Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tự luận hay trắc nghiệm, quan trọng ở người ra đề thi

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là ý kiến của đa số chuyên gia tại buổi tọa đàm, thảo luận về phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức ngày 13-9.

Nhận xét chung về phương án thi THPT quốc gia năm 2017, các chuyên gia đều ủng hộ phương án thi trắc nghiệm, hoặc thi trắc nghiệm kết hợp với tự luận. Theo các chuyên gia, đây là giải pháp để thí sinh không thấy bị căng thẳng, quá tải, hạn chế tiêu cực.

Bà Nguyễn Phương Nga – giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục của hiệp hội – nhận xét: trắc nghiệm và tự luận đều có ưu, nhược điểm khác nhau. Và trên thực tế, có những cái là ưu điểm nếu cách làm không tốt sẽ biến thành nhược điểm. Và điều này lệ thuộc vào người ra đề thi.

Tự luận hay trắc nghiệm, quan trọng ở người ra đề thi

“Ai cũng biết ưu điểm của thi tự luận là đo được tốt năng lực tư duy, lập luận, sáng tạo của thí sinh. Tuy nhiên nhiều năm qua, ở các môn thi tự luận vẫn có tình trạng thí sinh sử dụng phao quay cóp. Điều này chứng tỏ đề thi chưa khuyến khích được thí sinh phát huy năng lực tư duy, sáng tạo. Những thí sinh chỉ biết sao chép máy móc vẫn đạt điểm để vượt qua kỳ thi. Như vậy, ưu điểm đã biến thành nhược điểm” – bà Phương Nga nói.

Nói về hình thức thi trắc nghiệm, bà Phương Nga nhấn mạnh: “Người ra đề thi trắc nghiệm phải có trình độ cao. Ra đề thi trắc nghiệm có chất lượng còn khó gấp nhiều lần ra đề thi tự luận”. Bà Phương Nga bày tỏ suy nghĩ: “Tôi không lo học sinh không đủ thời gian chuẩn bị ôn tập, mà lo ngại lớn nhất của tôi là có chuẩn bị được ngân hàng đề thi hay không”.

Cũng theo bà Phương Nga, trong dự thảo phương án kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD-ĐT đã công bố cụ thể về hình thức thi của các bài thi, thời gian thi. Ví dụ “bài toán thi trắc nghiệm gồm 50 câu, thời gian 90 phút”. Bộ GD-ĐT không thể công bố mà không có cơ sở khoa học để tính toán cho việc này. Bà Nga cho biết đây là điều bà đang phân vân và mong muốn Bộ GD-ĐT công bố sớm cấu trúc đề thi với tỉ lệ bao nhiêu câu dễ, bao nhiêu câu khó…

Trong khi đó, GS.TSKH Lâm Quang Thiệp – nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT – cho rằng hình thức thi thay đổi theo hướng tích cực, nhưng điều đó không quyết định hoàn toàn hiệu quả của kỳ thi. “Kỳ thi được tổ chức tốt hay không phụ thuộc ở bộ. Liệu bộ có huy động được nhiều chuyên gia cùng tham gia chuẩn bị cho kỳ thi không?” – GS Thiệp đặt vấn đề.

Theo GS Thiệp, với môn toán, bộ cũng nên cân nhắc phương án bổ sung một phần thi tự luận, kết hợp với nội dung thi trắc nghiệm là chủ yếu. “Thực tế, hiệp hội đề nghị cả toán và ngữ văn cùng thi trắc nghiệm, nhưng ở mỗi môn đều có thêm 30 phút để thi tự luận” – ông Thiệp nói. GS Thiệp cũng dẫn chứng trong bài thi SAT của Hoa Kỳ, ngoài việc chọn đáp án từ những phương án gợi ý có sẵn thì có 10 câu hỏi mà thí sinh phải tự tạo đáp án bằng cách tô vào ô trả lời.

 

VĨNH HÀ – NGỌC HÀ (TTO)

 

Bình luận (0)