Lâu nay HS thường có thói quen mua một bộ SGK mới toanh đầu năm học mới. Tuy nhiên, có một bộ phận không nhỏ HS vì nhiều lý do khác nhau phải học sách cũ. Vậy, việc học sách cũ liệu có ảnh hưởng gì đến kết quả, chất lượng học tập của HS?
Tâm lý chung: Chọn sách mới
Những ngày đầu tháng 8, không khí tựu trường gần kề cũng là lúc HS, phụ huynh đổ xô đi mua sách giáo khoa (SGK) phục vụ năm mới. Phần lớn phụ huynh, HS đều chọn mua một bộ SGK mới phục vụ cho cả năm học và coi đó như một lẽ thường tình. Qua khảo sát, tìm hiểu của PV tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), một lượng lớn phụ huynh, HS khi được hỏi đều có câu trả lời chung là mua SGK mới vào đầu năm học. Lý do đưa ra là bước vào năm học mới nên mua SGK mới như mong muốn của con em, học sách mới sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong quá trình học tập như chữ đọc rõ hơn, chất liệu giấy sáng hơn, tạo tâm lý thoải mái hơn khi đọc hay làm bài tập.
Vào năm học mới, có một bộ phận không nhỏ HS vì nhiều lý do khác nhau đến các cửa hiệu sách cũ mua SGK cũ để học.
Chị Nguyễn Thị Mộng Thủy (30 tuổi, phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết đã 3 năm nay chị đều mua SGK mới cho con khi cháu bước vào năm học mới. “Cháu đang học Tiểu học nên năm nào tôi cũng mua nguyên bộ SGK mới cho cháu học để lên lớp không có thua bạn, thua bè. Cứ dịp cuối hè ngày nào cháu cũng rỉ tai là mua bằng được SGK mới để đi học… Mình sao nỡ lòng nào làm khác ý cháu trong khi cháu tuổi còn rất nhỏ”, chị Thủy chia sẻ.
Trong khi đó, chị Hòe (phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) có con là HS bậc THCS tâm sự: chị lựa chọn mua SGK mới đầu năm học ngoài lý do đáp ứng ý nguyện của con chị, thì học SGK mới sẽ thuận lợi hơn trong quá trình học tập như dễ đọc hơn, thoải mái hơn. “Tôi nghĩ nếu SGK cũ (SGK cũ nhưng vẫn nằm trong chương trình hiện hành của Bộ GD-ĐT – PV) đã qua một vài năm thì sẽ khó đọc. Do vậy, ngoài lý do mua SGK mới đáp ứng ý nguyện của cháu, tôi nghĩ rằng mua một bộ SGK mới dù tốn kém một chút nhưng học sẽ tốt hơn”, chị Hòe nói.
Còn theo chị N.H.T. (phường Tự An), SGK cũ khi qua sử dụng thường có dấu mực như viết, vẽ, tẩy xóa… sẽ ảnh hưởng đến người tái dụng cuốn sách này nên chị quyết định mua một bộ SGK mới cho cậu con trai lớn năm nay vào lớp 7.
Học sách cũ là một hình thức tiết kiệm
Thầy Nguyễn Đình Long – hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) nêu quan điểm: “Việc dùng sách cũ hay sách mới không hề ảnh hưởng gì đến hiệu quả học tập của HS, miễn sao nội dung sách phải phù hợp, không thay đổi. Dù học sách gì nhưng HS phải biết sử dụng sách, lĩnh hội được kiến thức trên lớp thông qua việc tổ chức dạy học tích cực của GV. Cần phải hiểu SGK là điểm tựa cho HS tham khảo, nghiên cứu thêm”. Theo thầy Long, việc sử dụng SGK cũ còn là một hình thức để tiết kiệm, chính vì vậy, nhà trường vẫn thường xuyên giáo dục cho HS biết giữ gìn SGK, không được xé rách trang, nhàu nát hay viết vẽ trong sách.
Theo các nhà giáo dục, SGK là điểm tựa cho HS tham khảo, nghiên cứu thêm, sách mới hay sách cũ không phải là thước đo kết quả học tập của HS, quan trọng là HS phải chủ động trong học tập, nắm được bài giảng của GV trên lớp.
Chung quan điểm với thầy Long, thầy Nguyễn Duy Nam – hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay: “Sách cũ dùng bao nhiêu lần cũng được miễn sao sách cũ đó phù hợp với chương trình giáo dục hiện hành của Bộ GD-ĐT và không bị rách nát, không bị mốc meo nội dung bên trong, đảm bảo cuốn sách còn nguyên vẹn”.
Còn ông Nguyễn Hữu Quát, Trưởng phòng Giáo dục Trung học – Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk cũng cho rằng nguyên tắc sử dụng SGK cũ phải nằm trong chương trình giáo dục hiện hành cho phép của Bộ GD-ĐT; SGK chủ yếu dùng để tham khảo, sách mới hay sách cũ không phải là thước đo kết quả học tập của HS, quan trọng là HS phải chủ động trong học tập, nắm được bài giảng của GV trên lớp. “Ở Đắk Lắk, nhiều gia đình nghèo lại có đông anh em theo học nên cùng lúc mua nhiều bộ SGK mới đầu năm học quả thực rất khó khăn. Do vậy, học sách cũ cũng chẳng sao miễn là sách đó nằm trong chương trình giáo dục hiện hành. Tuy nhiên, nếu phụ huynh có điều kiện trang bị SGK mới cho con em thì càng tốt, nhất là đối với HS đầu cấp”, ông Quát bộc bạch.
Sóc Trăng: Thiếu SGK trầm trọng
Chiều ngày 15/8, nhiều phụ huynh ở thành phố Sóc Trăng và một số địa phương lân cận rất lo lắng khi đi mua SGK cho con em nhưng không đủ bộ, nhất là thiếu những cuốn SGK chính của lớp học.
Anh Nguyễn Minh Nghiệp (ngụ tại phường 2-TP Sóc Trăng) than phiền: “Con tôi năm nay vào lớp 4, chiều nay vào nhà sách tìm mua cho cháu nhưng không đủ bộ, lại thiếu những cuốn SGK chính của một số môn học cơ bản. Hỏi khi nào có thì nhân viên nhà sách nói không thể trả lời được vì còn phụ thuộc vào đơn vị cung cấp”.
Có mặt tại các cửa hàng của Công ty cổ phần sách – thiệt bị Sóc Trăng, PV Dân trí ghi nhận phản ánh của nhiều phụ huynh là đúng. Theo một nhân viên đang phụ trách bán hàng của công ty trên đường Trần Hưng Đạo (phường 3-TP Sóc Trăng), năm nào công ty cũng nhận sách về nhiều, đáp ứng nhu cầu của học sinh. Nhưng không hiểu sao năm nay lượng sách nhập về cũng tương đương như mấy năm trước nhưng lại thiếu, nhiều phụ huynh vào tìm mua nhưng không có đủ theo yêu cầu.
Tối ngày 15/8, chị Nguyễn Thị Thu (nhà ở Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) dẫn con chuẩn bị vào lớp 7 sang nhà sách của công ty mua sách nhưng tìm mãi vẫn không đủ. Khi một nhân viên phụ trách cho biết chưa biết lúc nào mới có đủ sách bán cho học sinh, chị Thu than phiền: “Ngày 20/8 này cháu vào học rồi mà hôm nay chưa mua đủ sách, thật là phiền phức. Biết thế này đầu hè đi mua cho chắc ăn”.
Theo một nhân viên nhà sách của công ty này trên đường Lê Duẩn (phường 3), hiện tại công ty đang đặt hàng với nhà in nhưng không biết có về kịp đầu năm học hay không. Năm nay là năm bỗng nhiên biến động về số lượng người mua sách nên dù công ty đặt in với số lượng như những năm trước nhưng vẫn thiếu nên công ty cũng rất bất ngờ.
Bạch Dương
|
Viết Hảo (Dân trí)
Bình luận (0)