Hội nhậpThế giới 24h

Mỹ và ASEAN muốn bắt tay trở lại

Tạp Chí Giáo Dục

“Nước Mỹ trở lại”. Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngay khi đặt chân đến Thái Lan dự hội nghị ASEAN cùng Diễn đàn an ninh khu vực ARF tại Phuket trong hai ngày 22 và 23-7. Không chỉ là lời tuyên bố ngoại giao, Mỹ đang trở lại khu vực bằng những hành động cụ thể.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Phuket dự Hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN – Ảnh: Reuters
Trong suốt tám năm dưới thời tổng thống George Bush, Washington từng tránh né Hiệp ước thân thiện và hợp tác của ASEAN dù nhiều nước ngoài khối đã tham gia (Trung Quốc ký hiệp ước này năm năm trước). Hiệp ước này nhấn mạnh cách giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình và không can thiệp vào công việc nội bộ. Hiệp ước này từ lâu bị Mỹ coi là cản trở đối với chính sách đối ngoại tự do của mình. Thái độ này đã thay đổi khi Ngoại trưởng Hillary Clinton chính thức đặt bút ký vào bản hiệp ước hôm 22-7.
Động thái mới này được coi là sự trở lại của Mỹ đối với khu vực vốn có vị trí chiến lược quan trọng ở sườn đông nam của châu Á và nằm chặn ngay yết hầu tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương – vốn đặc biệt quan trọng với hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài yếu tố kinh tế – với 570 triệu dân và GDP 1.100 tỉ USD, ASEAN được coi là hạt nhân cho khu mậu dịch tự do rộng lớn của châu Á – Thái Bình Dương – các yếu tố an ninh, chính trị là nguyên nhân khiến Mỹ đặt ASEAN ở vị trí quan trọng hơn trong chính sách đối ngoại của mình.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc, cả về sức mạnh kinh tế và quân sự, đang được xem là mối quan tâm của nhiều nước trong khu vực. Tình hình trên biển Đông cũng đang tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn tại khu vực. Về thương mại, năm ngoái buôn bán giữa Mỹ và Đông Nam Á mới đạt 178 tỉ USD, trong khi thương mại hai chiều Trung Quốc – ASEAN cùng thời điểm đạt 231,1 tỉ USD.
Bên cạnh đó, tính trung lập của ASEAN cũng là cơ chế đa phương thuận lợi cho Mỹ trong việc gây sức ép với Myanmar và CHDCND Triều Tiên, đặc biệt khi gần đây có những lo ngại về khả năng kết hợp giữa hai nước để phát triển vũ khí hạt nhân.
Sự trở lại của Mỹ cũng chính là điều mong mỏi của nhiều nước ở khu vực. Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan thừa nhận: “Tôi hiểu họ thật sự muốn mở rộng, tăng cường hợp tác và quan hệ. Chúng tôi hoan nghênh động thái này”. Tại Bộ Ngoại giao Mỹ hiện đã có người thực hiện công việc điều phối với ASEAN là phó trợ lý ngoại trưởng Scot Marciel. Tuy vậy, các quan chức Mỹ cho biết chính quyền Barack Obama còn đang muốn tăng cường quan hệ hơn nữa bằng việc cử đại diện thường trực bên cạnh ban thư ký ASEAN tại Jakarta.
Chính quyền Obama mới đây đã khẳng định dù vướng bận hai cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan nhưng sẽ không coi nhẹ mối quan hệ với ASEAN. Cho đến nay ASEAN thường trách cứ Mỹ dưới thời chính quyền Bush là đã phớt lờ quan hệ với khu vực này khi ngoại trưởng Condoleezza Rice không tới dự hai trong số ba Diễn đàn ARF gần đây nhất mà thay bằng những nhân vật cấp thấp.
THANH TUẤN (TTO)

Bình luận (0)