Nghỉ việc ở nhà trông con
Các cháu ở Trường Mầm non Bán công Tuổi thơ 7 Q3 trong giờ học vẽ. Ảnh: MAI HẢI |
Không tìm được người giúp việc, cả tháng nay anh N.V.M, công tác tại một tờ báo ở quận 3 nhưng nhà lại ở quận 8, phải thất thểu đi tìm trường cho đứa con 12 tháng tuổi. Song hy vọng của anh đã nhanh chóng tan biến khi hầu hết các trường gần nhà đều lắc đầu không nhận trẻ ở độ tuổi này.
Anh âu sầu nói: “Đến giờ tui vẫn chưa tìm được trường nào để gửi cháu. Chạy sang quận 3 thì có vài trường nhận giữ trẻ ở lứa tuổi này. Thế nhưng, hỏi gởi ở thời điểm này không có trường nào chịu nhận, đi đến đâu cũng bị từ chối với lý do: Hết chỗ, đợi đến sang năm nhưng cũng chưa chắc vì không có hộ khẩu ở quận”.
Chị H.M, nhà ở quận 5, công tác tại một công ty nước ngoài, sau thời gian nghỉ sinh 4 tháng phải đi làm lại nhưng tìm chỗ gửi con không được, lại không có người làm nên chị đành nghỉ việc luôn để ở nhà trông con. “Cũng có vài nhóm trẻ gia đình nhận, nhưng thấy lụp xụp và thiếu an toàn quá mình không dám gửi vào” – chị tâm sự.
Còn rất nhiều trường hợp phụ nữ sau khi nghỉ sinh 4 tháng phải ngậm ngùi nghỉ việc luôn để ở nhà trông con, vì các doanh nghiệp cũng không cho phép họ được nghỉ không lương cả mấy tháng liền.
Theo điều lệ về MN mới mà Bộ GD-ĐT ban hành năm 2008, quy định các trường MN phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi nhưng hầu như cho đến nay không có trường nào nhận trẻ ở lứa tuổi này. Thậm chí rất ít các trường có lớp giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi, chưa tính đến 3 hay 6 tháng như quy định.
Ngay như Trường MN Thành phố, một trong những trường đầu ngành của thành phố ở bậc học này cũng chỉ có 1 lớp giữ trẻ từ 12-24 tháng tuổi. Bà Quách Thị Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Ưu tiên hàng đầu cũng phải dành cho giáo viên của trường. Lớp này thường có sĩ số chưa đến 30 cháu nhưng phải có từ 4-5 cô chăm sóc để đảm bảo an toàn cho trẻ. Giữ trẻ nhỏ thì cần phải có cơ sở vật chất cực tốt, giáo viên nhiều kinh nghiệm, chuyên môn cao. Nếu giữ trẻ dưới 12 tháng, cứ 1 cô chỉ có thể giữ 2-3 cháu nên trường rất hạn chế nhận lứa tuổi này”.
Một lý do không kém phần quan trọng khiến các trường không muốn nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi là mức thu học phí quá thấp không đủ trả lương tương xứng cho giáo viên.
Loay hoay không lối ra
Đề cập tới vấn đề nhận trẻ nhỏ dưới 18 tháng tuổi, hiệu trưởng các trường đều lắc đầu: “Chúng tôi cũng muốn nhận lắm nhưng đành bó tay. Để mở một nhóm lớp giữ trẻ dưới 12 tháng tuổi là không đơn giản, phải có phòng ốc phù hợp và hơn hết giáo viên hiện nay lại quá thiếu, nghiệp vụ chăm sóc trẻ nhỏ lại không đảm bảo nên chúng tôi không dám nhận”.
Đó là đối với các trường công lập, còn các trường dân lập, tư thục hay nhóm trẻ gia đình dù luôn lấy nhu cầu của phụ huynh làm phương châm hoạt động nhưng nhiệm vụ này cũng khó khả thi.
Đó là đối với các trường công lập, còn các trường dân lập, tư thục hay nhóm trẻ gia đình dù luôn lấy nhu cầu của phụ huynh làm phương châm hoạt động nhưng nhiệm vụ này cũng khó khả thi.
Cô Tạ Thị Thanh An, Hiệu trưởng Trường MN tư thục Ong Nâu, cho biết: Các trường, nhóm lớp ngoài công lập thường không đủ điều kiện để giữ trẻ 2-12 tháng tuổi. Có một nghịch lý là để mở các lớp này, trường phải đầu tư rất lớn, nguồn thu vào lại rất thấp mà rủi ro, trách nhiệm lại nặng nề… Trường ngoài công lập không được hỗ trợ và chủ trường vẫn phải tính đến lời lỗ của hoạt động kinh doanh nên đã khó càng thêm khó.
Ở góc độ chuyên môn, các giáo viên đều cho rằng: Ở lứa tuổi này, các bé sẽ ngủ 3-4 giấc trong thời gian lên lớp, thời gian hoạt động của trẻ sẽ ít lại, sự tiếp xúc giữa cô và trẻ giảm đáng kể nên GV khó nắm bắt diễn biến từng bé. Hơn nữa, chỉ cần trẻ bị sặc sữa hay nằm úp khi ngủ, hoặc úp vật lên mặt… dễ bị ngạt thở rất nguy hiểm. Ở trường dù đã được học các chuyên đề về chăm sóc trẻ nhỏ nhưng thực tế diễn biến tâm lý, sức khỏe thể trạng mỗi cháu mỗi khác nên rất khó đảm bảo khi nuôi giữ trẻ quá nhỏ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết: Điều kiện của các trường công lập hiện nay không cho phép nhóm quá nhỏ, chỉ một số ít trường lớn có nhóm lớp 12-18 tháng tuổi như Trường Hoa Lư (quận 1) có lớp 5 tháng tuổi nhưng phần lớn là con của giáo viên. Quy định mỗi trường có trên 12 lớp phải mở lớp nhóm nhỏ trước 18 tháng tuổi.
Tuy nhiên, quy định là thế nhưng không thể bắt buộc các trường, vì hiện nay hệ thống trường MN quá thiếu, chỉ đáp ứng được khoảng 35% trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ và 80% trẻ lứa tuổi mẫu giáo. Nhà nước cần xem xét và kéo dài thời gian nghỉ hậu sản cho phụ nữ sau sinh, điều này vừa đảm bảo được sức khỏe bà mẹ và chăm sóc tốt hơn cho sự phát triển của trẻ.
Xem ra nếu nhà nước không quy định lại thời gian nghỉ hậu sản cho phụ nữ sau sinh thì bài toán tìm chỗ gửi con trước 18 tháng tuổi vẫn chưa có lời giải?!
Theo quy định mới của ngành học mầm non (MN), các trường thuộc bậc học này phải nhận trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của các bà mẹ sau khi nghỉ sinh 4 tháng. Thế nhưng, cho đến nay, hầu hết các trường mầm non ở TPHCM vẫn không nhận trẻ ở nhóm tuổi này.
|
LÊ LINH – TIÊU HÀ (SGGP)
Bình luận (0)