Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đồng tình với đề xuất cần đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Là nhà giáo suốt đời vì học sinh, vì sự nghiệp giáo dục, tôi thấy bức xúc vì các lý do sau:
Theo tác giả, không nên “thương mại hóa giáo dục” (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
1. Trước đây, nghị quyết của Đảng có nêu: chống thương mại hóa giáo dục. Tôi rất đồng tình với điều này. Bây giờ coi giáo dục là nghề “kinh doanh” thì tính chất cao đẹp của nghề giáo bị xâm hại và uy tín nhà giáo bị xúc phạm! Kinh doanh hiểu một cách dân dã là “buôn bán”. Vậy là ngành giáo dục buôn chữ, nhà giáo bán chữ! Người ta có thể gọi là “con buôn”! Đau lắm thay! Có lẽ với tư duy này nên mới có chuyện sách giáo khoa có nhiều bộ, có nhiều “sạn” và chương trình phổ thông mới có nhiều bất hợp lý mà thời gian đã qua “dậy sóng” trên mạng xã hội. Buồn lắm thay!
2. Số lượng giáo viên dạy thêm không nhiều. Đó là giáo viên tiểu học, còn ở bậc trung học thì chỉ các môn toán, vật lý, hóa học, ngữ văn, tiếng Anh. Mà trong các môn này không phải giáo viên nào cũng dạy thêm. Tỷ lệ giáo viên dạy thêm ở bậc trung học chỉ vào khoảng 20%. Lúc còn là giáo viên môn vật lý, tôi cũng có dạy thêm. Tôi thấy thu nhập từ dạy thêm cũng chẳng đáng là bao, chỉ hỗ trợ thêm cho chi tiêu hàng ngày, số người thu nhập cao cũng chỉ 5% mà thôi. Từ những năm 80 về trước, có dạy thêm, học thêm đâu. Và xa hơn nữa, hàng ngàn năm nay không có dạy thêm, học thêm như mấy chục năm trở lại đây. Thế nhưng đất nước vẫn có rất nhiều nhân tài đó thôi. Kinh doanh có nghĩa là mua bán: thầy bán chữ, trò mua chữ và quan hệ bằng đồng tiền; đồng tiền là thước đo giá trị. Thế là đồng tiền lên ngôi! Vậy quan hệ thầy trò còn trong sáng không? Uy tín của thầy còn giữ được không? Chắc chắn sẽ có sự biến chất, thật là buồn!
3. Tại sao lại có dạy thêm, học thêm? Có phải do giáo viên lương thấp không đủ sống? Chỉ có khoảng 30% giáo viên dạy thêm, còn 70% kia không dạy thêm, người ta vẫn sống đó thôi. Chỉ cần Nhà nước quan tâm chế độ lương thưởng giáo viên cho hợp lý, nhất là vùng khó khăn. Hay do học sinh có nhu cầu? Đúng! Vì chương trình quá tải; vì đề thi quá cao, nếu không học thêm thì không làm được bài; vì nhu cầu ai cũng phải học đại học… Những nguyên nhân này ai khắc phục được? Tất cả đều nằm trong tầm tay của Bộ GD-ĐT. Từ chuyện xây dựng chương trình, sách giáo khoa đến việc phân luồng học sinh sau trung học, Bộ GD-ĐT đều quyết định được. Tại sao không làm, lại đi… thả gà ra để rượt bắt?
Nhìn ra thế giới, nhiều nước phát triển không bị áp lực bằng cấp, học sinh không bị áp lực phải vào đại học, phụ huynh cũng không bắt buộc con em phải có bằng nọ, bằng kia. Tôi sang Scotland thấy không có tình trạng học thêm, dạy thêm. Học sinh đi học rất thoải mái, không bị áp lực bằng cấp. Thạc sĩ, tiến sĩ cũng ít. Tôi có quen một người bạn, cả nhà không có ai học đại học, chỉ học nghề và đi làm. Nước ta áp lực ai cũng học đại học, nhiều thạc sĩ, tiến sĩ. Theo tôi, chỉ trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu mới cần thạc sĩ, tiến sĩ; các lĩnh vực khác là lãng phí!
Chỉ 30% học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học là đủ. Số còn lại cho đi học nghề và nên phân luồng từ sau THCS. Đó là giải quyết tận gốc vấn đề dạy thêm, học thêm và tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” nhức nhối hàng chục năm nay. Đồng thời cũng giảm gánh nặng cho phụ huynh phải lo học phí chính khóa rồi còn lo học phí học thêm. Mệt nữa là lo làm “xe ôm” chở con đi học. Học thêm cũng là nguyên nhân dẫn đến thể lực thế hệ trẻ không phát triển. Tóm lại, tôi xin nhấn mạnh lại là không nên “thương mại hóa giáo dục”.
Nguyễn Tiến Lợi (Khánh Hòa)
Bình luận (0)