Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Chút xuân gửi người nghèo phương xa

Tạp Chí Giáo Dục

Cuối tháng 12-2011, Đoàn công tác từ thiện xã hội phối hợp với Bệnh viện Nhân dân 115 và Công ty CP Du lịch Vinagolf Angkor đã vượt gần 1.000km để đến với bà con nghèo người Campuchia, người Việt Nam ở tỉnh Battambang và Xiêm Riệp, Vương quốc Campuchia. Chuyến đi đã được sự hỗ trợ nhiệt tình của Cục Quan hệ quốc tế, Bộ Nội vụ, Vương quốc Campuchia. Đi đến đâu đoàn cũng được bà con trân trọng “O Kun” (Cảm ơn!)
Các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 khám bệnh cho người dân Campuchia.
Kun Việt Nam!

Đích thân Thiếu tướng Cư Đa Ra và Thiếu tướng So Van Ty, Cục phó Cục Quan hệ quốc tế, Bộ Nội vụ, Vương quốc Campuchia đã ra tận cửa khẩu Mộc Bài để đón và chỉ đạo thực hiện thủ tục nhập cảnh cho toàn đoàn. Hai ông cũng đã đi theo đoàn suốt thời gian lưu lại Vương quốc Campuchia.
Sau một đêm nghỉ tại tỉnh Xiêm Riệp, sáng sớm hôm sau, đoàn lên đường đến tỉnh Battambang. Khoảng 8 giờ, sau khi vượt gần 200km, đoàn đã đến Trung tâm Y tế xã Chomka Somrong, thị xã Battambang, tỉnh Battambang. Hàng trăm người dân đã có mặt từ sớm. Chúng tôi được biết có người đã vượt hơn 30km để đến khám bệnh và nhận quà. Dù đã bố trí hơn 10 người biết tiếng Việt để hỗ trợ phiên dịch cho đoàn công tác, nhưng vẫn không đủ người ngồi cạnh bác sĩ để hỗ trợ phiên dịch.
Ông Cư Đa Ra lẳng lặng tìm ghế ngồi cạnh bác sĩ Sương để phát quà và thuốc; còn ông So Van Ty sát cánh cùng bác sĩ Thông để phiên dịch cho những người dân bị bệnh tai, mũi, họng… Phiên dịch giao tiếp thì đơn giản, đằng này phiên dịch cho đoàn bác sĩ với các từ chuyên sâu, nên nhiều người không biết diễn tả như thế nào.
Theo thói quen, khi bác sĩ vừa hỏi thì anh Chính (người dân ở Xiêm Riệp được điều động để phiên dịch) liền dịch lại cho người dân. Nhưng, đến chữ “viêm xoang” thì anh Chính… “bó tay”. Thay mặt chính quyền thị xã Battambang, ông Oeurm Sokhon, cho biết: “Những người dân được khám bệnh và nhận quà hôm nay là người nghèo ở nhiều xã, ấp của thị xã Battambang. Do có nhiều người ở xa, nên không thể đến điểm khám vào buổi sáng. Không những bà con vui mừng mà chính quyền cũng rất cảm kích khi nghe đoàn công tác Việt Nam sang đây. Sau chuyến công tác này, chúng tôi mong mỏi đoàn công tác Việt Nam sẽ tiếp tục chọn địa phương này làm nơi dừng chân. O Kun đoàn công tác! O Kun Việt Nam!”.

Sâu lắng Biển Hồ

Thật khó hình dung, ở tại thành phố Xiêm Riệp, một trong các thành phố lớn và sầm uất nhất của Vương quốc Campuchia, nổi tiếng với di sản thế giới Angkor Wat, Angkor Thom, lại có một khu vực nghèo đến vậy. Và, càng xúc động hơn khi phần đông họ lại là người có quốc tịch Việt Nam. Địa điểm chúng tôi muốn nói đến đó là Biển Hồ – hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Sau một đêm nữa nghỉ ở Xiêm Riệp, đoàn công tác đã đến nơi này. Khi ghe vừa rời bến, chúng tôi đã bước vào khu vực nghèo đến nao lòng. Dọc đường đến với “Trường học Việt Nam nuôi dạy trẻ em nghèo” (ấp 7, xã Chong Ka Nia, huyện Xiêm Riệp, TP Xiêm Riệp, Vương quốc Campuchia) – địa điểm tổ chức khám bệnh và tặng quà – chúng tôi đã qua các làng nổi trên sông và gặp nhiều gia đình sinh sống trên những chiếc ghe tạm bợ.
Theo ông Võ Văn Đầy – người đã 3 đời lập nghiệp tại khu vực Biển Hồ – Tỉnh hội phó Hội người Việt Nam tại Xiêm Riệp, khu vực này tập trung hơn 500 hộ dân, với khoảng 2.360 người dân Việt Nam sinh sống. Phần đông, người dân ở đây sống bằng nghề đánh cá trên Biển Hồ.
Chúng tôi đã ngạc nhiên, khi đa số Việt kiều cho biết, đây là lần đầu tiên họ được bác sĩ khám bệnh và cho thuốc uống. Chỉ một bước lên bờ, nhưng bà con không đủ kinh phí và quanh năm bám vùng sông nước, xa quê. Hầu hết trẻ nhỏ ở đây đều bị bệnh đường ruột, vì mọi sinh hoạt đều dựa vào nước sông.
Trước tình hình bà con người Việt đang sinh sống tại Biển Hồ chưa có trạm y tế, chiều cuối ngày, sau khi chấm dứt khám chữa bệnh, ông Trần Thế Tuyển, Tổng Biên tập Báo SGGP và ông Phan Văn Báu, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 đã quyết định trao toàn bộ số thuốc còn lại tặng trường học và bàn bạc việc thành lập trạm y tế tại địa phương. Lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân 115 còn đề nghị chính quyền xã Chong Ka Nia cử cán bộ về Bệnh viện Nhân dân 115 học khóa hướng dẫn sử dụng thuốc để kịp thời sơ cứu bà con khi có sự cố. Toàn bộ kinh phí đào tạo, sinh hoạt, ăn ở, đi lại của cán bộ y tế xã Chong Ka Nia sẽ do Bệnh viện Nhân dân 115 tài trợ. Số quà tuy không nhiều, nhưng đó chính là chút xuân của người thành phố với bà con nghèo người Campuchia và Việt kiều đang sinh sống trên đất nước Angkor!

 

Theo Đoàn Hiệp
(sggp)

Bình luận (0)