Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bây giờ là thầy trò đều phải trọng nhau

Tạp Chí Giáo Dục

Làm việc trong ngành giáo dục lâu năm, nhiều năm là chuyên viên cao cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi về hưu lại tham gia nhóm nghiên cứu giáo dục thuộc Quỹ hòa bình và phát triển Việt Nam, bấy lâu nay nhà giáo Nguyễn Quang Kính rất trăn trở với mối quan hệ thầy – trò trong xã hội giờ đây đã và đang bị chi phối bởi sự thay đổi của nhịp sống hiện đại. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, ông đã có cuộc trò chuyện cùng Đại Đoàn kết.
 
Tri ân thầy cô trong ngày Nhà giáo Việt Nam, Ảnh: HOÀNG LONG
PV: Thưa ông, tinh thần "Tôn sư trọng đạo” từ lâu đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Thời phong kiến, trong thang giá trị, vua là trên hết, và người thầy xếp sau vua nhưng trước cha mẹ: "Quân – Sư – Phụ”. Tinh thần tôn sư trọng đạo của người Việt còn được thể hiện qua những câu tục ngữ, ca dao truyền miệng từ xưa đến nay mà mọi người đều thấy quen thuộc: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, "Không thầy đố mày làm nên”…
Ông Nguyễn Quang Kính: Cái trật tự "Quân-Sư-Phụ” là nhập từ nước láng giềng phía Bắc. Còn cái câu "nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, thì không rõ là người thầy nói để xác định thái độ cho học trò hay là học trò nói để thể hiện tấm lòng kính trọng người có công dạy mình. Dẫu sao, cả hai đều do các cụ có chữ nói ra. Dân ta rất hiếu học, luôn khát khao chuyện học cho con cái, cốt sao "biết dăm ba chữ để làm người”. Vì thế mới dạy con, dạy cháu, "Không thầy đố mày làm nên” rồi lại khuyên nhau: "Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Còn về tình cảm thầy – trò, là người đã từng làm nghề dạy học, tôi không dám đặt vị trí người thầy lên trên bố mẹ. Ngay khi bập bẹ học nói, trẻ con đã gọi một trong hai người đẻ ra mình là thầy. Đến khi đi học, mới gọi người dạy mình là thầy. Nghĩa là người dạy mình cũng được kính trọng như bố đẻ của mình. Mà như thế là, các cụ nhà ta đã coi cái việc đi học như là được sinh thành một lần nữa. Nôm na, đơn giản mà lại rất sâu sắc. Tôi nghĩ, cái đó mới là gốc Việt, là thuần Việt, mới là truyền thống, là của mình. Hơn nữa, người Việt không chỉ gọi người dạy chữ cho mình là thầy, dân ta cũng rất kính trọng các vị thầy dạy nghề, chả thế mà nhiều vị có công truyền nghề cho dân được dân tôn làm ông tổ nghề, bà tổ nghề, rồi hơn thế nữa, các làng nghề còn tôn các vị đem nghề về dạy cho dân làng làm thành hoàng, thờ phụng ở đình làng. Như vậy là ông tổ nghề hay bà tổ nghề được dân coi là tương đương với các vị đại vương, các vị thần thánh. Thế thì Ngày Nhà giáo không chỉ dành cho các thầy dạy chữ, mà còn là để tôn vinh các thầy dạy nghề. Mà dạy chữ hay dạy nghề, muốn xứng với danh hiệu người thầy thì cũng phải lấy việc dạy làm người làm gốc. Đấy mới là nét hay trong xã hội, đấy mới là cái cần phải đề cao, gìn giữ.
Ở bất kỳ xã hội nào vai trò của người thầy cũng luôn được đề cao. Và cho dù nhịp sống của xã hội hiện đại giờ đây có đổi thay thì tinh thần "tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam cũng vẫn vẹn nguyên giá trị, ông có đồng ý với điều đó?
– Ai cũng biết, kính trọng nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học là giá trị cần giữ gìn. Nói cần giữ gìn bởi vì đã có lúc, có nơi nó không được giữ gìn. Nhưng cũng xin nói, giữ tinh thần tôn trọng người thầy và nghề dạy học không có nghĩa là giữ nguyên cái cách ứng xử như xưa. Ngày xưa, nhất nhất mọi thứ học trò đều phải nghe thầy. Đó là cái cách thầy thì áp đặt, trò thì thụ động. Bây giờ cái cách ấy vẫn còn. Đó là cái cần phải bỏ đi. Cái cần bây giờ là thầy và trò đều phải trọng nhau vì cùng là con người, cùng coi trọng chân lý, coi trọng sự thật. Nếu thầy trò không tôn trọng nhau với cái nghĩa cùng là con người, nếu nhà trường để lẫn lộn cái giả với cái thật, nào là đạo văn, nào là bằng rởm và còn nhiều thứ không thật nữa thì như thế không còn là giáo dục, chỉ là phản giáo dục.
Nhà giáo Nguyễn Quang Kính, Ảnh: HOÀNG LONG
Vâng, quan điểm của ông cũng giống như quan điểm của nhiều thầy cô giáo. Nhưng, có một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận là: tấm lòng của thầy cô bao la như trời biển, vậy mà trong môi trường học đường gần đây tình trạng bạo lực đang trở thành mối quan ngại; không ít học sinh có biểu hiện xem thường kỉ cương học tập; vô lễ, xem thường thầy cô?
– Tôi sợ cách chúng ta ví von, nhiều khi thái quá. Để nói về công ơn, chúng ta thường ví, bao la như trời biển. Tôi nghĩ, chả nên nói thế. Là người từng đi dạy, cũng được học trò quý trọng, nhưng nghe đánh giá như thế về các thầy cô giáo, tôi cũng thấy… ngại. Còn về thực trạng vừa đề cập, tôi hoàn toàn đồng ý. Nhà trường là nơi hội tụ những khát vọng tốt đẹp của xã hội, đồng thời là tấm gương phản chiếu thực trạng xã hội. Những trục trặc của nhà trường là sự phản ánh những trục trặc trong xã hội. Một khi nhà trường trục trặc thì lập tức phải báo động. Rất tiếc nhiều vị có trách nhiệm quản lý giáo dục và nhà trường vẫn còn rất bình tĩnh. Bình tĩnh một cách đáng sợ. Trong khi đó, nhiều nhà giáo, nhà khoa học xã hội đã báo động, cần phải thực hiện cải cách giáo dục, nhà trường phải lấy phát triển nhân cách con người làm mục tiêu.
Thưa ông, điều đáng nói là "Đạo” không chỉ dừng lại ở đạo làm trò, ở những hình thức, thái độ ứng xử với người thầy mà còn là vấn đề đạo đức xã hội. Việc chúng ta tôn trọng những người giữ vai trò truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ sau là biểu hiện của tình yêu tri thức, biểu hiện của văn minh, tiến bộ?
– Chúng ta đang nói về những trường hợp trò đối xử không đúng đối với thầy. Nhưng cũng phải nói lại, không thiếu những học trò kính trọng thầy nhất là đối với những thầy cô hết lòng vì học sinh. Trẻ con phần đông rất công bằng, và biết đánh giá. Thầy giỏi, thật lòng thương yêu học trò thì học trò sẽ thật lòng kính trọng thầy. Học trò thích học môn nào đó, thường là vì nó phục thầy, quý thầy dạy môn đó. Vậy trong quan hệ thầy trò, trước hết thầy phải ra thầy rồi trò mới ra trò được. Còn về vai trò của người thầy, tôi cũng xin được nói lại. Cái quan niệm thầy giữ vai trò truyền đạt tri thức hiện vẫn đang thịnh hành, nhưng đấy là cái lạc hậu, cái lỗi thời. Từ lâu rồi, các nhà giáo dục có tư tưởng cách tân đã nhắc nhở các thầy, đừng thuyết giảng mà phải đóng vai nhà tổ chức, tạo ra các tình huống, các cơ hội để học sinh tự tìm kiếm tri thức.
Thời gian qua xã hội cũng lên án những biểu hiện xuống cấp đạo đức từ phía người thầy, rồi những vụ việc đổi tình lấy điểm, mua điểm… ông có đồng ý rằng đó chỉ là những hiện tượng cá biệt trong môi trường giáo dục, những "con sâu làm rầu nồi canh” không?
– Những sự việc một vài vừa nhắc tới là một vết nhơ không chỉ đối với ngành giáo dục. Những chuyện xấu xa như thế sẽ còn hằn sâu, không dễ gì xóa bỏ trong ký ức xã hội. Còn chuyện các thầy, cô giáo tiêu cực đến chừng mực nào, loang rộng đến mức nào, phải điều tra, khảo sát để có con số mới thuyết phục được người nghe. Nhưng chắc bảo tiêu cực là cá biệt thì người nghe sẽ không chấp nhận. Ở đây có một vấn đề mà ông Trần Kiều – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục đã nói đến trong một vài hội thảo. Ông ấy là tiến sĩ toán thống kê. Ông ấy bảo, cả nước có hơn một triệu thầy cô giáo, chỉ cần vài phần trăm tiêu cực đã là một con số rất to. Giữ cho được cả triệu nhà giáo đều trong sáng giữa mênh mông tiêu cực trong xã hội thì thật là khó. Nhưng xã hội yêu cầu phải thế. Nghề làm thầy đòi hỏi phải thế. Đấy là cái cực kỳ khó khăn của ngành giáo dục, của các vị quản lý giáo dục trong thời đại thông tin.
Như trong các diễn đàn gần đây về vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, việc ngày càng có ít người theo học ngành sư phạm cũng đang là một thực tế đáng lo ngại. Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm thế nào để thay đổi nhận thức của những người chọn ngành, chọn nghề?
– Muốn thay đổi nhận thức của xã hội, các vị hoạch định chính sách nên thay đổi trước. Năm 2010 vừa rồi, một nhánh đề tài nghiên cứu giáo dục tổ chức khảo sát về thu nhập gồm lương và phụ cấp theo lương của giáo viên ở 27 trường thuộc 5 tỉnh/ thành phố cho thấy, các thầy cô mới ra trường: khoảng 2 triệu đồng/ tháng; có thâm niên trên dưới 10 năm: khoảng 3 triệu đồng/ tháng. Làm sao mà thu hút được người giỏi vào sư phạm. Mà như thế thì làm thế nào để thầy cô dành toàn tâm cho việc dạy học, để thầy cô không làm thêm nghề khác hoặc dạy thêm. Xin nhớ, dạy thêm thu tiền chỉ là chuyện ở thành phố lớn. Ở nông thôn, chuyện đó hiếm hơn. Còn ở miền núi vừa dạy vừa dỗ. Dỗ dành cho trẻ đi học, nếu không, chúng bỏ học ngay. "Không thầy đố mày làm nên” nhưng mà "Không thực thì không vực được đạo”. Bây giờ học trò học giỏi, thông minh chả chịu đi chọn cái nghề thu nhập thì thấp, làm việc lại vất vả, đêm nào cũng soạn giáo án và cập nhật hàng đống sổ sách chuyên môn. Muốn giải quyết thì phải thay đổi chính sách tiền lương và phụ cấp. Có giải quyết như thế thì mới mong các thầy cô gắn bó với nghề, mới khắc phục nạn dạy thêm để tăng thu nhập. Theo tôi biết, Tổ chức Minh bạch Thế giới người ta cho rằng buộc học sinh học thêm để thu tiền cũng là tham nhũng.
Vậy, ông đã chọn nghề nhà giáo như thế nào? Đã bao giờ ông cảm thấy băn khoăn về con đường mình đã chọn hay chưa?
– Tôi vào đại học sư phạm cách đây tròn nửa thế kỷ. Lúc đó không có chuyện chọn nghề, chỉ có chuyện phân công. Ít nhất trong trường hợp của tôi là vậy. Ông bạn đồng nghiệp của tôi nói một câu rất hay: "Nghề chọn mình chứ mình đâu có chọn nghề.” Đi dạy, mà dạy được, lại được học trò yêu quý, thế là có hạnh phúc nghề nghiệp.
Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Xin chúc mừng ông cùng các đồng nghiệp nhân ngày 20-11.

Theo Hương Lê
(daidoanket)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)