Hội nhậpThế giới 24h

Thâm nhập lò luyện chống khủng bố

Tạp Chí Giáo Dục

Sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, các học viên Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) được chuẩn bị thêm một học phần quan trọng khác: ngăn chặn các phần tử khủng bố.

“Xin quý vị chú ý, không được chụp ảnh các nhân viên FBI cũng như các nhân viên tương lai” – Kurt Crawcroft, phụ trách báo chí của FBI, nhắc nhở cánh nhà báo trước khi đặt chân đến Quantico, trung tâm đào tạo của lực lượng FBI lừng danh.

20 tuần đào tạo

Để tiếp cận học viện quan trọng nằm tận trong khu rừng xanh ở Virginia phải qua hai trạm kiểm soát. Ở địa điểm tuyệt mật ấy có tòa nhà kính to với những ống khói trắng kỳ lạ vươn lên trời cao. Phòng thí nghiệm khoa học của FBI được đặt trong đó. Hằng ngày, hàng trăm nhà nghiên cứu vùi đầu phân tích các mẩu tóc, đường đạn, mẫu sơn tường và hàng ngàn dấu vết do nhân viên FBI thu lượm về để tìm manh mối của các vụ án hình sự hoặc khủng bố. Các nhân viên FBI tương lai đều được đào tạo tại phòng thí nghiệm này và họ thường quay lại dự các khóa đào tạo nâng cao. Nhiều cảnh sát Mỹ và các học viên nước ngoài cũng có dịp ngồi tại đây trong những chương trình hợp tác đào tạo.

Một ngày bình thường như sáng thứ ba này, khoảng 40 học viên trong bộ đồng phục áo sơmi xanh nước biển và quần soọc tập bắn với loại súng Glock 233 trên bãi bắn rộng. Đạn vãi như mưa. Trong 20 tuần, mỗi học viên sẽ bắn khoảng 3.600 lần. Với mức độ như vậy, họ sẽ đủ khả năng đối mặt mọi tình huống khủng hoảng, từ tước vũ khí đến hạ gục kẻ tình nghi nếu cần.

Không xa đó, nhóm học viên khác, trong tuần đào luyện thứ 17, đang học cách theo dõi và bắt giữ người trong một bối cảnh mà ở đây họ gọi là “thung lũng Hogan”, dàn dựng như thật với ngân hàng, khách sạn, bưu điện… FBI trả tiền thuê người bên ngoài vào đóng vai kẻ cướp ngân hàng hoặc bọn buôn ma túy với kịch bản như thật để học viên thực tập. Ông Kurt Crawcroft đùa: “Hogan là nơi bị cướp nhiều nhất nước Mỹ”.

Chất lượng đào tạo tuyệt hảo

Chiến tranh mạng là một ưu tiên mới mà chính quyền Washington vừa công bố. Cách đây không lâu, chính Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố: “Internet có thể trở thành một thứ vũ khí gây bất ổn hàng loạt”, ông cũng hé mở khả năng FBI sẽ đóng vai trò chính trong việc ngăn chặn nguy cơ tấn công mạng này.

Thực tế hoàn toàn không giống các nhân viên FBI bị nhạo báng trên phim của Hollywood như những kẻ cơ bắp và ngốc nghếch. Một khi đã vượt qua được cuộc tuyển lựa hằng năm, học viên FBI sẽ được học đầy đủ về tư pháp, phân tích, tâm lý và đạo đức, đủ sức cho họ bắt tay vào điều tra hình sự khi đã qua được khóa học đầu tiên.

Christophe Boucharin, một học viên người Pháp vốn là sĩ quan cảnh sát lão luyện, vừa trải qua khóa đào luyện 20 tuần. Viên sĩ quan từ nay sẽ vào ban chống khủng bố của cảnh sát Paris thừa nhận “rất ấn tượng với nội dung giảng dạy, cao cấp về mặt yêu cầu và phong phú về mặt trao đổi nghiệp vụ”.

Thật ra chất lượng đào tạo tại Quantico đã được nâng cấp không ngừng kể từ sau vụ 11-9. Để nhắc nhở các giảng viên lẫn học viên phải rèn luyện không ngừng, bên trong khu trường Quantico có cụm bia tưởng niệm đính những mảnh vỡ của hai tòa nhà Trung tâm Thương mại thế giới, một mảnh vỡ của tòa nhà Lầu Năm Góc và một mảnh của chiếc máy bay rơi trên bầu trời Pennsylvania.

Bob Fram, giám đốc phòng thí nghiệm khoa học của FBI, tóm lược: “Quả thật có sự phân chia giai đoạn trước và sau 11-9 đối với cả nước Mỹ, đặc biệt với FBI và phòng thí nghiệm của chúng tôi. Có thể nói toàn bộ hoạt động của chúng tôi đã bị xóa bay biến sau ngày ấy để tập trung hàng đầu cho hoạt động chống khủng bố”. Thật ra, toàn bộ chương trình giảng dạy của FBI đã được xem xét lại kể từ khi nhận ra rằng các nhân viên của họ không thể cảnh báo được nguy cơ tổ chức các hoạt động khủng bố lớn trên lãnh thổ Mỹ. Các định nghĩa về nguy cơ tấn công cũng thay đổi khi từ nay mang tính toàn cầu, buộc sự kết hợp với các cơ quan an ninh lớn khắp thế giới.

Chẳng hạn, một vụ bắt bốn kẻ tình nghi người gốc Afghanistan cách đây không lâu tại New York. Chúng đang chuẩn bị tấn công khủng bố vào một nhà thờ Do Thái và một căn cứ quân sự Mỹ. Âm mưu bị phá vỡ nhờ nhân viên FBI thâm nhập được vào mạng lưới đó.

John Masody, hiệu trưởng học viện đào tạo của FBI, giải thích: “Trước kia chúng tôi hoạt động như lực lượng cảnh sát chỉ hành động khi sự việc đã hình thành. Nay để phát triển khả năng tình báo mà chúng tôi cũng có kinh nghiệm cả trăm năm, chúng tôi phải học cách suy nghĩ khác đi khi tự vấn không chỉ về các sự việc mà cả những gì có liên quan xung quanh: chuyện gì lẽ ra đã xảy ra, chuyện gì đã xảy ra và điều gì kẻ xấu đã nghĩ đến khi hình dung sự việc. Chúng tôi đang hình thành một thứ tư duy mới giúp đối phó với những mối đe dọa mới khẩn cấp và quan trọng không kém là an ninh mạng và các mối đe dọa từ mạng”.

Phỏng vấn chứ không thẩm vấn

Theo lời John Masody, trong cuộc chiến mà Mỹ tiến hành tại Iraq và Afghanistan, lực lượng FBI thật ra hiệu quả hơn các điệp viên CIA vốn quá mạnh tay với trò tra tấn tàn khốc. Vị hiệu trưởng trường FBI không giấu vẻ tự hào: “Cách làm của chúng tôi không phải là thẩm vấn mà là phỏng vấn”. Cách phỏng vấn cũng tuân thủ theo quy định ngặt nghèo. “Các nhân viên chúng tôi phải luôn nhớ trong đầu hai yếu tố: tự do cá nhân và an ninh quốc gia”.

Vị giáo sư nhiều kinh nghiệm này khẳng định để có thể đảm bảo tương tác cho hai yếu tố trên thì nhân viên FBI phải “luôn có bên mình một bản hiến pháp”. Ông khẳng định vẫn luôn nhắc nhở điều này khi giảng dạy trong các học phần chung dành cho các sĩ quan FBI lẫn CIA tại học viện. “Chúng tôi vẫn có những khóa đào tạo chung với CIA. Chúng tôi như những con dao thường xuyên được mài sắc”.

John Masody khẳng định hiện nhờ danh tiếng lẫy lừng của FBI mà học viện của ông hằng năm vẫn tuyển lựa được những học viên xuất sắc và nổi bật nhất. Và thật sự trong số 7.000 ứng viên hằng năm mong muốn trở thành nhân viên FBI chỉ 150 người được chọn lựa.

TÚ ANH (TTO)

Bình luận (0)