Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường CĐ Kinh tế TP.HCM: Công khai chuẩn đầu ra ở các ngành đào tạo

Tạp Chí Giáo Dục

ThS. Nguyễn Thanh Ký, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong suốt những năm qua, trường chúng tôi không chỉ quan tâm đến việc tăng số lượng giảng viên mà còn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ thầy cô giáo để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, nhằm phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”.
Lấy người học làm trung tâm
Phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, hơn 20 năm qua, Trường CĐ Kinh tế TP.HCM luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên (GV). Trường tích cực xây dựng kế hoạch và chính sách về vật chất, tinh thần khuyến khích GV học đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục. Đội ngũ GV của trường luôn được phát triển. Từ năm 2004 đến nay, trường đã tuyển mới 58 GV nâng số GV của trường hiện nay là 86 người. Ngoài ra, hàng năm, trường cử từ 5 đến 10 GV học cao học và GV học cao cấp chính trị (2 cử nhân chính trị và 8 cao cấp chính trị). Ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn, nhà trường còn khuyến khích giảng viên nâng cao trình độ sư phạm, ngoại ngữ, tin học. Hiện nay, GV của trường đã được bồi dưỡng sư phạm bậc 1 (100%); bậc 2 (95%), số GV có trình độ thạc sĩ là 43, tiến sĩ: 1 và đang học cao học: 23. Nhà trường luôn hoàn thiện nội dung chương trình đào tạo phù hợp với quy định của ngành và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đã trang bị phương tiện hiện đại giúp giảng viên có điều kiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy người học làm trung tâm. Theo lộ trình đến năm 2015, nhà trường phấn đấu đạt chỉ tiêu 25 SV/GV theo QĐ 795/QĐ-BGDĐT ban hành ngày 27-2-2010. Cuối năm 2009, trường đã tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề “Vai trò của giáo viên trong việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục chuyên nghiệp trong giai đoạn hiện nay”. Qua đó đã tác động tích cực đến sự đầu tư, đổi mới giảng dạy của giảng viên. Trong học kỳ I năm học 2009-2010, trường đã xây dựng chuẩn đầu ra cho toàn bộ các ngành, các chuyên ngành ở các bậc học và công khai trên trang web của trường.
Trường CĐ Kinh tế TP.HCM luôn lấy chất lượng đào tạo làm trọng tâm của sự phát triển nên quy mô đào tạo của trường trong những năm qua liên tục tăng và được xã hội tín nhiệm. Nhà trường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vượt mức chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm. Đạt được chỉ tiêu tuyển sinh là nhờ nhà trường luôn quan tâm đến chất lượng đào tạo, đồng thời làm tốt công tác hướng nghiệp cho HS-SV. Ngoài việc đào tạo hệ chính quy, nhà trường còn đào tạo hệ vừa làm vừa học hàng năm khoảng 700 học viên với các lớp ngắn hạn theo từng chuyên môn. Cụ thể, như các lớp bán hàng, nghiệp vụ kho, tin học kế toán, kế toán trưởng… thu hút nhiều đơn vị đặt hàng đào tạo. Dự kiến năm học 2010-2011, trường trình và đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh thêm ngành tài chính ngân hàng và hệ thống thông tin cho bậc cao đẳng. Nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, nhà trường tập trung xây dựng nội dung chương trình đào tạo cho bậc CĐ và TCCN. Mỗi môn học đều có đề cương chi tiết và giáo trình giảng dạy. Đồng thời nhà trường luôn rà soát, điều chỉnh và cập nhật các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước kịp thời, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Thực hiện tốt “ba công khai”

ThS. Nguyễn Thanh Ký (thứ tư bên trái) chúc mừng giảng viên nhà trường đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi

Nhà trường đã triển khai thực hiện 3 công khai theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT và được phổ biến trên website của trường. Nhà trường đã hình thành các ban, tổ phục vụ cho kiểm định chất lượng giáo dục, đã và đang hoàn thiện các nội dung, các minh chứng phục vụ yêu cầu kiểm định chất lượng giáo dục trong thời gian tới. Hàng năm, sau học kỳ I trường đều tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Ban giám hiệu, cán bộ quản lý với Ban cán sự và Ban chấp hành chi đoàn lớp để ghi nhận ý kiến đóng góp của SV-HS về việc giảng dạy và quản lý của trường. Thực hiện chủ đề năm học “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, Trường CĐ Kinh tế TP.HCM chú trọng công tác tuyển dụng GV, hoàn thiện cơ cấu, tổ chức bộ máy theo quy chế trường cao đẳng. Theo đó sẽ hình thành Phòng Thanh tra và Phòng Quan hệ quốc tế – Nghiên cứu khoa học. Đặc biệt tiếp tục giữ vững và ổn định tình hình chính trị tư tưởng tập thể CB-GV-CNV và SV-HS.
Nhiều năm qua, nhà trường luôn gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tổ chức quản lý nhà trường có nề nếp, xây dựng tập thể đoàn kết, vững mạnh. Chi bộ Đảng Trường CĐ Kinh tế TP.HCM với 30 đảng viên, trong đó có 17 đảng viên là GV, 3 đảng viên là SV. Tổ chức Công đoàn và Đoàn TNCS HCM với nhiều phong trào đa dạng và phong phú được thành phố và Sở GD-ĐT TP.HCM khen thưởng nhiều năm liền. Hội Sinh viên của trường được thành lập từ năm 2008, bước đầu hoạt động tích cực thu hút nhiều SV-HS tham gia với hiệu quả cao. Chi bộ nhà trường luôn đạt Chi bộ trong sạch, vững mạnh, tổ chức công đoàn vững mạnh xuất sắc và Đoàn TNCS của trường được nhận bằng khen của Thành đoàn. Lãnh đạo nhà trường đã làm tốt công tác chính trị tư tưởng. Chi ủy và Ban giám hiệu nhà trường rất coi trọng công tác tư tưởng cho CBNV-GV, tạo được một tập thể đoàn kết, thống nhất, hết lòng vì sự nghiệp chung của nhà trường. Những năm gần đây, nhà trường đã cụ thể hóa cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để CBNV và HS-SV học tập và làm theo đạo đức của Bác. Nhà trường tạo điều kiện cho HS-SV rèn luyện, trau dồi về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống.
Dự kiến trong thời gian tới, nhà trường xin khoảng 30 ha đất ở quận Thủ Đức để mở rộng, đảm bảo quy mô của trường ngày càng tăng cả chất và lượng nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Đến năm 2015, phấn đấu tạo nguồn để đưa số giảng viên có trình độ thạc sĩ trên 50%, xây dựng thêm ngành mới ở bậc cao đẳng…
Với thành tích nhà trường đạt được trong nhiều năm qua, Trường CĐ Kinh tế TP.HCM đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
P.V

Trường CĐ Kinh tế TP.HCM hiện đang đào tạo các ngành:
– Bậc cao đẳng: Kế toán; quản trị kinh doanh (chuyên ngành quản trị kinh doanh và quản trị kinh doanh xuất nhập khẩu); kinh doanh quốc tế và tiếng Anh.
– Đào tạo liên thông từ TCCN lên CĐ gồm 2 ngành: Kế toán và quản trị kinh doanh.
– Bậc TCCN gồm các chuyên ngành: Kế toán, tin học kế toán, kế toán hành chánh sự nghiệp, quản trị kinh doanh, kinh doanh thương mại, ngoại thương và hướng dẫn viên du lịch…

 

Bình luận (0)