Đề thi môn ngữ văn (kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009) của Bộ GD-ĐT đã khiến nhiều người ngỡ ngàng – ngỡ ngàng vì nó “quá hay” – nói như nhận xét của hầu hết các thí sinh ở TP.HCM mà chúng tôi đã gặp sáng 2-6. “Đọc đề thi xong, thấy có hứng làm bài ngay” – họ cho biết, có thí sinh còn không giấu giếm: “Tôi thích nhất câu 2, khỏi cần học bài cũng làm được, cứ thoải mái mà viết”.
Không những thế, theo nhận xét của nhiều giáo viên bộ môn văn, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay là một bước thay đổi sáng tạo của Bộ GD-ĐT, đặc biệt là hai câu hỏi thuộc “Phần chung cho tất cả thí sinh”. Ở câu 1, đề thi chỉ hỏi về nội dung của một đoạn văn trong truyện ngắn “Thuốc” (khách ở quán trà nhà lão Hoa đã bàn về những chuyện gì). Mặc dù vậy nhưng thí sinh phải đọc và hiểu cả 4 đoạn của tác phẩm này mới có thể trả lời đầy đủ ý (Hãy cho biết điều nhà văn muốn nói qua những chuyện ấy). Không đi vào lối mòn của đề thi các năm trước, không yêu cầu thí sinh học thuộc lòng để tóm tắt tác phẩm, trình bày về cuộc đời, sự nghiệp của tác giả… mà yêu cầu thí sinh phải động não, phải am hiểu về nội dung, hoàn cảnh ra đời…của tác phẩm. Yêu cầu rất thoáng nhưng vẫn nằm trong chương trình học sinh đã từng học.
Ở câu 2 “Hãy viết một bài văn ngắn phát biểu ý kiến về tác dụng của việc đọc sách” – đây được xem là điểm nhấn tiến bộ của đề thi năm nay khi cho thí sinh vận dụng kiến thức xã hội và đời sống để viết bài nghị luận xã hội ngắn.
Cách đây không lâu, khi Bộ GD-ĐT công bố cấu trúc đề thi môn văn, nhiều người đã lo ngại rằng: “học sinh trung học thì làm sao viết được nghị luận xã hội?”. Tuy nhiên, đề tài đọc sách lại rất thích hợp với trình độ, tâm lý cũng như nhu cầu thực tiễn của học sinh trên mọi miền đất nước. Nó không có gì cao xa, bí ẩn, đánh đố học sinh mà nó liên quan, gần gũi với bản thân học sinh. Đây là câu hỏi mở cho thí sinh tha hồ “múa bút” theo cách nghĩ, cách cảm của mình. Và người trong ngành lại hi vọng rằng cách ra đề này sẽ tác động vào việc dạy và học văn trong nhà trường phổ thông: học văn phải có cảm xúc, có động não, có tìm tòi; rằng đề thi, đề kiểm tra phải đặt học sinh vào những tình huống mới thì các em mới thích thú, vì được tự giải quyết vấn đề; rằng người ra đề phải sáng tạo thì thí sinh mới có cơ hội sáng tạo…
Còn nhớ năm 2006, dư luận náo nức bởi đó là năm Bộ GD-ĐT tuyên bố sẽ đổi mới cách ra đề thi. Và đề thi môn văn, khối C kỳ thi tuyển sinh đại học năm ấy đã có câu hỏi yêu cầu thí sinh viết cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua hình tượng sóng (tác phẩm “Sóng” của Xuân Quỳnh). Nhiều người trong ngành cho đó là câu hỏi lạ so với những năm trước đó, kiểm tra được “chiều sâu văn học” của thí sinh mặc dù nó chưa khơi gợi được sự sáng tạo của thí sinh. Và năm đó, có thí sinh đã đạt điểm 10 môn văn. Niềm vui chưa được bao lâu thì người ta phát hiện “bài văn điểm 10 giống sách văn mẫu”. Dư luận xem đó là việc đổi mới nửa vời, là hậu quả của các “máy ra đề”, “máy chấm thi” và “máy làm bài thi”.
Năm nay, giới chuyên môn vẫn hơi tiếc, hai câu ở “Phần riêng” (phần dành cho thí sinh học chương trình chuẩn và chương trình nâng cao) vẫn ra theo cách truyền thống. Có lẽ người ra đề băn khoăn, đang đứng ở khoảng giữa của thời kì giao thời? Hi vọng dần dần rồi đề thi sẽ được thay đổi 100 %, để cho thí sinh thỏa sức sáng tạo.
HOÀNG HƯƠNG (TTO)
Bình luận (0)