Bộ GD-ĐT đang triển khai thí điểm một số trường THPT về chương trình giáo dục kỹ năng sống lồng ghép trong chương trình học chính khóa của một số môn học. Song song đó là các chương trình ngoại khóa cũng nhằm vào việc giáo dục đạo đức nhân cách cho học sinh (HS).
Thông qua những tiết dạy sinh động với nhiều hình ảnh về con người, thầy Trần Tuấn Anh (GV môn giáo dục công dân Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM) đã khiến học sinh rơi nước mắt khi cảm nhận về tình người, tình yêu quê hương, đất nước… Ảnh: Anh Khôi |
Cách làm này bước đầu đã đạt được những hiệu quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao nhận thức và hành động cho HS. Bên cạnh đó, việc tổ chức tập huấn cho giáo viên (GV), các diễn đàn thảo luận và trao đổi kinh nghiệm thực tế giáo dục đạo đức cho HS cũng được quan tâm.
Tuy nhiên, thực trạng đạo đức hiện nay của HS bậc THPT có chiều hướng giảm sút nghiêm trọng. Đánh giá về vấn đề này, Nghị quyết TW2 khóa VIII từng nhấn mạnh: “Đặc biệt đáng lo ngại là một số bộ phận HS, SV có tình trạng suy thoái về đạo đức, mờ nhạt về lý tưởng, theo lối sống thực dụng, thiếu hoài bão lập thân, lập nghiệp vì tương lai của bản thân và đất nước”. Đây là một trong những hồi chuông cảnh báo về tình trạng suy thoái các giá trị đạo đức nhân văn của HS hiện nay. Có thể nhìn nhận nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Trước hết, công tác quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho HS còn nhiều hạn chế, bất cập chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Chương trình sách giáo khoa các môn khoa học xã hội ở bậc phổ thông tương đối nhiều, nặng về lý thuyết hơn là thực tế cuộc sống. Những kiến thức môn sử tương đối khô khan kém sinh động. Trong khi đó nội dung chương trình môn giáo dục công dân mang tính hàn lâm; một số nội dung khó hiểu và chưa thực sự phù hợp với lứa tuổi của HS bậc THPT, chưa hình thành những thói quen đạo đức đúng đắn cho HS như sự nhiệt tình, cởi mở với mọi người; lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người khác để thay đổi hợp lý; cách ứng phó hợp lý trước những tác động của xã hội…
Mỗi thầy cô hãy là một tấm gương sáng về tác phong, tư cách đạo đức, chuẩn mực trong trang phục, lời nói, cách ứng xử… Tất cả là những biện pháp tốt nhất từng bước hình thành các giá trị đạo đức tốt đẹp cho thế hệ tương lai. |
Một thực tế khác xuất phát từ chương trình giáo dục mà bất cứ ai cũng nhìn thấy đó là hiện tượng GV dạy các môn khoa học xã hội có khuynh hướng “nặng về chữ, nhẹ về người”. Theo đó, một bộ phận GV tập trung truyền đạt kiến thức trong sách giáo khoa cho kịp chương trình, không có thời gian để liên hệ thực tế nhiều hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm kịp thời phân tích, uốn nắn và điều chỉnh những hành vi sai trái của HS. Phương pháp giảng dạy của GV chủ yếu là thuyết trình, đàm thoại và truyền đạt kiến thức một cách máy móc, sách vở; một số GV không muốn thay đổi vì sợ không đủ thời gian thực hiện… Bên cạnh đó việc nhìn nhận về vai trò của các môn học giáo dục đạo đức nhân cách cho HS đang dần lệch lạc. Tư tưởng xem đó là môn phụ, môn học không thi tốt nghiệp, môn học không thể dạy thêm được đã dẫn đến tình trạng không chỉ GV mà cả HS, phụ huynh cũng không nhận thức rõ tầm quan trọng của môn học đem lại. Một số trường THPT, GV bộ môn sử, địa, văn có thể dạy giáo dục công dân và ngược lại; một số trường còn có tình trạng không tuyển GV chuyên ngành mà cán bộ quản lý là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chuyên môn trực tiếp đứng lớp mặc dù chuyên ngành của họ có thể là khối khoa học tự nhiên. Chính vì vậy, công tác giáo dục các giá trị đạo đức nhân văn chưa thực sự tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi HS.
Từ một số vấn đề nêu trên cho thấy sự cần thiết tăng cường công tác giáo dục giá trị nhân văn cho HS trong giai đoạn hiện nay. Để thực hiện tốt công tác trên cần có sự phối hợp nhịp nhàng triệt để của các tổ chức, ban ngành và các cá nhân trực tiếp liên quan đến sự nghiệp giáo dục. Một là, ở cấp độ quản lý giáo dục cần khẳng định rõ vai trò của các môn học xã hội thông qua nhiều chỉ đạo thiết thực cụ thể như: Rà soát lại đội ngũ GV đang giảng dạy các môn khoa học xã hội, đặc biệt là môn giáo dục công dân; rà soát lại toàn bộ chương trình nội dung trong sách giáo khoa các môn học nhằm điều chỉnh sát với thực tế và đối tượng. Hai là, đội ngũ GV bộ môn hãy cố gắng, phấn đấu hơn nữa trong từng tiết dạy của mình thông qua thay đổi phương pháp giảng dạy bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức thảo luận nhóm từ một tình huống thực tế… Ba là, sự nỗ lực tâm huyết của GV chủ nhiệm. Vai trò của GV chủ nhiệm vô cùng quan trọng trong việc giáo dục giá trị đạo đức, nhân văn thông qua tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, năng lực, tính cách của từng em để nắm bắt và xử lý tình huống phù hợp…
TS. An Thị Ngọc Trinh
(Trưởng khoa Giáo dục chính trị,
Trường CĐ Sư phạm TW TP.HCM)
Tử tế có từ nơi đâu?
Hiện tượng suy thoái đạo đức và nhân cách của không ít người trong chúng ta đã gióng lên hồi chuông cần phải xây dựng lại cách ứng xử tử tế trong quan hệ giữa người và người trong cuộc sống. Tử tế là một khái niệm nằm trong phạm trù đạo đức. Và vấn đề này các nhà nghiên cứu tâm lý, sư phạm đã từng có nhiều ý kiến tranh luận rất hay, có chiều sâu với nhiều luồng ý kiến về sự hình thành tính tử tế. Từ kinh nghiệm thực tế giảng dạy trong nhà trường, tôi thấy rằng môn giáo dục công dân góp phần rất đắc lực cho việc hình thành sự tử tế. Tuy môn này chỉ có những bài học về tinh thần tự lập, đức tính trung thực, khiêm tốn, lễ phép…, không có bài học riêng về sự tử tế nhưng sự lan tỏa từ những bài học giáo dục công dân khác đã như mạch nước ngầm thấm sâu vào lòng con trẻ sự tử tế.
Trong thực tế, ai cũng muốn được khen, được mọi người yêu mến và muốn sống tử tế. Đó là ước muốn chủ quan của con người, nhưng đôi khi những hiện tượng khách quan bên ngoài làm người ta sợ va chạm, thiệt thòi, không dám hành xử theo cách của một con người tử tế vì việc làm này đôi khi có hại cho người khác và sợ họ trả thù. Đọc tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao, ta không khỏi chạnh lòng khi Chí Phèo muốn làm người lương thiện mà không ai cho hắn được toại nguyện. Vậy thì mảnh đất nào để cho sự tử tế đâm hoa kết trái? Theo tôi, một trong những việc góp phần làm nên sự tử tế là nhà trường hãy dạy cho HS học và vận dụng tốt những bài giáo dục công dân và chính những bài học đó sẽ dần lan tỏa trong các em về sự tử tế.
Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng) |
Bình luận (0)