Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thuốc hay tư duy quản lý cận date?

Tạp Chí Giáo Dục

Khi phát hiện bị ung thư, phần lớn người bệnh đều tuyệt vọng coi như “hết thuốc chữa”. Mỗi một tia hy vọng sống còn của bệnh nhân đều gắn liền với các liệu trình hóa trị, xạ trị, với thuốc men.

Vậy nên khi nghe một bệnh viện lớn tại TP.HCM phải hủy gần 20.000 viên thuốc điều trị ung thư, trị giá mười mấy tỷ đồng vì hết hạn sử dụng, mà nhiều bệnh nhân không có thuốc để dùng, người ta, ngay cả khi đã vượt qua cái bức xúc phẫn nộ ban đầu, đều cảm thấy chuyện thật kỳ quái, khó hiểu.

Cái lãng phí trong trường hợp này gắn với cơ hội được sống, được chữa bệnh của bệnh nhân. Những bệnh nhân mắc căn bệnh bạch cầu mạn dòng tủy, dân gian có khi gọi là bệnh máu trắng, cũng có nghĩa là cái chết đã cận kề, nhiều khi có tiền mà không có thuốc để chữa trị kịp thời, cũng đành chấp nhận cái chết. Đổ thuốc đi, hủy thuốc đi, có phải cầm bằng đổ, hủy cả sinh mạng người bệnh?

Nhưng cứ theo những gì mà lãnh đạo bệnh viện đó trình bày, thì tại đường đi của lô thuốc lòng vòng quá, mất hết 13 tháng mới nhập được thuốc về; khi thuốc vào cửa khẩu, hạn dùng còn không quá 12 tháng. Rồi dự kiến 50 bệnh nhân dùng thuốc, thì mặc dù đã được tài trợ phần lớn, cũng chỉ có 26 bệnh nhân đủ điều kiện chi trả, số còn lại không có tiền.

Lượng thuốc dùng không hết, bệnh viện đã thấy nguy cơ thuốc nằm kho quá hạn, đã xin miễn thêm phần tiền mà bệnh nhân phải trả, xin được mở rộng sang bệnh nhân ở các bệnh viện khác cùng dùng nhưng không thể được. Các thỏa thuận ban đầu giữa ba bên gồm Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP.HCM, tổ chức The Max Foundation – Mỹ, Công ty Novartis Pharma Services AG – Thụy Sĩ rất chặt chẽ, không thể thay đổi.

Giá thuốc cao, nhưng đã được định giá trong chương trình đồng chi trả, không thể mỗi lúc mỗi miễn thêm. Trên số lượng bệnh nhân dự kiến, người ta tính ra cơ số thuốc để tài trợ. Bây giờ, sau bao gian nan thủ tục, thuốc về đến kho bệnh viện rồi mới thấy “lượng thuốc thì nhiều mà số lượng bệnh nhân ít, dẫn đến việc sử dụng thuốc không kịp, thuốc hết hạn phải hủy” – như ông giám đốc bệnh viện nói, là do lỗi phía mình chứ không phải phía người ta.

Các hãng dược phẩm, các tổ chức quốc tế có những quy định nghiêm ngặt về sử dụng thuốc. Không dùng đúng mục đích thì hủy, chứ không tiếc tiền mang đi cho, không phá bỏ các quy tắc quy trình, không cám cảnh mang làm từ thiện. Thuốc cận date có những quy định ngặt nghèo, người ta chắc không vì một lô thuốc tài trợ mà mang thêm bao nhiêu rủi ro, nguy cơ khi sản phẩm không còn được quản lý, sử dụng đúng mục tiêu ban đầu nữa. 

Cái tiếc, cái xót, là cái tiếc xót của mình. Con nhà nghèo, vứt cái gì cũng thấy phí phạm. Bởi vậy mà trước vụ lãng phí thuốc này, các vị bác sĩ quản lý bệnh viện, cơ quan y tế mang tiếng. Thôi thì, cũng chẳng nên ngồi mà tiếc mãi, hãy coi như cái giá của lần lãng phí này là học phí. Bài học trước tiên ai cũng thấy, là phải bắt đầu cải tiến, thông thoáng, rút ngắn đoạn đường giữa mấy sở, mấy cục, đoạn đường mà lô thuốc lòng vòng hơn một năm mới về đến nơi.

Thế nhưng còn bài học thứ hai, mong các nhà quản lý y tế đừng bỏ qua, đó là việc chuẩn bị để cho người bệnh nhận thuốc, dùng thuốc. Quản lý bệnh nhân và kế hoạch cấp phát thuốc là những con số trong tay mình. Thời hạn sử dụng thuốc mình cũng nắm. Hoàn toàn có thể chủ động phân tích các con số này, chủ động các hướng điều phối, cấp phát thuốc đúng người đúng bệnh, chuẩn bị nhiều phương án từ khi đàm phán tài trợ, chứ không phải để cận date rồi mới đề xuất xử lý cách này cách kia. 

“Bệnh viện không lường trước sự phức tạp của thủ tục nhập thuốc viện trợ”, đó chỉ là cách nói thôi, ngay cả sự phức tạp của bệnh nhân của mình, bệnh viện cũng có lường trước được đâu! Theo bệnh viện cho biết, thuốc về đến nơi rồi, người bệnh mới làm các thủ tục để tham gia, danh sách người bệnh phải được tổ chức Max Foundation xét duyệt.

Đây lại là một cái chậm nữa, sao biết cận date rồi mà chờ tới đó mới lập danh sách? Trong khi, căn bệnh bạch cầu mạn tính đặc thù chỉ tập trung ở một đầu mối điều trị. Trong khi bệnh trạng, hoàn cảnh xuất thân, điều kiện kinh tế của bệnh nhân bệnh viện có thể nắm chắc. Trong khi, thực sự có bệnh nhân nào không thể chi trả 4% tiền thuốc, nhiều bàn tay, tấm lòng của cộng đồng vẫn có thể cùng nắm lấy, sẻ chia.

Đối với một bệnh nhân ung thư, số tiền tương đương 42 triệu đồng/năm để uống thuốc không phải là chuyện quá xa lạ, quá thách thức. Có phải những quy định của chương trình Tasigna co pay không chấp nhận cộng đồng chung tay giúp đỡ những bệnh nhân nghèo ấy đâu.   

Một lần trả giá cho những lần sau. Bệnh viện cũng đã nhận đây là một kinh nghiệm, một bài học đắt giá. Trong bối cảnh nhiều vụ thực phẩm bẩn nhập lậu ì xèo, con voi đi tỉnh bơ qua lỗ kim, bài học 20.000 viên thuốc thấy càng kỳ dị. Thôi đừng tính đó là 4 tỷ hay 14 tỷ nữa, bởi giá nào mình cũng thua rồi…

Kết luận của Thanh tra TP.HCM:

Ngày 15/7/2013, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM nhận được thư hiến tặng thuốc Tasigna cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

Ngày 27/8/2013, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM có văn bản gửi Công ty Novartis Việt Nam về dự trù thuốc dùng trong 6 tháng đầu năm 2014 số lượng 309 hộp (112 viên/hộp).

Ngày 28/11/2013, Bệnh viện có văn bản gửi Cục quản lý Dược xin được tiếp nhận thuốc viện trợ số lượng như trên.

27/12/2013, Cục trưởng Cục quản lý Dược ban hành Giấy phép lưu hành sản phẩm số VN – 17539-13 cho lô hàng thuốc Tasigna 200mg hạn dùng 24 tháng.

30/12/2013, Bệnh viện có văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM xin chấp thuận cho bệnh viện thực hiện chương trình thuốc Tasigna.

Ngày 10/3/2014, Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi Ủy ban nhân dân TP và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM xin chấp thuận cho Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM được tiếp nhận lô hàng thuốc viện trợ.

Ngày 24/6/2014, Ủy ban nhân dân TP.HCM ra Quyết định số 3126 phê duyệt tiếp nhận lô hàng viện trợ gồm 309 hộp thuốc Tasigna 200mg viên nang cứng, hạn dùng đến tháng 5/2015.

Ngày 14/7/2014, Cục quản lý Dược có văn bản đồng ý để Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM được tiếp nhận lô thuốc này.

Ngày 27/7/2014, lô hàng về đến Cảng Tân Sơn Nhất nhưng Hải quan TP.HCM không đồng ý cho nhận thuốc vì lúc này hạn dùng đã dưới 12 tháng.

Ngày 1/8/2014, Bệnh viện gửi tờ trình xin Hải quan TP.HCM được lãnh thuốc viện trợ.

Ngày 6/8/2014, Sở Y tế TP.HCM có văn bản đề nghị Hải quan TP.HCM xem xét hỗ trợ cho Bệnh viện Truyền máu huyết học được nhận thuốc.

Ngày 13/8/2014, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM nhập kho lô thuốc trên. Lúc này hạn sử dụng chỉ còn dưới 10 tháng.

Minh Nguyên/ PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)