Công tác kiểm tra an ninh hàng không tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: P.ANH
|
173 sự cố liên quan đến an toàn bay, 145 vụ về an ninh hàng không trong 6 tháng đầu năm nay đã gióng lên hồi chuông báo động về mức độ an toàn của loại phương tiện vận chuyển được coi là khá an toàn và văn minh này.
Hàng không liên tục bị đe dọa
Vụ vi phạm xảy ra gần đây nhất là ngày 22-7-2014, trên chuyến bay VN2170 của hãng Vietnam Airlines khởi hành từ TP.HCM đến Thanh Hóa. Khi máy bay hạ cánh xuống Sân bay Thọ Xuân, ông Phạm Minh Ninh (61 tuổi) đã tự ý mở cửa thoát hiểm 3L để xuống cho nhanh. Sự cố này đã khiến cho chuyến bay VN1272 tiếp sau đó từ Thanh Hóa đi TP.HCM bị trễ giờ khởi hành 1 giờ 40 phút so với kế hoạch. Ông Ninh thú nhận ông vi phạm lỗi do đây là lần đầu tiên đi máy bay nên “thấy cánh cửa thì mở để xuống cho nhanh mà không biết đó là cửa thoát hiểm”. Với lỗi vi phạm này, Cảng vụ hàng không miền Bắc đã xử phạt ông Ninh 15 triệu đồng và buộc đương sự phải nộp phạt trong vòng 10 ngày.
Dù sao, những vụ vi phạm mở cửa thoát hiểm khi máy bay đã hạ cánh chỉ xảy ra do người dân không biết và không cố ý. Trong khi những vụ dọa hoặc đùa có bom khiến chậm hoặc hủy chuyến bay, gây thiệt hại nghiêm trọng đến an ninh hàng không lại xuất phát từ lỗi “cố tình”. Lỗi vi phạm này, lâu nay đã xảy ra, nhưng dường như ngày càng tăng. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay đã xảy ra 7 vụ hành khách nói đùa hoặc dọa có bom trong hành lý.
Bên cạnh những vụ vi phạm từ hành khách, các vụ vi phạm an toàn bay trong thời gian gần đây cũng khiến cho người dân, nhất là những người thường xuyên sử dụng phương tiện này hoang mang, lo lắng. Sự cố xảy ra ngày 7-8 giữa máy bay của Vietnam Airlines (VNA) và Vietjet Air (VJA) trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh là một ví dụ. Cụ thể, máy bay HVN1203 của VNA từ Hà Nội đi Cần Thơ được kiểm soát viên không lưu Hồ Chí Minh cấp huấn lệnh cho xuống mực bay FL320 (3.200 feet). Kiểm soát viên không lưu cũng thông báo cho phi công biết đang có máy bay ngược chiều của VJA ở mực bay FL310. Tuy nhiên, thay vì đặt đồng hồ giảm độ cao xuống mực bay FL320, tổ lái của HVN1203 lại để chế độ giảm độ cao không xác định khiến máy bay giảm xuống mực bay FL300. Tình huống này khiến HVN1203 cắt ngang qua đường bay của máy bay ngược chiều, dẫn tới mất phân cách giữa hai máy bay làm kích hoạt hệ thống cảnh báo va chạm. Tuy nhiên, hai máy bay này đã an toàn vì kịp thời thực hiện theo khuyến cáo của hệ thống cảnh báo va chạm. Sau khi xác định mức độ vi phạm, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) đã quyết định thu bằng lái không thời hạn đối với cả cơ trưởng và cơ phó chuyến bay HVN1203.
Biện pháp chấn chỉnh
Ông Tô Tử Hùng – Phó trưởng phòng An ninh, Cục HKVN lưu ý, theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), trong hoạt động hàng không, mọi lời nói có bom đều phải được nghiêm túc tiếp nhận và xử lý kịp thời tình huống như có thật.
Theo quy định, các trường hợp “dọa bom” sẽ bị thanh tra hàng không xử phạt hành chính từ 4-10 triệu đồng. Ngoài việc xử phạt hành chính, Cục Hàng không Việt Nam còn có văn bản cấm những hành khách vi phạm không được lưu thông bằng đường hàng không có thời hạn hoặc cả đời tùy theo mức độ vi phạm cụ thể.
|
Ông Hùng nói thêm rằng đối tượng khách hàng chọn lưu thông bằng đường hàng không ngày càng đa dạng hơn và việc không tuân thủ các quy định thiết yếu của ngành cũng là một trong những nguyên nhân khiến an ninh hàng không liên tục bị đe dọa.
Việc đảm bảo an ninh, an toàn hàng không theo ông Hùng luôn là vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong hoạt động hàng không. Vì thế, dù là buột miệng nói đùa hay không biết mà vô thức nói là bom mìn, chất nổ tại sân bay hoặc trên máy bay đều là hành vi có tính chất đe dọa đến an ninh, an toàn và bị xử lý.
Theo phân tích của Phòng An ninh – Cục HKVN, đa số vụ việc tung tin có bom là do hành khách thiếu hiểu biết, cố tình trêu đùa nhân viên hàng không hoặc thậm chí chỉ là để thể hiện “bản lĩnh” cá nhân.
Nhận định về vấn đề an toàn hàng không, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục HKVN thuộc Bộ GTVT cho biết, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu hướng dẫn cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa cao do công tác giám sát trực tiếp của cảng vụ hàng không còn yếu, thiếu nhân lực chuyên môn sâu, ý thức tuân thủ pháp luật của khách hàng chưa tốt…
Để nâng cao độ an toàn, an ninh, chất lượng của ngành hàng không, theo ông Cường thì, Cục HKVN đã nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh và nâng cao nhận thức về trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo đảm an toàn, an ninh hàng không. Đồng thời Cục HKVN sẽ khẩn trương hoàn thành và trình Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt để triển khai thực hiện Đề án đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng của Cục HKVN, Cảng vụ hàng không. Riêng trong lĩnh vực an ninh hàng không, Cục HKVN tập trung giám sát chất lượng và các thiết bị an ninh hàng không; xây dựng hàng rào an ninh, chú trọng diễn tập nhằm tăng cường khả năng đối phó đối với các hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.
Bích Vân
“Đường bay vàng” Hà Nội – TP.HCM
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo Cục Hàng không lập đề án nghiên cứu rút ngắn đường bay Hà Nội – TP.HCM hiện nay, như đề xuất của TS. Trần Đình Bá – Hội Khoa học kinh tế Việt Nam từ năm 2012. Theo TS. Bá, đường bay Hà Nội – TP.HCM hiện nay là bay vòng, có khoảng cách dài hơn đường bay thẳng qua Lào và Campuchia, đang lãng phí 26 phút bay với máy bay Boeing 777, tính bình quân lãng phí 25% chi phí sản xuất. Đường bay Hà Nội – Cần Thơ cũng lãng phí 28%, đường bay Hà Nội – Phú Quốc lãng phí 38%… TS. Bá cho rằng, đường bay vòng hiện nay đang “đốt” trên 300 triệu USD mỗi năm vốn liếng của các hãng hàng không trên đường bay nội địa. Điều này lý giải vì sao đường bay quốc tế có lãi trong khi đường bay nội thua lỗ nặng nề. Với mạng đường bay vòng ở Việt Nam như hiện nay là trái với quy luật kinh tế hàng không, là nguyên nhân gây lỗ. Để các hãng hàng không có lãi thì phải tiết kiệm, giảm giá vé cho dân và thiết lập các đường bay thẳng.
M.H
|
Bình luận (0)