Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giáo dục sinh sản trong trường học: Không thể chậm trễ

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh (HS) lớp 5 đã dậy thì, lớp 10 có em đã quan hệ tình dục mười mấy lần, một năm học giáo viên (GV) tâm lý phải dẫn 3 HS đi khám thai… Đó là những thông tin cực sốc được đưa ra tại buổi khảo sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong thanh niên của Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội tại Sở GD-ĐT TP.HCM cuối tuần qua.
Dạy kiểu… “cưỡi ngựa xem hoa”
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản đã được đưa vào dạy chính khóa từ tiểu học. Thông qua môn khoa học, HS lớp 4, lớp 5 đã được biết đến sự sinh sản, sự khác biệt giữa nam và nữ, cơ thể con người được hình thành như thế nào, cách vệ sinh ở tuổi dậy thì… Còn ở THCS, THPT, giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản được dạy tích hợp trong các môn học. Cụ thể như ở môn sinh học, lớp 8 – HS được học về cấu tạo cơ quan sinh dục nam và nữ, quá trình thụ tinh, phát triển của phôi thai, cách phòng tránh thai và các bệnh lây lan qua đường tình dục. Ở lớp 11, những nội dung này được nhắc lại nhưng sâu hơn, chi tiết hơn. Vấn đề này cũng được đề cập trong môn giáo dục công dân ở bậc THPT.
Không chỉ có giáo dục chính khóa theo quy định của Bộ GD-ĐT, ngành GD-ĐT TP.HCM còn đẩy mạnh việc giáo dục ngoại khóa. Hàng năm, Sở GD-ĐT đều phối hợp với Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình – Sở Y tế TP.HCM tập huấn cho GV và truyền thông cho HS. Theo đó, HS có thêm kiến thức, phương pháp và thay đổi hành vi có lợi về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đặc biệt, các em có kỹ năng phòng tránh những tình huống xấu dễ xảy ra ở lứa tuổi vị thành niên như quan hệ tình dục trước tuổi trưởng thành, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai sớm, nạo phá thai, mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, xâm hại tình dục.
Ngoài ra, ở mỗi trường cũng thường xuyên mời chuyên gia tâm lý, bác sĩ nói chuyện chuyên đề về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho HS. Đồng thời, giải đáp những thắc mắc thầm kín của các em…
Có thể nói, so với hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước thì TP.HCM đã làm rất tốt vấn đề này. Song cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Bởi, một số HS vẫn bị lạm dụng tình dục, quan hệ tình dục từ lớp 8, nạo phá thai khi mới học lớp 10. Và TP.HCM là địa phương có tỷ lệ trẻ vị thành niên nạo phá thai khá cao so với cả nước…
Phải có GV chuyên trách
Theo quy định của Bộ GD-ĐT thì vấn đề giới tính, sức khỏe tình dục được dạy liên tục từ tiểu học đến THPT, mỗi bậc học dạy từ 2-3 năm. Và điều đáng nói là không có GV chuyên trách mà chỉ là dạy tích hợp, lồng ghép. Nhưng, “Dạy tích hợp thì không thể dạy sâu được, chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Dạy tích hợp là không có hiệu quả. Vì trên thực tế, không GV nào muốn ôm cả, chỉ muốn dạy môn chính của mình. Do vậy cần phải tách giáo dục sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản ra dạy riêng. Tách ra dạy thì mới có hiệu quả được”, ông Thái Quốc Tuấn – Phó trưởng phòng Trung học, Sở GD-ĐT khẳng định.
Tách ra dạy riêng, nhưng ai sẽ là người dạy? Vì không phải GV nào cũng có thể nói với HS về giới tính, về sức khỏe tình dục. Đúng vậy. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie – thì: “Ở môn sinh học, khi dạy về bộ phận sinh dục nam, không ít GV né, nhất là những cô chưa có gia đình, không biết phải nói với HS như thế nào. Vì vậy, GV đã yêu cầu HS về nhà tự học”.
Ông Đức Hải – thành viên của đoàn khảo sát – cho biết: “Tôi đã từng đi dạy về sức khỏe tình dục cho HS, chỉ sau 2 tiếng là các em đã biết thế nào là quan hệ tình dục an toàn. Theo tôi, thay vì các trường dạy tích hợp sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong khoảng thời gian 6-7 năm thì chỉ cần dạy vài tiết trong một năm là đủ. Và phải chọn ra một GV có kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn để dạy”.
Một GV tâm lý ở Trường THPT Marie Curie khẳng định: “Chỉ cần 4 tiết là đủ để dạy HS biết thế nào là tình dục an toàn. Và khi dạy thì không dạy chay mà có dụng cụ trực quan như dưa leo, bao cao su. Mỗi lần dạy, tôi đều yêu cầu HS đem theo bao cao su và dưa leo. Đối với vấn đề sức khỏe sinh sản thì phải dạy từ khi các em biết mình là trai hay gái. Quan trọng là dạy như thế nào để phù hợp với lứa tuổi các em. Trong quá trình làm GV tư vấn ở trường, tôi đã tiếp xúc với một HS bị lạm dụng tình dục trước khi vào lớp 10. Điều đó đã ảnh hưởng rất nặng đến tâm lý của em, em rất sợ đàn ông, thậm chí cả các bạn nam trong lớp. Vì vậy, giáo dục sức khỏe tình dục cho HS không thể chờ đến khi các em lớn được”.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Tài Dũng – Phòng HS-SV, Sở GD-ĐT- nhấn mạnh: “Giáo dục sức khỏe sinh sản cho HS càng sớm càng tốt. Vì các em ngày càng dậy thì sớm”…
Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)