Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Chuyện về những người đàn ông làm nghề trông dạy trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Họ đều là những người đàn ông có học vấn, lý tưởng và nhiều dự định lớn lao trong cuộc sống. Nhưng rồi, số phận đưa đẩy dẫn họ đến với một nghề vốn xưa nay chỉ biết đến là thuộc về phái yếu – Nghề nuôi dạy trẻ. Nghe thì cũng thật lạ tai vì xưa nay đâu có ai dùng cụm từ “thầy giáo mầm non”.
 
Tuy nhiên, trong cuộc sống này, vẫn có những người đàn ông âm thầm làm công việc rất đỗi khó khăn này. Vất vả có, thăng trầm nghề nghiệp có, những thầy giáo nuôi dạy trẻ đôi khi phải hy sinh đi một chút “cái tôi cá nhân” của mình để hoàn thành công việc. Có nhiều lúc, những thầy giáo mầm non chấp nhận bị bạn bè đùa cợt nghề nghiệp của mình, họ chấp nhận bị người khác nói này, nói nọ để đi lên trong cuộc sống. Và rồi, thời gian cứ thế trôi đi, nghề thầy giáo nuôi dạy trẻ dần ngấm vào máu của những người đàn ông này, họ cảm thấy đó là một nghề của sự đam mê, tình yêu và nhiệt huyết.
 
 Rất nhiều người đàn ông đã trở thành những thầy giáo mầm non
Rất nhiều người đàn ông đã trở thành những thầy giáo mầm non
Gạt ước mơ thanh niên 8X trở thành thầy giáo mầm non

Với nhiều bạn trẻ là con trai, việc đăng ký thi tuyển vào các trường đào tạo giáo viên mầm non là một chuyện ngoài sự tưởng tượng. Chính vì lý do này mà để một chàng thanh niên tuổi đôi mươi dấn thân vào nghiệp thầy giáo mầm non là chuyện vô cùng khó tin. Tuy nhiên, trong cuộc sống này vẫn có những người đam mê với một nghề nghiệp vốn thuộc về phụ nữ.

 
Họ biết rằng, nhiều người khi nhìn vào sẽ nghĩ họ chẳng hay ho, thậm chí là thiếu phong cách đàn ông, nhưng tất cả điều đó đều được gạt sang một bên để nhường chỗ cho sự trách nhiệm với công việc, lòng nhiệt huyết với những đứa trẻ bi bô đang chập chững những bước đi đầu tiên của cuộc đời.

Nguyễn Văn Thành vốn là một sinh viên ngành xã hội tốt nghiệp một trường Cao đẳng Sư Phạm quê ở Kim Bảng (Hà Nam). Khi ra trường, do không thể xin vào biên chế của một trường cấp 2 nên Thành vẫn chỉ biết sống cùng với gia đình. Học xong, không có việc làm, Thành cảm thấy chán nản và đôi lúc đã tuyệt vọng với ước mơ bục giảng của mình.

 
Đúng lúc anh định đi lên thành phố xin một công việc nào đó để làm tạm thời thì trường mầm non của xã có thông báo tuyển dụng giáo viên. Nghĩ rằng từ trước đến nay chẳng có ai làm nghề thầy giáo mầm non nên Thành cảm thấy ái ngại và không dám nộp đơn đăng ký. Tuy nhiên, được gia đình động viên rất nhiều nên Thành đã quyết  “liều một phen”. Chỉ một thời gian ngắn sau khi nộp đơn, thành đã được nhà trường gọi đến để nhận việc.
 
Lúc ban đầu, cả trường mầm non của xã chỉ Thành và bác bảo vệ là đàn ông nên đôi lúc khi đến trường, anh cảm thấy rất xấu hổ và có phần ái ngại. Biết được điều này nên cô hiệu trưởng đã bố trí cho Thành công việc thuộc bộ phận quản lý, không phải đứng lớp.

Nhưng rồi, nghiệp thầy giáo đến với Thành một cách rất tự nhiên. Trong lần một cô giáo của trường nghỉ đột xuất vì ốm, chẳng có ai dạy thay nên Thành đã phải xuống đứng lớp hộ một buổi. Biết bao sự bỡ ngỡ, lạ lùng khi lần đầu tiên đứng lớp, Thành lại là một giáo viên mầm non. Những kiến thức anh học trong trường dường như chẳng thể nào áp dụng vào lớp học, với những em nhỏ mới chỉ bi bô nói những câu chữ đầu tiên của cuộc đời.

 
Suốt cả buổi hôm đó, Thành dạy các em nhỏ học nói, rồi viết những nét chữ nguệch ngoạc đầu đời. Sự ngây thơ, hồn nhiên của những đứa trẻ cảm khiến Thành cảm thấy rất vui vẻ và hạnh phúc sau buổi học đó. Những đứa trẻ đã giúp anh cảm nhận sự trách nhiệm của một người thầy giáo đứng lớp. Cảm xúc, lòng đam mê trỗi dậy trong Thành một cách mạnh mẽ và ngay sau đó, anh đã chủ động xin với cô giáo hiệu trưởng được đứng lớp.
 
Thuận theo ý nguyện, Thành được phân công dạy lớp của các em ở lứa 5 tuổi. Các em ở lớp học này đều đã có sự hiểu biết nhất định nên việc dạy dỗ, quản lý cũng có phần đơn giản hơn so với những lớp học khác.

Nhận đứng lớp, Thành thường xuyên được tiếp xúc với các em nhỏ nhiều hơn và nhờ đó anh cũng cảm nhận được rất đầy đủ dư vị vui buồn của nghề nghiệp. Có những lúc bực mình vì nói mà học sinh không nghe lời, nhưng ngược lại mỗi khi cảm thấy lời nói của mình được chúng tiếp thu một cách triệt để, Thành cảm thấy vô cùng yêu mến nghề của mình. Dấn thân vào nghiệp thầy giáo mầm non, đôi lúc khi đi gặp bạn bè, Thành bị mọi người gọi là “cô giáo” hay những lời giễu cợt… Tuy nhiên, gạt bỏ đi tất cả những điều đó, Thành vẫn đứng vững với suy nghĩ của mình.

 
Anh cho rằng, nghề thầy giáo mầm non cũng được mang một sứ mệnh rất cao cả là dạy dỗ cho những mầm non của cuộc đời. Dù ở bất kỳ vị trí nào nhưng điều quan trọng nhất là anh cảm thấy vui khi mình đã trở thành một người thầy giáo, đứng lớp và với những em học sinh ngây thơ đầy tinh nghịch.

Chuyện thầy giáo mầm non ở trường làng

Gắn bó với trường mầm non thuộc huyện Kiến Xương (Thái Bình) đã hơn chục năm nay, thầy giáo Lại Công Hoan đã nếm trải đủ những thăng trầm, ngọt bùi của công việc. Khi anh mới về trường nhận nhiệm vụ giảng dạy, người dân trong làng, ngoài xã đều cảm thấy bỡ ngỡ vì từ trước đến nay chỉ duy nhất anh là người đầu tiên làm thầy giáo mầm non.

 
Nhưng rồi thời gian cứ thế thấm thoát trôi đi, thầy giáo Hoan vẫn âm thầm đứng lớp, tận tâm với công việc của mình. Chẳng dám nghĩ công việc của mình là sự công hiến, nhưng anh cho rằng, muốn đứng vững được với nghề này, trước hết phải có một tình yêu trẻ thơ, sự đam mê nghề nghiệp và biết chấp nhận hy sinh đi những cái tôi cá nhân của đời mình.

Khi đăng ký tham gia học tập tại trường trung cấp mầm non Thái Bình, anh là gần như là người đàn ông duy nhất theo học ngành này. Sự ngượng ngùng, e dè khi là người đàn ông duy nhất ngồi trong lớp, xung quanh đều là con gái, đôi lúc anh cảm thấy mình thật thua bạn kém bè. Nhưng tất cả những điều đó đã được xua tan để nhường chỗ cho sự quyết tâm học tập để trở thành một người thầy giáo tốt.

Những ngày đầu đi dạy, đã không ít lần, anh định bỏ lớp vì bị bạn bè, thậm chí các cô giáo cùng trường trêu đùa. Tuy nhiên, công việc nhà trường đã giao thì phải hoàn thành, thầy giáo Hoan đã vượt qua tất cả những định kiến đó, vượt qua được sự bông đùa của bạn bè và vượt qua cả sự tự tôn của bản thân để bám trụ với nghề nghiệp.

Những ngày buổi học đầu tiên đôi với thầy giáo Hoan vô cùng khó khăn. Khi giảng chữ, giảng toán cho học sinh còn đơn giản nhưng khi dạy các em học múa, học hát, anh cảm thấy mình rất ngượng ngùng và khô cứng. Tay không thể múa dẻo, giọng không thể mềm mại như các cô giáo… nhưng anh đã cố gắng vượt qua để tạo lớp học có những buổi sinh hoạt thật sự vui vẻ.

Rồi anh cũng phải làm quen với công việc dỗ dành những em nhỏ hay nũng nịu, chỉ bảo cho những em hay quậy phá trong lớp. Tất cả đều phải học dần dần qua năm tháng, để đến bây giờ sau hơn 10 năm đứng lớp, anh trở thành một trong những giáo viên mầm non xuất sắc nhất của cả huyện.

Chia sẻ về công việc của mình, thầy giáo Hoan cho rằng, nghề nào cũng vậy, nếu không kiên trì thì sẽ chẳng thể tồn tại lâu. Nghề làm thầy giáo dạy mầm non này đã có lúc khiến anh luôn cảm thấy e dè khi ra trước đám đông. Mỗi khi đi gặp mặt lớp anh chẳng bao giờ chia sẻ về nghề nghiệp của mình với bạn bè. Mọi người có thể thao thao bất tuyệt kể này, kể nọ nhưng anh chỉ biết ngồi yên nghe mọi người nói. Ngay cả việc khi đi hỏi vợ, khi cha mẹ người yêu hỏi làm nghề gì, ấp úng mãi anh mới dám nói ra mình làm nghề giáo viên dạy mầm non.

 
Lúc đó, mặt đỏ tưng bừng vì anh cảm thấy không thật sự tự hào với nghề của mình lắm, đơn giản vì từ trước đến nay nghề này vốn dĩ mặc định đã thuộc về phụ nữ. Tuy nhiên, cha mẹ người yêu của thầy giáo Hoan lại là người rất hiểu biết và rất trân trọng nghề nghiệp của anh. Và cũng nhờ đó mà từ đó trở đi, anh đã không còn suy nghĩ tự ti với công việc của mình nữa.
 
Nghề làm giáo viên đã có lúc khiến thầy giáo Hoan cảm thấy xấu hổ với chính bản thân mình. Anh nghĩ, mình là một người đàn ông, có sức khỏe, có học thức lại đi chọn một nghề cần phải mềm mại và nhẹ nhàng. Tuy nhiên, thời gian đã giúp anh vượt qua những suy nghĩ đó, chiến thắng được chính bản thân mình để đi lên trong công việc. Mỗi khi lên lớp anh dành mọi sự tâm huyết vào các bài giảng.
 
Chỉ dạy cho những em học sinh từng nét chữ, từng con số, dạy cho các em nói từng câu cho tròn vành, rõ tiếng, bảo cho các em nhỏ những luân thường đạo lý khởi đầu của cuộc sống… Tất cả những điều đó đã khiến cho thầy giáo Hoan cảm thấy say mê công việc, hài lòng với bản thân và tự hào với những gì mình đang có trong tay.
Theo Lưu Ly
(Phunutoday)

Bình luận (0)