Các game thủ “miệt mài luyện” game Fifa Online tại một tiệm net trên địa bàn quận 9. Ảnh: T.L
|
Năm 2010, Việt Nam có 7 sự kiện thông tin – truyền thông nổi bật. Xếp ở vị trí thứ 2 trong số 7 sự kiện này là việc quản lý trò chơi trực tuyến bạo lực. Tại TP.HCM, lần đầu tiên các đại biểu Hội đồng Nhân dân (kỳ họp thứ 18 khóa VII) đã chất vấn Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông về vấn đề này.
Ngày 5-1-2011, Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM đã tổ chức hội nghị Quản lý trò chơi trực tuyến. Tại đây, Giám đốc Sở Lê Mạnh Hà cho biết: “Sau 5 tháng thực hiện các biện pháp mạnh, đến nay đã có 20 trò chơi ngừng hoạt động, trong đó có 18 trò chơi có nội dung bạo lực”…
352 tiệm net cách cổng trường dưới 200m
Trong thời gian qua, cùng với sự gia tăng của bạo lực xã hội, tình trạng học sinh bị kích động, giải quyết những va chạm thường ngày trong sinh hoạt, học tập bằng bạo lực ngày càng diễn ra nhiều hơn.
Nói về nguyên nhân của bạo lực học đường, ông Phạm Thành Long – Phòng Học sinh Sinh viên, Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng: “Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân được nhiều chuyên gia, người quản lý giáo dục và người dân thống nhất là sự tác động của các trò chơi trực tuyến mang tính bạo lực, thiếu lành mạnh. Những trò chơi này đã hình thành sự lạnh lùng, tính hung hãn của học sinh…”.
Báo cáo từ UBND các quận, huyện cho thấy, toàn thành phố hiện có 352 tiệm net (đại lý internet) có khoảng cách dưới 200m đến các trường học tiểu học, THCS và THPT. Sở Thông tin & Truyền thông đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy nhập internet (ISP) quy hoạch lại và cung cấp địa chỉ IP của 352 đại lý này để các doanh nghiệp phát hành game không cung cấp trò chơi trực tuyến theo quy định.
“Mới có hai doanh nghiệp ISP là CMC TI và NetNam gửi địa chỉ IP tiệm net gần trường học về sở. Ba ISP lớn là VNPT TP.HCM, FPT và Viettel chưa thực hiện xong”, ông Lê Mạnh Hà cho biết.
Đại diện UBND Q.10 cho biết: “Q.10 hiện có 164 tiệm net, trong đó có 24 tiệm gần trường học. Những tiệm net gần trường học vẫn tổ chức trò chơi trực tuyến. Kiểm tra phát hiện thì chỉ có thể đình chỉ hoạt động chơi game chứ không thể rút giấy phép kinh doanh vì trái luật. Dù vậy các tiệm net vẫn tiếp tục hoạt động, họ nói 90% khách hàng đến để chơi game, bây giờ cấm thì mất hết khách”.
Q.Tân Phú có 32 tiệm net gần trường học, trong giấy phép kinh doanh của những tiệm này đều có ghi “không được cung cấp trò chơi trực tuyến”. Khi đi kiểm tra thì hiếm gặp nhưng nếu đóng vai khách hàng thì vẫn có để chơi.
Tương tự, Q.Tân Bình có 11 tiệm net gần trường học. Những tiệm này đã được thông báo là không tổ chức trò chơi trực tuyến nhưng chỉ một số tiệm do máy móc cũ kỹ mới “nghe lời”, các tiệm còn lại vẫn vô tư vi phạm…
Cấm không được, quản lý… cũng không xong
Tại hội nghị không ít đại biểu cho rằng, nếu doanh nghiệp, tiệm net nào vi phạm thì đóng cửa. Đại diện Q.Phú Nhuận bức xúc: “Chúng ta không thể cứ chạy theo họ mãi được. Hiện đã quy định các tiệm net không được hoạt động từ 22 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau, tiệm net gần trường học không tổ chức trò chơi trực tuyến, nếu kiểm tra phát hiện sai phạm thì đóng cửa ngay”.
Tuy nhiên, theo ông Lê Mạnh Hà thì: “Không thể cứ vi phạm là rút giấy phép kinh doanh, như vậy là sai luật. Vấn đề bây giờ là phải làm sao quản lý tốt hơn, chủ yếu là game bạo lực”…
Ông Hà cũng cho biết, trước những biện pháp mạnh của Sở Thông tin & Truyền thông trong thời gian qua đã loại bỏ hoàn toàn 3 trò chơi bắn súng có mức độ đối kháng quyết liệt. Các hiệu ứng hình ảnh và âm thanh trong trò chơi có tính chất bạo lực, kích động bạo lực ở mức cao nhất. Đó là trò chơi Biệt đội thần tốc của Vinagame, Đặc nhiệm anh hùng của FPT và Đột kích của VTC Intecom.
Song, qua những đợt kiểm tra của Q.Tân Bình thì phát hiện trên địa bàn quận vẫn còn trò chơi Đột kích. “Bình thường thì các tiệm net tháo ra nhưng khi khách có nhu cầu là gắn vào cho khách chơi”, đại diện Q.Tân Bình cho biết.
Còn ở Q.10, rất nhiều tiệm net nhận được thông báo qua địa chỉ mail của một doanh nghiệp là Bộ Thông tin & Truyền thông đã cho phép game Đột kích được chơi trở lại.
Đối với những trò chơi kiếm hiệp có tính bạo lực cao, Sở Thông tin & Truyền thông cũng đã yêu cầu 9 doanh nghiệp loại bỏ các tính năng đối kháng (PK – đánh nhau và PvP – đánh nhau tập thể) trong 29 trò chơi. Tuy nhiên mới chỉ có 2 doanh nghiệp là Saigontel và Netgame thực hiện loại bỏ yếu tố bạo lực của 6 trò chơi. 3 doanh nghiệp là FPT, VTC và Asiasoft cam kết sẽ loại bỏ yếu tố bạo lực của 14 trò chơi vào đầu tháng 1 này. Riêng Vinagame cung cấp nhiều trò chơi kiếm hiệp có yếu tố bạo lực nhất thì chưa cam kết thời hạn loại bỏ tính năng đối kháng của 8 trò chơi.
Không chỉ có vậy, theo quy định các tiệm net bị cắt đường truyền từ 22 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau. Nhưng vào thời điểm này, không ít tiệm net đã gắn đường truyền gia đình cho khách chơi, những tiệm chưa bị cắt thì vô tư hoạt động quá giờ. Cái khó hiện nay của các quận, huyện khi đi kiểm tra là các tiệm net này đóng cửa “nhốt” khách ở bên trong. Do vậy, rất khó bắt họ mở cửa để vào kiểm tra…
Hòa Triều
Bà Trần Thị Ngọc Anh – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng Nhân dân TP cho biết: “Hiện nay toàn thành phố vẫn còn tới 352 tiệm net gần trường học. Trong thời gian sớm nhất, chúng tôi sẽ tới những quận, huyện có nhiều tiệm net gần trường để giám sát. Việc quản lý các tiệm net là trách nhiệm của quận, huyện. Nếu quận, huyện triển khai công tác quản lý tiệm net tại địa phương tốt thì sẽ góp phần cùng ngành GD-ĐT phòng chống bạo lực học đường”.
|
Bình luận (0)