Từng có một cán bộ ở Hải Phòng phải tự tử, từng có nhiều vụ án điều tra bị bỏ lọt tội phạm vì lỗi nghiệp vụ của những người làm báo. Không chỉ thế, từng có nhiều nạn nhân bị trả thù, thậm chí một số nhà báo phải ngồi tù vì quá sa đà trong quá trình tác nghiệp. Những sai sót, những điều cần lưu ý khi tác nghiệp thể loại phóng sự điều tra đã được một số cán bộ đầu ngành của Công an TP.HCM trao đổi với báo chí nhân buổi họp mặt kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6.
Sau ngòi bút là những số phận, những cuộc đời
Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó giám đốc Công an TP.HCM – nhìn nhận: Phóng sự điều tra hiện đang là thể loại được nhiều cơ quan báo chí khai thác và mang tính cạnh tranh cao. Nhất là giữa thời điểm bùng nổ của báo mạng và tuột dốc của báo in thì vấn đề đưa thông tin nhanh và mổ xẻ vấn đề để thu hút sự quan tâm của bạn đọc giữa báo mạng và báo in càng gay gắt hơn bao giờ hết. Nhiều tờ báo để thu hút sự chú ý của bạn đọc và nhiều phóng viên trẻ tuổi muốn chứng tỏ khả năng của mình đã phóng bút một cách quá đáng, mô tả những chi tiết không đúng sự thật và để lại những hậu quả khôn lường cho nạn nhân. Họ mải mê phóng bút, mải mê khai thác chiều sâu khía cạnh mà quên rằng đằng sau ngòi bút còn là những số phận, những cuộc đời. Rồi những người đó sẽ sống ra sao, gia đình họ sẽ phải đối mặt với dư luận xã hội như thế nào là điều mà những người làm báo phải lường trước và suy nghĩ khi đặt bút viết thể loại này. Vụ việc của một cán bộ ở thành phố Hải Phòng đã là một minh chứng đau lòng cho sự phóng tác của những người làm báo thiếu trách nhiệm.
Nói về quá trình tác nghiệp, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng, sự an toàn cho bản thân người viết và những người cùng tác nghiệp là vấn đề mà người làm báo cần lưu ý, nhất là khi thâm nhập các băng nhóm tội phạm. Có những bức ảnh khi đưa lên mặt báo, bọn tội phạm đã biết mười mươi người chụp ảnh đứng ở góc nào. Có những sự việc khi đưa lên mặt báo chúng đã biết người tiết lộ là ai vì thông tin mật đó chỉ mới tiết lộ cho vài người được biết. Vì vậy, tác giả cần có sự chọn lọc hình ảnh và thông tin khi thể hiện tác phẩm báo chí, nên chọn nhiều góc ảnh – thậm chí có thể chọn bức ảnh được chụp từ xa – và chọn lọc thông tin đã được nhiều người biết để hạn chế nguy hiểm cho người cùng hợp tác lẫn bản thân mình. Riêng với vấn đề mô tả sự việc, Thiếu tướng nhìn nhận: Tuy việc đi tìm chân lý là không có điểm dừng, nhưng nhà báo khi tác nghiệp báo chí thì phải biết điểm dừng để mình và người hợp tác không vi phạm pháp luật. Đồng ý rằng nhà báo khi tác nghiệp có thể hóa thân, chọn người cùng hợp tác nhưng chỉ nên làm như thế khi bản thân họ đã am hiểu về hệ thống pháp luật. Vụ việc nhà báo Hoàng Khương hãy còn được nhiều người nhắc lại như một bài học về báo chí khi anh sử dụng người thân cùng tác nghiệp, đoạn băng ghi âm cho thấy anh đã có những lời lẽ xúi giục, ngã giá chứng tỏ mức độ đồng phạm trong vụ việc.
Đừng vô tình tiếp tay cho tội ác
Ngoài ý kiến của Thiếu tướng Phan Anh Minh, các đồng chí công an cũng chỉ rõ, nhà báo khi tác nghiệp cần phải biết điểm dừng và nếu có thể thì phải kịp thời ngăn chặn không để hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Ngoài trách nhiệm của một người làm báo, phản ánh sự thật, nhà báo còn phải thể hiện trách nhiệm của một công dân, kịp thời báo cáo cho cơ quan điều tra để ngăn chặn tội phạm, nhất là với đối tượng tội phạm có tổ chức và tội phạm hoạt động xuyên biên giới. Có rất nhiều vụ việc, nhà báo biết thông tin, âm thầm theo dõi từng đường đi, nước bước của kẻ phạm tội, chờ về đến Việt Nam mới báo cáo cho cơ quan chức năng bắt giữ. Vô tình, các nhà báo đã tiếp tay, đẩy người khác vào con đường phạm pháp. Giá như các nhà báo phối hợp với cơ quan chức năng ngay từ đầu để ngăn chặn hành vi, không để người thiếu hiểu biết sa vào con đường phạm tội thay vì đi đến tận cùng sự việc để phản ánh trên mặt báo thì con số người phạm tội sẽ được giảm đi. “Chúng tôi coi nguồn tin báo chí là nguồn tin tố giác tội phạm. Nhưng nếu đơn phương đưa sự việc phản ánh lên mặt báo rồi mới báo cho cơ quan công an thì việc xử lý này không đạt hiệu quả, bỏ lọt tội phạm, mất đi nhiều mắt xích quan trọng trong quá trình điều tra”, Thượng tá Võ Văn Trai, Phó phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy (PC470 Công an TP.HCM) nhìn nhận.
Đồng tình với ý kiến này, Thượng tá Nguyễn Hoàng Thắng, Trưởng công an quận Bình Thạnh cho biết, tâm lý của những người làm báo khi nghe các vụ án ma túy là thường thích đi sâu vào khai thác mức độ, hình thức phạm tội. Vô tình, sự khai thác này lại tiết lộ thông tin, “chỉ đường” cho các đối tượng phạm tội khác thực hiện theo. Từng có một bài báo nêu chi tiết bọn tội phạm cất giấu ma túy đường hàng không bằng cách gói ma túy bằng một lớp giấy bạc, rồi gói bên ngoài bằng một lớp giấy than để đi qua máy quét, ngay sau đó xuất hiện hàng loạt các vụ phạm tội liên quan tới hình thức giấy bạc – giấy than. Rồi một bài báo khác mô tả cất giấu ma túy bằng cách gói bằng nhiều lớp quần áo vào một va ly nhỏ (ngụy trang kiểu đi du lịch) thì ngay sau đó là hàng loạt các vụ buôn bán ma túy liên quan tới hình thức này. “Chính vì thế, chúng tôi rất ngại khi phải cung cấp chi tiết cho các nhà báo, bị các nhà báo trách nhầm là “ém” thông tin, thiếu hợp tác với cơ quan công an. Tôi cho rằng, nhà báo khi tác nghiệp cần phải chú ý đến góc độ tiếp cận, mức độ mô tả, phạm vi và thời gian công bố để không gây cản trở cho cán bộ điều tra”, Thượng tá Nguyễn Hoàng Thắng nói.
Ngọc Anh
Bình luận (0)