Vì quyết định “bóp tiền ăn để chống lạm thu” của UBND tỉnh, hàng chục trường tiểu học tại TP.Nam Định thông báo sẽ dừng nhận học sinh bán trú!
Ngày 1.11.2011, UBND tỉnh Nam Định ban hành công văn số 227/UBND-VP7 về việc “tăng cường quản lý việc huy động đóng góp ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập”. Mục đích chung là quản lý chặt hơn các khoản thu ngoài học phí của các trường, ngăn chặn tình trạng lạm thu.
Một trong những quy định của công văn trên là: “đối với trường tiểu học ở thành thị, mức thu tiền nuôi ăn bán trú tối đa là 15.000 đồng/học sinh/ngày”. Đây chính là điểm mấu chốt dẫn đến quyết định dừng bán trú của đa số trường tiểu học trên địa bàn thành phố (TP.Nam Định có 21 trường tiểu học).
Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, bà Lê Thị Hạnh cho biết: “Hiện trường có 400 học sinh bán trú. Trước khi có công văn của tỉnh, trường và phụ huynh thống nhất thu 400.000 đồng/học sinh/tháng. Với mức thu trên, trung bình trường chi khoảng 20.000 đồng/học sinh/ngày, việc nuôi ăn bán trú gồm tiền ăn, tiền trông các cháu buổi trưa, tiền công nấu ăn. Trong đó, tiền ăn của mỗi cháu (1 bữa chính và 1 bữa phụ) là 15.000 đồng/ngày. Khi tỉnh quyết định hạ mức thu xuống thấp như hiện nay thì nhà trường, bếp ăn bất lực. Không lo nổi bữa ăn cho các cháu với mức tiền ấy nhưng cũng không thể để học sinh đói nên chúng tôi đành phải quyết định dừng bán trú!”.
Dừng bán trú, trên 8.000 phụ huynh tại TP.Nam Định sẽ phải đưa đón con mỗi ngày 4 lần – Ảnh: Văn Đông |
Hiệu trưởng một trường tiểu học khác đồng cảm: “Mức thu tối đa 15.000 đồng/học sinh/ngày là quá thấp. Trừ các khoản khác đi, thì tiền ăn chỉ còn 10.000 đồng/học sinh/ngày thì làm sao đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho các cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn”.
Bà Trịnh Thị Hạ, tổ trưởng cấp dưỡng của Trường tiểu học Phạm Hồng Thái than thở: “Trước đây, một ngày trường mua 86kg thịt, giờ giảm xuống còn 54kg. Trước thì còn thịt kèm đậu, lạc, bây giờ chỉ có thịt không. Trước, một tuần có thêm vài bữa canh cua, ngao, tép… nhưng giờ thì hết. Các cháu phải chuyển từ bữa ăn chính no và đủ chất dinh dưỡng, sang no cơm nhưng thiếu thức ăn dinh dưỡng, đồng thời không có bữa ăn phụ sau khi ngủ trưa”.
Tình trạng căng thẳng về tiền ăn đã vượt quá sức chịu đựng của các trường, giữa tháng 12.2011, đại đa số trong 21 trường tiểu học tại TP.Nam Định đành gửi thông báo đến gia đình phụ huynh sẽ dừng bán trú từ sau khi nghỉ tết dương lịch, tức từ ngày 3.1.2012.
Chị Nguyễn Cẩm Chung (P.Trường Thi, TP.Nam Định) có con học bán trú tại Trường tiểu học Nguyễn Trãi lo lắng: “Hai vợ chồng tôi đi làm theo giờ hành chính. Dừng bán trú, chúng tôi chỉ còn cách thuê xe ôm, xích lô đưa đón con. Nhưng tính ra chi phí ấy còn đắt hơn phải nộp thêm tiền ăn để con được tiếp tục bán trú”.
Ông Vũ Thế Tài, đại diện hội phụ huynh học sinh Trường tiểu học Phạm Hồng Thái bày tỏ: “Việc hạn chế tận thu là tốt, nhưng việc quy định tiền ăn học sinh bán trú ở mức quá thấp như trên là không khả thi. Chúng tôi đề nghị nới rộng mức đóng góp tiền ăn để chúng tôi được đóng thêm. Nếu lãnh đạo tỉnh muốn chống lạm thu, chỉ cần yêu cầu các trường công khai đồng thời giám sát chặt số tiền thu, chi là được”.
Văn Đông
Thanh Nien
Bình luận (0)