Phản ứng trước nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ban hành hôm 12-6, CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình làm giàu uranium và sẽ vũ khí hóa toàn bộ số plutonium. Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cũng cho biết Bình Nhưỡng sẽ tiến hành hành động quân sự nếu Mỹ và các đồng minh cố tình tìm cách cô lập mình.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Nghiệp Toại biểu quyết tán đồng nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên của HĐBA hôm 12-6. Nhưng giải pháp thật sự được cho là nằm ở khả năng thuyết phục của Trung Quốc đối với Bình Nhưỡng – Ảnh: Reuters |
Phải chăng nghị quyết mà các thành viên Hội đồng Bảo an phải mất ba tuần đàm phán cam go mới đạt được là quá “hiền lành” và không có nhiều tác dụng trong thực tế như nhận xét của một số chuyên gia? Thật ra thành công của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc là đã thuyết phục được Nga và Trung Quốc lên án vụ thử “bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất” và yêu cầu Bình Nhưỡng “không tiến hành thêm bất cứ vụ thử” hay phóng thêm tên lửa đạn đạo nào.
Tuy vậy, hầu hết các yêu cầu sau đó của nghị quyết như “ngưng toàn bộ” chương trình tên lửa đạn đạo hay “bỏ toàn bộ vũ khí hạt nhân” chỉ mang tính khuyến nghị (không có tính bắt buộc) và không khác nhiều so với nghị quyết được thông qua sau vụ thử đầu tiên hồi tháng 10-2006. Nét mới của nghị quyết là việc thanh tra các tàu hàng nghi ngờ chở vũ khí hạt nhân hay chặn tàu trên biển quốc tế thực tế cũng chỉ dừng ở bước “kêu gọi”. Ngoài ra, Trung Quốc – đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng – đã kịp thòng thêm một câu rằng mọi hành động kiểm soát này phải mang tính tự nguyện và việc tiến hành kiểm tra chỉ được thực hiện “với sự đồng ý của nước chủ tàu”.
Nghị quyết mới cũng bị coi là thiếu sức nặng khi không đưa ra biện pháp xử lý nào đối với các tập đoàn tài chính giúp Bình Nhưỡng nhập hay xuất khẩu các thiết bị mà chỉ có lời kêu gọi chung chung các nước đóng băng tài chính các nguồn có thể đóng góp cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Nick Eberstadt, chuyên gia về Bình Nhưỡng tại Viện American Enterprise Institute, cho rằng “Trung Quốc mới là giải pháp cho vấn đề CHDCND Triều Tiên” khi cho biết mấy năm gần đây Bắc Kinh đã tăng gấp bốn lần nguồn viện trợ cho Bình Nhưỡng, trong khi giao thương giữa Bình Nhưỡng – Seoul giảm mạnh. Jeong Hyung Gon, nghiên cứu sinh tại Viện Chính sách kinh tế quốc tế Triều Tiên, thừa nhận “thành công của các biện pháp cấm vận tài chính phụ thuộc phần lớn vào việc Trung Quốc sẵn sàng gây áp lực tới đâu”.
THANH TUẤN (TTO)
Bình luận (0)