Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Độc đáo nhà cổ miền Tây: Bộ kèo hiếm có nhà ông Phủ Cần

Tạp Chí Giáo Dục

Tại Vĩnh Long còn khá nhiều ngôi nhà xưa được cất vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Trong đó, nhà của ông Phủ Cần nổi tiếng vì có bộ kèo chạm trổ tinh vi.
Nhà của ông Phủ Cần (còn gọi là Huyện Cần) tọa lạc tại số 98 Nguyễn Chí Thanh, P.5, TP.Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long). Ngôi nhà này cũng cất theo kiểu nhà rường 3 gian 2 chái. Kèo, cột bằng gỗ căm xe, đòn tay, rui mè bằng gỗ thao lao. Nguyên thủy đây là ngôi nhà của một vị cai đội đồn điền Vũng Liêm xây cất vào khoảng năm 1863. Đến đời ông huyện Phan Khắc Cần được trùng tu lại. Bộ giàn trò và các công trình mỹ thuật được thuê thợ gốc từ Quảng Nam vào thực hiện.

Mặt trước ngôi nhà xưa của Phủ Cần - Ảnh: Hoàng Phương

Mặt trước ngôi nhà xưa của Phủ Cần – Ảnh: Hoàng Phương

  Đề cập đến việc bảo tồn các ngôi nhà cổ ở Vĩnh Long, ông Nguyễn Xuân Hoanh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Mấy năm trước, khi khảo sát 85 ngôi nhà xưa ở Vĩnh Long, đặc biệt là ở TP.Vĩnh Long và H.Long Hồ, chúng tôi có ý định làm hồ sơ xếp hạng một số nhà như nhà họ Huỳnh, họ Trương… Nhưng các ngôi nhà này đều thuộc sở hữu tư nhân, gia đình sống nhiều thế hệ, người trong gia đình còn e ngại, không thống nhất. Loay hoay mãi vẫn chưa dám xếp hạng nên chưa có kế hoạch hướng dẫn bảo tồn”.
Ngôi nhà có diện tích chỉ khoảng 400 m2, song bộ cột cái cao hơn 6 m nên trông rất thoáng. Đặc biệt, các nghệ nhân xưa đã thực hiện bộ kèo vỏ đậu, trính lục lăng chạm trổ hết sức tinh vi. Dưới dạ kèo cẩn ốc xà cừ “mai lan cúc trúc”, chạm nổi đề tài tứ linh “long, lân, quy, phụng”.
Đầu kèo cũng chạm tứ linh, trên đầu sáu cây kèo có các lá dung đều chạm trổ hết sức sinh động, uyển chuyển với các tác phẩm mai hóa rồng, trúc hóa phụng, sen hóa quy… và những tác phẩm hoa, trái, dây lá chuyển tải tâm tư, tình cảm và ước vọng của chủ nhân ngôi nhà.
Phần nhiều các tác phẩm điêu khắc trên gỗ được để mộc không sơn phết, góp phần làm cho bộ kèo bề thế trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát. Hiếm thấy ngôi nhà xưa nào có bộ kèo chạm trổ đẹp như thế.
Những hiện vật đặc biệt
Ngoài ra, hiện vật có ý nghĩa lịch sử còn được lưu giữ trong ngôi nhà này là hộp thần chủ. Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, đây là một dạng bài vị đặc biệt mà chỉ có những người giàu có nổi tiếng, nhiều công đức hoặc quan lại mới sử dụng. Đó là tấm gỗ quý, khắc ngày tháng năm sinh, họ, chừa trống tên để trên bụng người chết lấy linh khí. Sau đó, đặt lên giường ngủ, cúng cơm nước như người sống, đợi đến ngày lành tháng tốt mới mời quan Đề chủ tổ chức tế lễ điền tên người chết vào. Thông thường những đám tang của vị được lập thần chủ này kéo dài đến 3 tháng.
Hiện vật thứ hai là dàn lỗ bộ 10 món, gồm mác thông, gậy, rựa phát cỏ… là những dụng cụ của người đi khẩn hoang thời xưa. Sau năm 1975, có thời gian ngôi nhà không người trông coi nên bị mất, hiện chỉ còn cây rựa sắt và chiếc gậy. Đây là những hiện vật trưng bày hai bên bàn thờ nhằm mục đích tưởng nhớ thời khai hoang lập ấp. Trong nhà, các vật dụng xưa không còn nhiều, chỉ còn 2 tủ thờ, nhưng một cái đã bị hỏng. Đây là loại tủ thờ do thợ Quảng Nam cẩn đem vào bán, các ô trám tủ chạm lộng, khảm xà cừ đề tài ngư, tiều, canh, mục, lan, mai, trúc, cúc óng ánh ngũ sắc.
Mất dần đồ nội thất xưa
Ông Ngô Văn Khiêm, người đang quản lý ngôi nhà, cho biết tính từ đời ông Phủ Cần, tức ông nội vợ của anh thì tuổi của ngôi nhà cũng đã hơn 100 năm, do đó hư hao là điều không tránh khỏi. Hồi Tết Mậu Thân 1968, khu vực này bị ảnh hưởng chiến cuộc, ngôi nhà bị 2 quả đạn cối rơi trúng, làm sập cửa và một phần mái ngói, vì vậy bộ cửa xưa hiện không còn. Trên tường ngôi nhà bên cạnh đến giờ vẫn còn nham nhở vết đạn, được trám lại bằng xi măng, không sơn phết.
Trên các đầu kèo có các lá dung được chạm tứ linh
Trên các đầu kèo có các lá dung được chạm tứ linh
“Đến đời cha vợ tôi là ông Phan Khắc Châu, một chủ lò gạch nổi tiếng trong vùng, nhưng vì làm ăn thất bại nên đồ đạc trong nhà đem bán gần hết. Thoạt đầu, ông dỡ nhà sau, bán bớt đất đai xung quanh nhà. Sau đó thì quy hạc, liễn tròn, hoành phi, đèn xưa, lư đồng… lần lượt ra đi. Thậm chí, ông cắt luôn 2 cây xuyên trước và sau đem bán. Cây xuyên cũ có đường kính 3 tấc vuông bằng gỗ thao lao. Sau này, con cháu phải mua cây nhỏ hơn thay vào. Bộ ba tủ thờ thì ông đã bán một cái. Sau này má vợ tôi tìm chuộc lại được rồi đem về Mỹ Tho cất giữ”, ông Khiêm chia sẻ.

Hoàng Phương – Ngọc Phan

(TNO)

 

Bình luận (0)