Với mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh trở thành những con người có nhân cách và năng lực, đáp ứng yêu cầu của thời đại, Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) đã luôn mạnh dạn đi tiên phong trong đổi mới hoạt động giảng dạy, chủ động đưa những phương pháp dạy học tích cực vào trong từng môn học. Để thực hiện một cách hiệu quả mục tiêu này, song song với trang bị kiến thức, công tác giáo dục đạo đức cho học sinh cũng là nội dung được nhà trường đẩy mạnh.
Thầy và trò nhà trường trong Lễ tổng kết năm học 2018-2019
Xuyên suốt năm học, các phương pháp dạy học tích cực được giáo viên triển khai liên tục trong bộ môn, mang đến sự thích thú cho học sinh khi tiếp cận kiến thức, đưa kiến thức môn học đến gần với cuộc sống. Tiêu biểu như các chuyên đề “Giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, con người qua tiết dạy – học văn”, “Ý nghĩa văn chương”, Sân khấu hóa tác phẩm văn học… trong Bộ môn ngữ văn. Bằng những sáng tạo này, văn học trở nên gần gũi với học sinh, đồng thời truyền tải đến học sinh những thông điệp về tình yêu quê hương, đất nước, giáo dục học sinh ý thức về trách nhiệm bản thân với gia đình, xã hội; Ở môn sinh học, với chuyên đề “Phối hợp các phương pháp trong tiết dạy Bộ môn sinh học” lại mang đến cách tiếp cận kiến thức môn học thông qua hình thức thực tế song song lồng ghép giáo dục học sinh ý thức về bảo vệ môi trường, trang bị cho học sinh những kỹ năng trong đời sống; Ở môn thể dục, chuyên đề Đội hình đội ngũ, ngoài việc trang bị cho học sinh kỹ năng tổ chức hoạt động thể dục còn giáo dục học sinh nâng cao tinh thần vận động, rèn luyện thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe; Bộ môn công nghệ, các chuyên đề dạy học trải nghiệm được đẩy mạnh như chuyên đề Đầu bếp nhí… Bên cạnh trang bị cho học sinh những kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng tự phục vụ bản thân, gắn kết gia đình, các chuyên đề trong Bộ môn công nghệ còn hình thành cho học sinh những hiểu biết ban đầu về nghề nghiệp, góp phần định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh.
Giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam trong Bộ môn ngữ văn
Ngoài những phương pháp dạy học tích cực, Trường THCS Lê Văn Tám cũng mạnh dạn đưa giáo dục STEM vào trong trường học, mang đến những trải nghiệm học tập mới mẻ, hứng khởi cho cả thầy và trò. Đó là ứng dụng phương pháp giáo dục STEM vào trong dạy học vật lý; Thiết kế xe thế năng… Ở phương pháp này, kiến thức môn học được hình thành từ chính sự chủ động tìm hiểu của học sinh, cung cấp cho học sinh những kỹ năng trong nhiều lĩnh vực. Song song đó, trường còn áp dụng giáo dục STEM qua hoạt động CLB, khuyến khích học sinh phát triển đam mê, sáng tạo và năng lực.
Đưa giáo dục STEM vào môn vật lý
Học sinh tiếp cận kiến thức thực tế trong Bộ môn sinh học
Trong giáo dục định hình năng lực và nhân cách cho học sinh, các hoạt động ngoại khóa cũng được trường triển khai, trở thành hoạt động thường niên, xuyên suốt trong nhiều năm học ở tất cả các khối lớp thông qua hình thức du khảo. Hoạt động giáo dục này, không chỉ thay đổi không gian học tập, đẩy mạnh học đi đôi với hành mà còn tạo ra môi trường để học sinh tìm hiểu về những kiến thức thực tế, trang bị các kỹ năng sống cần thiết. Cạnh đó, với hình thức này, nhà trường còn mong muốn học sinh mình thêm hiểu, thêm yêu về những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, bồi đắp thêm nhân cách, tâm hồn, hun đúc tinh thần học tập. Gần nhất, qua mỗi chuyến trải nghiệm sẽ là dịp để thắt chặt thêm tình cảm bạn bè, thầy – trò, đẩy lùi bạo lực trong nhà trường.
Học sinh khối 8 học tập tại Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa – Vũng Tàu qua hình thức du khảo
Từ những nỗ lực của cả thầy và trò trong đổi mới, sáng tạo trong dạy – học, nhiều năm liền Trường THCS Lê Văn Tám luôn là ngọn cờ đầu trong học tập và rèn luyện của ngành GD-ĐT Q.Bình Thạnh, nhận được sự tin yêu của phụ huynh, học sinh, xã hội. Hàng năm, tỷ lệ HS khối 9 của trường đậu vào lớp 10 công lập luôn đạt tỷ lệ 100%, tỷ lệ HS đậu vào các trường chuyên luôn ở ngưỡng cao. Năm học 2018-2019 vừa qua, điểm thi tuyển sinh 10 cao nhất của TP cũng đến từ HS nhà trường.
Đỗ Yến
Bình luận (0)