Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Trung Quốc hy vọng thu hút nhiều sinh viên Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Melissa Sconyers, đã qua học ở Trung Quốc, chụp hình dưới lá cờ TQ ở San Francisco, ngày thứ hai 11-8-2008 Trung Quốc (TQ) đang hy vọng các sinh viên Mỹ xem Olympic mùa hè sẽ muốn đến đất nước của mình, tạo sự bùng nổ tương tự như Úc và Hy Lạp từng vui hưởng vào các kỳ Thế vận hội năm 2000 và 2004.

Nhưng ngay cả trước Thế vận hội 2008, TQ cũng đã trên đường trở thành điểm nóng mới cho các sinh viên Mỹ muốn du học.

Hiện ước tính có ít nhất khoảng 10.000 sinh viên Mỹ ghi tên hàng năm theo học các trường tại TQ, gấp năm lần so với cách nay một thập niên. TQ được xếp thứ bảy trong số các nước có đông sinh viên Mỹ theo học – theo Viện Giáo dục Quốc tế (IIE). Nhưng với khuynh hướng tăng nhanh như hiện nay, và nếu cứ tiếp tục theo đà này, TQ chẳng mấy lúc sẽ qua mặt những nước như Anh, Tây Ban Nha và Ý để trở thành nước đứng hạng đầu.

Sau khi tuột dốc mạnh hồi năm 2002-2003 lúc diễn ra bệnh SARS (suy hô hấp cấp), một số trường tại Mỹ có sinh viên theo học ở TQ tăng rất nhanh. Tại Đại học Nam California, năm ngoái có 343 sinh viên tới TQ, gấp hơn hai lần cách nay 5 năm. Tại Đại học Purdue ở Indiana, số sinh viên tăng gấp đôi trong có bốn năm, và năm rồi TQ trở thành điểm đến số 1 đối với sinh viên tại đây chọn để du học.

Brian Harley, Phó hiệu trưởng ở Purdue phụ trách những chương trình quốc tế, cho biết: “Có cảm giác đây là điểm đến đang  được sinh viên ưa thích nhất, nơi họ có thể là những người đầu tiên học hỏi về một nền văn hóa khác. Sẽ là một điều gì đó khi bạn là người đầu tiên thuộc thế hệ mình thật sự có kiến thức chuyên sâu”.

Trong khi du học ở nước ngoài đang tăng trưởng, TQ đặc biệt là nơi được ưa chuộng, theo một loạt giải thích.

Nơi đây nhìn chung đời sống rẻ hơn châu Âu, mà đồng euro hiện có giá vượt hơn hẳn đồng đô-la Mỹ. Nơi đây có các nhà hàn lâm TQ được đào tạo tại Mỹ giúp bắc nhịp cầu nối khoảng cách về văn hóa và ngôn ngữ. Và bản thân nước chủ nhà TQ cũng ngày càng tiếp đón ân cần hơn, hy vọng cạnh tranh với cách mà Mỹ đã sử dụng các trường đại học của mình để mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn cầu.

Nhưng hơn hết, tất cả các sinh viên đều coi TQ là tương lai, và họ muốn tận mắt nhìn thấy.

Họ cũng đến đây như một thách thức.

Benjamin Zilnicki, một sinh viên năm cuối Trường Cao đẳng Holy Cross ở Massachusetts, chưa khi nào ra khỏi nước Mỹ cho tới khi anh sang Bắc Kinh trong một học kỳ 6 tháng. Môn anh theo học chính là kinh tế nhưng anh nói mình không tập trung vào công việc kinh doanh, mà muốn tìm hiểu nhiều hơn về một nền văn hóa mới.

Zilnicky, người đã chọn Bắc Kinh sau một năm theo chương trình của Oxford, nói: “Đây có lẽ là nơi khác biệt nhất và không chính thống nhất mà tôi nghĩ tới. Tôi là loại người thích chống lại nước Anh, nơi có uy tín nhưng kinh nghiệm sống lại na ná như Mỹ”.

Trong nhiều thập niên, trao đổi giáo dục TQ – Mỹ theo một chiều. Mới chỉ cách nay vài năm, cứ 25 sinh viên TQ qua học Đại học Mỹ mới có một sinh viên Mỹ sang TQ, theo IIE.

Nay tỉ lệ này đã vọt lên là 5 trên 1 do theo học tại TQ trở nên dễ dàng hơn, với ít nhất 220 chương trình tại chỗ – một số chương trình được cung cấp độc lập và một số được các trường đại học hay cao đẳng điều hành trực tiếp.

Khi những chương trình đầu tiên khởi sự mở ra tại Bắc Kinh hồi những năm 1980, đã lôi cuốn phần lớn sinh viên học sinh ngữ là chính. Nay, có một loạt cơ hội rộng rãi. Nhiều chương trình hiện đưa ra những lớp học làm việc như kinh doanh và viết báo, và một số, như IES – một khóa học phi lợi nhuận dành cho người nước ngoài đang được chào mời tại Bắc Kinh và sẽ mở tại Thượng Hải nội trong năm nay – mà không nhất thiết phải biết ngoại ngữ trước.

Không phải tất cả, mà chỉ một ít sinh viên Purdue được dạy bằng tiếng Anh. Thêm nữa, trải nghiệm thường không luôn thoải mái như những người Mỹ vốn đã quen. Và đây thêm một lý do khiến việc học tại TQ có khuynh hướng hấp dẫn một dạng sinh viên khác.

Melissa Sconyers, một sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Texas và từng qua nước ngoài học ở cả Pháp và TQ, nói: “Tôi cho rằng một trong những khác nhau thật sự giữa việc theo học ở châu Âu và châu Á là sinh viên châu Á nghiêm túc hơn”.

Sinh viên Trường Holy Cross ghi tên trong chương trình do CET, một công ty tư nhân điều hành, một trong số những chương trình lớn nhất ở TQ (ghi tên đã tăng 50% trong ba năm gần đây, theo Giám đốc Mark Lenhart). Sinh viên yêu cầu chỉ được nói tiếng TQ trong thời gian ở đây, khiến họ lúng túng trong vài tuần lễ đầu (Silnicki nói anh có cảm giác mình giống như đứa bé bốn tuổi). Và luôn gặp sốc về văn hóa.

Với sinh viên năm cuối Kateleigh Hewins ở Holy Cross, khó khăn xảy ra từ ngôn ngữ đến không thể dùng giấy sạch ở toa-lét hay uống nước ngay tại vòi. Nhưng rồi cô cũng quen với hệ thống nước, và sau một học kỳ tập làm quen và sống chung phòng với một bạn nữ TQ, khả năng ngôn ngữ của cô được cải thiện một cách kỳ diệu. Cô kể: “Thậm chí còn khó khăn hơn tôi tưởng nhiều, nhưng không hẳn đó là điều xấu, bởi tôi đã trưởng thành đáng kể”.

Các nhà giáo dục Mỹ không hy vọng tăng gấp đôi số sinh viên theo học ở nước ngoài vào cuối thập niên tới. TQ, với việc mở rộng hệ thống giáo dục cao hơn và cam kết sẽ lôi cuốn nhiều sinh viên quốc tế hơn, sẽ giữ một vai trò lớn.

Còn đó nhiều thứ cần tiến hành đồng bộ cùng với tăng trưởng nhanh ở TQ, nên vẫn chưa rõ liệu tỉ lệ đang lên hiện nay có thể tiếp tục hay không. Một số trường đại học đã hủy ngang những chương trình mở rộng với đối tác TQ. Việc này liên quan đến chất lượng, và những nhà lên chương trình thừa nhận có một danh sách dài những thách thức – như giảng viên địa phương, những gia đình chủ nhà, và nhiều vấn đề về chăm sóc y tế.

Allan Goddman, Giám đốc phụ trách điều hành của IIE, một tổ chức phi lợi nhuận quảng bá việc trao đổi giáo dục và quản lý chương trình học bổng Fulbright, nói: “Chúng tôi không dám chắc TQ sẽ tiếp nhận nhiều sinh viên hơn, nhưng chính xác bao nhiêu và trong những lãnh vực nào họ có thể nhận gấp đôi hoặc gấp bốn, là điều mà chúng tôi, với tư cách một nhà công nghệ, sẽ phải xem xét”.

Một phần của điều đã lôi cuốn lượng sinh viên tăng là những chương trình ngắn hạn, thường tập trung vào kinh doanh, nhưng một số nhà giáo dục than phiền đây không phải là văn hóa đúng nghĩa. Nhưng còn hơn là không có gì. Tuy nhiên bất cứ ai nghiêm túc về học ngôn ngữ sẽ đều phải ở lại TQ lâu hơn.

Sconyers, một sinh viên đã tốt nghiệp Đại học Texas, ở lại nguyên một năm và nói nó khiến cô cảm thấy khác hẳn. Cô kể: “Tôi hẳn sẽ vô cùng thất vọng nếu rời TQ sau học kỳ đầu tiên”, và thêm cô có bước đột phá lớn về ngôn ngữ sau hai tháng. Cô sắp xếp để lấy thêm một tấm bằng về tiếng TQ ngoài tấm bằng về quảng cáo mà cô đã dự định. 

Và cô gái hiện đã làm quảng cáo cho một công ty ở San Francisco được hơn một năm nhận xét: “Thành thực mà nói, đó là việc tốt nhất mà tôi đã có thể thực hiện cho nghề của tôi”.

                                                                                                         Quang Hùng (theo CNN)

Bình luận (0)