Học sinh Trường THPT Phạm Văn Sáng đặt câu hỏi cho Ban tư vấn |
Chọn nghề có nhu cầu lao động cao, mức thu nhập ổn định hay chọn nghề theo sở thích? Đó là những câu hỏi được học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân và Trường THPT Phạm Văn Sáng đặt ra tại chương trình tư vấn hướng nghiệp “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức trong tuần qua.
Đừng đặt nặng vấn đề kinh tế
Tại chương trình, nhiều học sinh đã hỏi Ban tư vấn về ngành CNTT vì cho rằng đây là một ngành đang cần nhiều nhân lực và “hái” ra tiền. Em Trần Văn Hiếu (học lớp 12C2 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân) phân vân: “Em rất thích nghề kinh doanh nhưng nhiều người lại khuyên em đi theo ngành CNTT vì ngành này đang phát triển mạnh. Vậy em nên theo nghề mình thích hay là chạy theo nhu cầu?”. Trong khi đó một học sinh lớp 12A10 Trường THPT Phạm Văn Sáng, băn khoăn: “Làm sao biết nghề nào phù hợp với mình? Nên chọn nghề mình thích nhưng tiền lương thấp hay chọn nghề lương cao mà mình không hề thích?”.
Trả lời hai câu hỏi trên, ThS. Đào Lê Hòa An, Giám đốc chiến lược Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt, đưa ra lời khuyên: “Trong nhiều gia đình, bố mẹ muốn chuyển ước mơ nghề nghiệp của mình cho con cái nên họ định hướng nghề mình thích cho con. Tuy nhiên, chỉ khi các em theo đuổi đam mê thì thành công mới theo sau các em”. ThS. Đào Lê Hòa An đưa ra một ví dụ mà ông từng gặp: Một học sinh có bố mẹ làm trong ngành y và họ muốn em vào học ngành này. Thực hiện mong muốn của bố mẹ, em này đã nỗ lực không ngừng trong học tập và thi đỗ vào ngành y. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm học tập, em đã nghỉ học mặc cho bố mẹ phản đối và thi vào ngành quản trị du lịch, ngành mà em yêu thích. Sau khi tốt nghiệp, nhờ có niềm đam mê nên em này đã làm việc tích cực, dù mới ra trường nhưng thu nhập bình quân mỗi tháng của em hơn 20 triệu đồng.
Nói về việc chọn ngành theo đam mê hay thu nhập, ông Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn – Tuyển sinh – Truyền thông Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, cho biết: “Các em đừng đặt nặng vấn đề kinh tế. Nhiều em đặt cao giá trị kinh tế, muốn mức lương 20 triệu, 30 triệu, 50 triệu/tháng… khiến cho các em chọn sai ngành. Khi đối diện thực tế với nghề, các em mới thấy mình không yêu thích, không phù hợp với năng lực nên chán nản bỏ việc”.
Để xác định ngành nghề nào phù hợp với mình là một chuyện không đơn giản với học sinh. Một học sinh lớp 12C5 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, bày tỏ: “Trên mạng có rất nhiều bài trắc nghiệm để biết được mình phù hợp với nghề nào. Vậy nhưng, với hàng loạt bài trắc nghiệm như vậy em phải phân loại như thế nào để chọn nghề đúng hướng?”. Về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ: “Muốn biết nghề nào phù hợp với bản thân, các em có thể làm bài trắc nghiệm tham khảo qua những cuốn cẩm nang của các trường ĐH hoặc vào google kiểm tra. Có nhiều bài trắc nghiệm nhưng có thể phân ra các loại như trắc nghiệm tính cách bản thân để xem mình có cẩn thận, tỷ mỷ hay không; trắc nghiệm trí thông minh IQ; trắc nghiệm chỉ số cảm xúc EQ hay trắc nghiệm để xem mình có phù hợp với ngành thiết kế, sáng tạo CQ hay không…”.
Không có tố chất, có nên thử sức?
Một số học sinh hỏi: “Nếu không có tố chất theo yêu cầu của nghề thì liệu có thành công hay không?”. Về vấn đề này, các chuyên gia tư vấn cho rằng, từng ngành nghề cụ thể sẽ có những yêu cầu khác nhau, do đó học sinh phải tìm hiểu kỹ mới chọn đúng nghề.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đang tư vấn cho học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân |
Một học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân hỏi: “Em muốn trở thành lập trình viên nhưng em không giỏi toán. Vậy em có thể theo đuổi ngành này hay không?”. Ông Phan Viết Thế, đại diện Hệ thống lập trình viên quốc tế Aprotrain – Aptech, cho hay: “Với ngành lập trình, các em sẽ dùng ngôn ngữ lập trình để giao tiếp với máy tính. Ngành này không nhất thiết yêu cầu các em phải học thật giỏi toán nhưng cũng cần có tư duy tốt và niềm đam mê nghiên cứu”.
Trong khi đó, nếu không có năng khiếu vẽ thì khó trở thành kiến trúc sư là khẳng định của bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn – Tuyển sinh – Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Bà Dung phân tích: “Ngành kiến trúc là sự kết hợp giữa kỹ thuật và nghệ thuật. Vì vậy, các em cần vẽ đẹp để tạo nên những bản thiết kế đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đồng thời cũng cần có kỹ năng tính toán để tính kết cấu công trình, tỷ lệ ra sao cho bản phối cảnh hợp lý… Tuyển ngành kiến trúc có khá nhiều tổ hợp môn nhưng tổ hợp môn nào cũng có môn vẽ…”.
Bài, ảnh: Minh Châu
“Muốn biết nghề nào phù hợp với bản thân, các em có thể làm bài trắc nghiệm tham khảo qua những cuốn cẩm nang của các trường ĐH hoặc vào google kiểm tra…”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nói. |
Bình luận (0)