Có hai câu thơ vui trên mạng: “Mẹ già không ở trên Phây. Xin đừng báo hiếu ở đây làm gì”… Mỗi dịp Vu lan, trong đầu tôi lại bật ra câu thơ vui ấy.
Sáng thức giấc lướt Facebook, tôi chợt nặng lòng trước status dài của đứa em con cậu ruột.
Em viết những dòng thật cảm động về tình mẹ, về công ơn sinh thành của cha nhân ngày lễ Vu lan. Nhiều bình luận tỏ ra rất ngưỡng mộ về tình cảm của em đối với cha mẹ.
Đọc những dòng đó, tôi không biết nên vui hay buồn, bởi đằng sau cái nội dung xúc động ấy đó là cả một câu chuyện dài. Mới chiều qua, mẹ gọi điện than thở cậu mợ tôi chuẩn bị bán nhà để trả nợ cho con.
Những dòng status "báo hiếu" kiểu sạon sẵn ngập tràn Facebook trong ngày lễ Vu lan. Ảnh từ Facebook |
Đứa em tôi mang tiếng có việc làm ở thành phố, nhưng ăn chơi bài bạc không ai bằng, gây hết đống nợ này khoản nợ kia. Để phục vụ cho cuộc sống sang chảnh vẫn bày ra trên Facebook, em vẫn tiêu xài hoang phí nên nợ chồng nợ. Cậu mợ tôi suốt ngày lo đi “dẹp” nợ cho con đến hao gầy. Lần này là nợ của xã hội đen, nếu không trả sẽ chẳng yên, nên cậu mợ đành rao bán nhà.
Khi ba mẹ ở quê đang chạy sấp chạy ngửa lo tiền thì em vẫn ung dung ngồi đó và soạn những dòng tâm sự “báo hiếu” rơi nước mắt trên Facebook. Bực quá, tôi bình luận một câu: “Giá như hành động cũng được như lời nói thì hay biết mấy”. Thế là lập tức cậu ta xoá và chặn Facebook tôi.
Chuyện của đứa em tôi không hiếm, xung quanh tôi thiếu gì những người suốt ngày ghi lên Facebook những câu thật tình cảm về cha mẹ nhưng đối xử với các cụ chẳng ra gì.
Liệu bao nhiêu đấng sinh thành đọc được những dòng chữ tình cảm như thế này. Ảnh minh hoạ |
Tôi biết người đồng nghiệp kia, nghe tin mẹ bệnh, chưa một lời hỏi han mẹ, việc đầu tiên là ngồi ở công ty soạn dòng cảm xúc buồn rầu thông báo mẹ bệnh lên Facebook và “check in” tại bệnh viện. Chẳng mấy khi gọi điện cho cha mẹ hay về ăn cùng một bữa cơm, nhưng đến ngày lễ là tung lên Facebook những lời có cánh thương mẹ, yêu mẹ, cảm ơn mẹ.
Mấy ngày này, mở Facebook lên lại thấy tràn ngập các status “báo hiếu” mùa Vu lan. Những câu chữ đong đầy tình cảm dành cho mẹ “Con yêu mẹ nhiều lắm” , “Mẹ là tất cả”, “Con tự hào là con của mẹ..” cùng những câu thơ, bài hát xúc động kèm hình ảnh về tình mẹ được chia sẻ rộng rãi trên trang cá nhân.
Điều nghịch lý là có thể những dòng tâm tư đầy tình cảm đó được những đứa con viết ngay trên bàn nhậu hay đang cà phê tán gẫu cùng bạn bè, mặc cho cha mẹ đang đợi mình về ăn cơm.
Sống trọn vẹn và tốt đẹp cuộc đời của mình cũng là đã báo hiếu cha mẹ. Ảnh minh hoạ |
Tôi tự hỏi, trong số những bà mẹ được con ngợi ca như thế có bao nhiêu người đọc được những dòng chữ ấy. Bởi trên thực tế, phần lớn các đấng sinh thành trên 70 tuổi hiếm người biết tới việc dùng mạng xã hội, những bà mẹ trẻ hơn thì con cái không mấy người chấp nhận kết bạn trên Facebook để "giữ cho mình khoảng trời riêng".
Vẫn biết mỗi người có một cách thể hiện tình cảm với cha mẹ khác nhau, báo hiếu trên Facebook cũng là một cách bày tỏ nỗi lòng, cảm xúc với cha mẹ và có thể lan tỏa tinh thần hiếu đễ, những hàng động lời nói tích cực.
Vẫn biết "nói dễ hơn làm", có những người bộc lộ cảm xúc ra dòng chữ trên mạng xã hội dễ hơn hành động, và cảm xúc họ thể hiện trên Facebook không phải là giả dối. Nhưng nếu ráp hai mặt sống ảo – sống thật của con người họ vào nhau, chúng tôi luôn có cảm giác khó chịu. Tôi đã rất tâm đắc khi vô tình đọc đâu đó hai câu thơ vui trên mạng: “Mẹ già không ở trên Phây. Xin đừng báo hiếu ở đây làm gì”. Tình cảm yêu thương cha mẹ nếu đi đôi cùng những hành động chăm sóc cụ thể, theo tôi, mới thật sự là hiếu nghĩa.
Cha mẹ cần gì ở con cái? Đơn giản lắm. Nếu ở gần thì hãy tranh thủ về thăm mẹ, ăn cơm trò chuyện để mẹ vui. Nếu ở xa, một cuộc gọi điện hỏi han cũng đủ ấm lòng mẹ chứ mẹ không lên Facebook dò đếm lượt like và đọc các ghi chú hay bình luận.
Dù vậy, đa số cha mẹ cũng chẳng chờ đợi con báo hiếu. Đôi khi, các cụ chỉ cần con sống trọn vẹn và hạnh phúc, nên đừng làm cha mẹ lo lắng buồn phiền đã là cách báo hiếu tốt nhất rồi.
Theo Đăng Thảo/Phunuonline
Bình luận (0)