủ tướng khẳng định Bộ GD-ĐT vẫn cương quyết thực hiện “Hai không” bằng cách tăng cường kiểm tra trong cả nước. Thế nhưng về lâu dài, chúng ta không muốn thực hiện “Hai không” nữa bởi “Hai không” là cái không bình thường. Vì thế, các đơn vị cần tập trung phấn đấu đến năm 2010 các trường sẽ không còn gian dối, thực hiện công bằng trong giáo dục, tạo môi trường sư phạm lành mạnh để từ đó thực hiện dạy và học tốt hơn…

Thanh Quang – Thái Hải

Bình luận (0)