Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đà Nẵng – Thành phố đáng sống: Kỳ 3: Y tế – điểm tựa của người nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Hiếm có nơi nào như ở Đà Nẵng. Phụ nữ đơn thân, trẻ em, người mắc bệnh hiểm nghèo có bệnh viện riêng để tìm đến mỗi khi lâm bệnh tật. Ở đó, nỗi lo toan tiền bạc, mỗi bữa ăn hàng ngày cũng không còn khiến người thân của bệnh nhân phải giật gấu vá vai, chạy ngược chạy xuôi. Đến đây họ như tìm được chiếc phao cứu sinh trong cơn tuyệt vọng…

Hồi sinh những cuộc đời

Trở lại căn nhà nhỏ của gia đình anh Huỳnh Văn Vinh, ở Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu) sau 7 năm kể từ ngày đứa con út của anh được mổ tim, cuộc sống vẫn ngặt nghèo nhưng luôn rộn rã niềm vui. Anh Vinh bảo: “Có được như ngày hôm nay là nhờ Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh của thành phố hỗ trợ cho cả hai đứa con mổ tim, trở lại với cuộc sống bình thường. Hạnh phúc của bậc làm cha, làm mẹ là thấy con cái lớn lên khỏe mạnh, được tới trường”.    

Rời tổ ấm anh Vinh, tôi tìm đến nhà chị Mai Thị Sáu, mẹ cháu Nguyễn Mai Hồng Ngọc, ở Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu). Ôm cô con gái bụ bẩm, chị Sáu cười hiền: “Cháu nay đã được gần 5 tuổi. Sức khỏe đã ổn định hơn sau ca phẫu thuật mổ tim hai năm trước”. Chị Sáu là công nhân may mặc, còn chồng chị là bộ đội. Cháu Ngọc mắc bệnh tim bẩm sinh. “Ngày đó vợ chồng ở nhà thuê, đồng lương eo hẹp, để có được 45 triệu đồng mổ tim cho con quả là điều nằm mơ cũng không dám nghĩ…”. 

Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến thăm, tặng quà cho bệnh nhân ở Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng

Đó chỉ là hai trong số gần ngàn trẻ em được mổ tim miễn phí trong những năm qua. Hàng trăm trái tim không may mắn lỗi nhịp đã có lại được nhịp đập mạnh khỏe, niềm hạnh phúc theo cấp số nhân trong những gia đình khốn khó. Với họ, Hội Bảo trợ là chốn tái sinh cuộc đời cho con cái họ. Và nhắc đến hội, người ta nhớ đến người “khai sinh” ra nó – ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Chủ tịch UBND, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Chuyện bắt đầu vào một đêm mưa gió, có một người phụ nữ dẫn đứa con thơ gõ cửa nhà vị lãnh đạo đứng đầu thành phố này. Đứa trẻ bị bệnh tim. Người phụ nữ ấy quá nghèo, không có tiền để cứu sinh mạng con. Hoàn cảnh ấy đã làm ông suy nghĩ. Ý tưởng thành lập Hội Bảo trợ có từ đó. Đó là năm 2002, khi ông đang là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. 

Niềm tin cho người mang “án tử”

Lâu nay nhiều người nghĩ rằng, những ai không may mắc phải căn bệnh HIV coi như đối mặt với án tử. Thế nhưng, có một căn bệnh mà nỗi đau còn ám ảnh hơn gấp nhiều lần: Bệnh ung thư! Những cơn đau tận cùng mà người phải hứng chịu nó gần như luôn chìm trong tuyệt vọng và họ không có niềm mong mỏi nào hơn mong mỏi được… sớm thoát khỏi sự đau đớn. Với người nghèo, nỗi đau ấy càng kinh hoàng hơn. Năm 2009, Đà Nẵng đã mạnh dạn đầu tư, kêu gọi mạnh thường quân cùng sự hỗ trợ của Chính phủ đã bắt tay vào xây dựng Bệnh viện Ung bướu – bệnh viện chuyên khoa đầu tiên ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên nhằm giảm bớt áp lực cho các bệnh viện hai đầu đất nước, chia sẻ nỗi đau của những người không may mắn mắc bệnh hiểm nghèo. BS Phạm Hồng Long, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng chia sẻ: “Bệnh nhân nghèo ở các tỉnh từ Quảng Bình cho đến Nha Trang đều được điều trị miễn phí. Ngoài ra bệnh nhân còn được miễn phí ngày 3 bữa ăn, người nhà có giường để nghỉ ngơi… Với máy móc điều trị hiện đại. Tính ra mỗi năm chi mất khoảng trên dưới 10 tỷ đồng. Phần lớn vận động từ các mạnh thường quân, một phần bảo hiểm chi trả. Phương châm của bệnh viện là làm hết sức có thể để cứu người. Dù nghèo hay giàu thì mọi người đều đáng được như vậy!”.

Qua các phòng bệnh, dù đang trong tình cảnh bệnh tật nhưng đến đâu chúng tôi cũng nhận được nụ cười của bệnh nhân và người nhà. Ông Nguyễn Thông (47 tuổi) có con đang điều trị ung thư máu ở đây chia sẻ: “Vợ chồng tui đều là lao động làm thuê thời vụ, thu nhập không bao nhiêu, nghe tin con bị ốm như trời đất sụp dưới chân mình, may mà vào đây các bác sĩ tận tình giúp đỡ. Các chi phí điều trị cũng được hỗ trợ nên đỡ lo lắng phần nào. Ở đây hai cha con được chăm sóc, hỏi han như người nhà”.

Mỗi người đến đây có một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ chung nỗi đau bệnh tật. Có chứng kiến nỗi đau đớn của những phận người không may mắn ấy mới thấm hết sự tuyệt vọng thường xuất hiện ở họ. Và càng thấm thía hơn cái nhân văn mà bệnh viện này dành cho họ. Sống trong cuộc đời này, khi có người đưa tay kéo mình ra khỏi vũng lầy, nghĩa là đã cho mình tái sinh sự sống. Chính điều đó đã giúp nhiều người vượt qua nỗi đau bệnh tật. Hạnh phúc lại nở hoa chính nơi người ta ngỡ là cửa tử.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Theo thống kê chưa đầy đủ, bình quân mỗi ngày Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng tiếp nhận 40 bệnh nhân. Ngày cao điểm lên đến hơn 150 người đến khám và điều trị. Bệnh viện thường xuyên áp dụng chẩn đoán bệnh kỹ thuật cao (CT Scanner 16 và 128 lớp, MRL 3.0 Tesla, X quang kỹ thuật số; máy siêu âm màu đen trắng 3D, 4D…) cho các bệnh nhân đến khám, điều trị.

 

Bình luận (0)