Lớn lên cùng những vụ mùa thanh long, Mai Văn Tự và Nguyễn Nam Sơn (quê ở Bình Thuận) thấu hiểu được lý do vì sao có lúc người dân không bán được thanh long. Chính vì thế, họ đã cùng nhau nghiên cứu và tìm đầu ra cho loại trái cây này.
Sơn kể: “Mặc dù mình học về xây dựng, ra trường và đi làm đúng chuyên ngành. Thế nhưng nỗi ám ảnh về những vụ mùa thanh long ở Bình Thuận cứ làm mình day dứt khó chịu. Người dân quanh năm suốt tháng dầm mưa dãi nắng chăm sóc, thế mà đến kỳ thu hoạch lại bán không được phân nửa và chỉ toàn đổ bỏ. Không thể nào quên được những hình ảnh đó, mình quyết tâm bỏ nghề xây dựng về nghiên cứu tìm cách hiệu quả nhất để giúp người dân”.
Lúc đầu Sơn cùng bạn mình thực hiện dự án quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho thanh long Bình Thuận nhưng không mang lại hiệu quả. Không dừng lại ở đấy, 2 chàng trai trẻ tiếp tục tìm hiểu thị trường và nghiên cứu từng đầu ra của trái thanh long. Vô tình cả hai phát hiện người ta vẫn có thể làm mứt hay rượu từ trái thanh long.
Nhưng khi tìm hiểu thì Sơn nhận ra rằng đây là những dòng sản phẩm rất kén người dùng. Rồi anh chợt nghĩ: “Thế tại sao mình không sản xuất nước thanh long?”. Ý tưởng lóe lên và 2 chàng trai bắt đầu cho chặng đường đến với thương hiệu Talo, nước thanh long lên men.
Do không có kiến thức chuyên ngành nên để thực hiện được dự án này, Sơn phải theo học nhiều khóa chế biến thực phẩm, pha chế thức uống, tìm đến các chuyên gia để học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó anh còn nghiên cứu nhiều tài liệu trên mạng và sách báo. Cuối cùng, Sơn chọn hình thức ủ thanh long lên men để thành nước uống.
“Thực tế thanh long không thể để lâu được, vì thế khi chế biến thành nước uống mà muốn thời gian bảo quản được lâu hơn thì chỉ có hình thức lên men. Bên cạnh đó, nước lên men lại có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Vì vậy mình nghĩ làm nước thanh long lên men là hữu hiệu nhất”, Sơn chia sẻ.
Cũng theo Sơn, nước lên men thì quy trình làm không phức tạp. Thế nhưng Sơn và bạn đồng hành đã chịu không biết bao nhiêu thất bại khi thử nghiệm dự án này. Bởi sản phẩm của anh hoàn toàn làm thủ công và không sử dụng bất kỳ hóa chất nào trong quá trình sơ chế, nên nếu thanh long không đạt chuẩn nước sẽ không có được màu nguyên chất và vị cũng không như ý muốn.
“Khâu quan trọng nhất của quá trình lại nằm ở đầu ra của người dân. Phải là thanh long sạch và không bị nhiễm bất kỳ lượng thuốc bảo vệ thực vật nào. Bên cạnh đó, quá trình sơ chế cũng phải đảm bảo được độ an toàn và sạch. Có như vậy thì giống thanh long ruột trắng khi lên men mới cho ra nước màu trắng còn ruột đỏ sẽ cho đúng nước màu đỏ. Nếu có một sơ suất nào trong hai khâu trên thì nước sẽ không ra được màu nguyên chất”, Sơn lý giải.
Cũng vì vậy mà nhóm đã mất khá nhiều thời gian để tìm nguồn thanh long sạch, và quan trọng nhất là đánh động được ý thức của người trồng. “Tụi mình phải thuyết phục người dân về tính khả thi của dự án để họ tin tưởng mà phối hợp cùng với nhóm. Chỉ khi người dân chủ động trồng thanh long không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật thì nhóm mới có được nguồn thanh long sạch cho dự án này. Và từ đó nguồn thanh long cung ứng ra thị trường cũng sẽ an toàn hơn”, Sơn chia sẻ.
Cuối cùng, 2 chàng trai này đã thành công với thương hiệu nước thanh long lên men Talo. Giờ đây, Sơn lo về phần sản xuất còn Tự tham gia bán sản phẩm ở các phiên chợ xanh, phiên chợ sạch tại TP.HCM. Ngoài ra, cả hai còn tham gia các cuộc thi khởi nghiệp để giới thiệu rộng rãi hơn về sản phẩm.
Với tiêu chí nước uống hoàn toàn nguyên chất, tốt cho sức khỏe lại giải quyết được đầu ra cho mỗi vụ mùa thanh long, dự án này đã xuất sắc góp mặt tại vòng chung kết của cuộc thi dự án khởi nghiệp do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức.
Sản phẩm của nhóm đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất “Nước trái cây lên men và rượu trái cây” đồng thời đạt tiêu chuẩn kiểm định các chất theo quy định tại Viện Pasteur và Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, đạt tiêu chuẩn công bố hợp quy sản phẩm theo quy định của Bộ Y tế để được đưa sản phẩm ra thị trường.
Nữ Vương (TNO)
Bình luận (0)