“Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM và ĐHQG Hà Nội sẽ đẩy mạnh quan hệ hợp tác, phấn đấu đến năm 2015 trở thành ĐH top 300 ĐH hàng đầu của châu Á và đến năm 2020 ở trong top 200 ĐH của thế giới”. Đây là phát biểu của ông Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TP.HCM tại Hội nghị giao ban ĐHQG TP.HCM và ĐHQG Hà Nội tổ chức trong 2 ngày 23 và 24-8 tại TP. Vũng Tàu.
ĐHQG là một mô hình ĐH mới ở Việt Nam đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, có quyền tự chủ cao, có cùng mục tiêu từng bước tiếp cận với trình độ quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới giáo dục ĐH nước nhà.
Hợp tác còn ở dạng du kích
PGS.TS Vũ Minh Giang (Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội) phấn khởi: “Mối quan hệ hợp tác giữa hai ĐH trong 6 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn. Mỗi ĐH có những thế mạnh riêng để bù đắp, hỗ trợ cho nhau trong các chương trình đào tạo như ĐHQG Hà Nội có thế mạnh ở các ngành khoa học cơ bản, trong khi ĐHQG TP.HCM lại có thế mạnh lớn về ngành khoa học công nghệ”.
Trong quá trình hợp tác, hai ĐH thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi và đi khảo sát tại các đơn vị về công tác quản lý trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ như quản lý chương trình, môn học, lớp học; quản lý giảng viên; quản lý thi, kiểm tra và kết quả… Ngoài ra đôi bên cũng có những bước hợp tác trong công tác đào tạo giữa các trường thành viên, đơn vị trực thuộc và thường xuyên phối hợp trao đổi cán bộ tham gia thẩm định độc lập luận án tiến sĩ, cán bộ tham gia hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp nhà nước, hội đồng thẩm định hồ sơ mở ngành đào tạo sau đại học…
Trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục, Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng giáo dục ĐHQG TP.HCM tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và Nghiên cứu phát triển giáo dục ĐHQG Hà Nội trong các mạng lưới về chất lượng giáo dục đại học như APQN, AUN… TS. Vũ Thị Phương Anh (Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng giáo dục ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Hai trung tâm thường xuyên trao đổi tài liệu nghiên cứu chuyên môn đảm bảo chất lượng và quản lý giáo dục trong và ngoài nước, hỗ trợ lẫn nhau trong việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn trong các hoạt động này. Đặc biệt là tổ chức thành công đánh giá 4 chương trình theo tiêu chuẩn AUN”.
Bên cạnh đó, hai ĐH cũng đạt được nhiều thành tựu to lớn trong các hoạt động khoa học công nghệ và quan hệ đối ngoại. Tuy nhiên, việc thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa hai ĐHQG trong nhiều năm qua nhìn chung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng đội ngũ cán bộ có trình độ cao, tiềm lực khoa học công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật của cả hai.
PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH-NV TP.HCM cho rằng: “Mối quan hệ hợp tác giữa ĐHQG TP.HCM và ĐHQG Hà Nội là tất yếu, khách quan, có lợi cho cả hai bên. Tuy nhiên, những năm qua chúng ta tuy có mở rộng quan hệ hợp tác nhưng còn ở dạng du kích, chưa được thực hiện một cách bài bản nên hiệu quả vẫn chưa thực sự như mong muốn của nhiều người”.
Cần có sự thống nhất về ý chí
Ngoài việc đánh giá những thành tích đạt được trong thời gian qua, ban lãnh đạo của hai ĐHQG đã thảo luận các biện pháp khắc phục những hạn chế trong quan hệ hợp tác cũng như đưa ra kế hoạch cho mục tiêu đến năm 2020, ĐHQG Việt Nam sẽ nằm trong top 200 ĐH hàng đầu của thế giới.
PGS.TS Phan Thanh Bình phân tích: “Sở dĩ chúng ta có được những thuận lợi trong quá trình hợp tác và phát triển là nhờ sự quan tâm ủng hộ của Nhà nước, đội ngũ giảng viên chất lượng cao”.
Với những lợi thế này, hai ĐH sẽ có điều kiện để mở rộng quan hệ hợp tác nhưng đây cũng chỉ mới là tiền đề. PGS.TS Võ Văn Sen đưa ra ý kiến: “Chúng ta cần phải chuyển sang một giai đoạn liên kết bài bản và hoàn chỉnh hơn. Cần xác định lại một cách cụ thể các hình thức liên kết. Tham khảo các ĐH trên thế giới liên kết như thế nào, hình thức liên kết chuẩn mực ra sao? Nói chung là chúng ta cần phải đưa ra một hình thức, bước đi, chiến lược phù hợp nhất với sự phát triển của nền giáo dục nước nhà”.
Để có được kết quả tốt nhất cho quá trình hợp tác, cả hai ĐH phải tạo được hành lang pháp lý, làm tiền đề để triển khai các kế hoạch. Đây là ý kiến được đưa ra của nhiều đại biểu tại hội nghị. PGS.TS Mai Trọng Nhuận, (Giám đốc ĐHQG Hà Nội) bổ sung: “Trong tương lai, hai ĐH cần thành lập một ban giám sát, kiểm tra, đánh giá và trực tiếp chỉ đạo triển khai các hoạt động lớn, đồng thời kêu gọi các trường và đơn vị thành viên chủ động hợp tác đa dạng song phương và tự kiểm tra đánh giá hoạt động của mình”.
Tuy nhiên, ý chí quyết tâm của hai ĐH nhằm xây dựng mối quan hệ hợp tác dài lâu vẫn là yếu tố mang tính quyết định. “Chúng ta đã có những cơ sở hợp tác mật thiết, quan trọng nhưng đây mới chỉ là tiền đề cho sự phát triển về sau. Để thành công trong mối quan hệ hợp tác, hai ĐHQG cần phải có sự thống nhất với nhau về ý chí và tầm nhìn dài hạn”. PGS.TS Vũ Minh Giang khẳng định.
Dương Bình
Bình luận (0)