Đó là Chủ đề hội thảo do Bộ Xây dựng phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam (GIZ) tổ chức ngày 10-12-2020 tại TP.Cần Thơ, với sự tham dự của các bộ, ngành Trung ương, các Tổ chức quốc tế, chuyên gia trong và ngoài nước, và đại diện lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
TS. Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, phát biểu
Vùng ĐBSCL có 174 đô thị, gồm: 1 đô thị trực thuộc Trung ương, 2 đô thị loại I thuộc tỉnh, 12 đô thị loại II, 9 đô thị loại III, 23 đô thị loại IV và 127 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng tăng từ 26,46% (năm 2015) lên trên 31,16% (năm 2020). Hiện nay cả nước tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả…Tuy nhiên bên cạnh các kết quả tích cực, công tác quản lý quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị, nhà ở của vùng còn nhiều tồn tại, hạn chế. TS. Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, phân tích: “Tỷ lệ đô thị hóa và tốc độ đô thị hóa của Vùng thấp hơn nhiều so với trung bình toàn quốc. Hệ thống cơ tầng kỹ thuật còn yếu và thiếu đồng bộ. Việc thu gom, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải chưa có nhiều biến chuyển, tỷ lệ xử lý thấp, hầu hết sử dụng các công nghệ lạc hậu. Nguyên nhân chủ yếu là nguồn lực dành cho phát triển cơ sở hạ tầng và nhà ở ĐBSCL chủ yếu dựa vào ngân sách, trong khi việc phân bổ, thực hiện đầu tư còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Việc thực hiện xã hội hóa đầu tư và thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn”.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Ông Marcel Reymond, Trưởng bộ phận Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, Giám đốc quốc gia Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), băn khoăn: “Tôi đặc biệt quan ngại về những thách thức mà ĐBSCL phải đối mặt như: Dòng chảy và lượng phù sa suy giảm, mực nước biển dâng, ngập lụt đô thị nghiêm trọng hơn, khai thác nước ngầm quá mức, sụt lún đất,… Đây là những tác động tiềm tàng đối với hơn 18 triệu dân của vùng, khiến họ có thể mất đi nhà cửa và đất đai. Những thách thức này có mối liên hệ với nhau và cần được giải quyết bằng một phương thức tiếp cận thích hợp, trong khi hệ thống lập kế hoạch và thực hiện còn manh mún, chưa tạo điều kiện để giải quyết tổng hợp những thách thức trên. Chính phủ Thụy Sĩ rất vui mừng khi thấy Chính phủ Việt Nam đã nhận rõ những thách thức này và muốn vượt qua bằng phương thức tích hợp. Từ phía SECO, chúng tôi sẽ hỗ trợ sáng kiến của Chính phủ Việt Nam về chủ trương này”.
Ông Marcel Reymond, Trưởng bộ phận Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, Giám đốc quốc gia Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) trình bày tham luận
Để giải quyết những thách thức trên, các đại biểu cơ bản thông nhất: Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn của vùng cần phải thuận thiên, và làm nổi bật Bản sắc đô thị của vùng là mang đậm nét truyền thống sông nước; Phải gắn kết chặt chẽ với sự hình thành các tiểu vùng sinh thái ngập lũ, ven biển, nước ngọt. Hình thái đô thị mới sẽ chia 3 tiểu vùng, gồm: Vùng ngập sâu (Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên), chiếm 15% diện tích tự nhiên vùng. Vùng giữa đồng bằng nước ngọt, phù sa, chiếm 38% diện tích tự nhiên vùng. Vùng ven biển (ven biển Đông, ven biển Tây và bán đảo Cà Mau), chiếm 47% diện tích vùng. 03 vùng sẽ phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng tạo cơ hội để xem xét lại cấu trúc cảnh quan, sản xuất đơn điệu hiện nay, để kiến tạo một vùng cảnh quan sản xuất mới, tương tác và trên cơ sở tài nguyên tự nhiên của mỗi tiểu vùng sinh thái.
Ban Chủ trì hội thảo
Các giải pháp để thực hiện mục tiêu trên bao gồm: Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài, tham gia xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng. Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và liên kết với TP.HCM (trong đó riêng vùng Đông Bắc của vùng, việc phát triển gắn liền và được coi như vùng mở rộng của TP.HCM)… Tổ chức rà soát, điều chỉnh, trong đó đặc biệt tăng cường đầu tư, tạo sự bứt phá về phát triển hệ thống giao thông, nhất là các tuyến đường có tính chất liên kết vùng. Bảo đảm an ninh và hoàn chỉnh quy hoạch về cấp – thoát nước, xử lý chất thải rắn, các vùng kinh tế trọng điểm, lưu vực sông, nhằm bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên. Nghiên cứu, thực hiện công tác quy hoạch và quản lý cao độ nền, trong đó đặc biệt chú ý quá trình lún của đô thị.
Kết luận hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nhấn mạnh: Những tham luận, kiến nghị của các đại biểu sẽ góp phần giúp Bộ Xây dựng nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế chính sách trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị trong thời gian tới, và tham gia nội dung về phương hướng tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn trong quy hoạch vùng ĐBSCL đang được Bộ Kế hoạch – Đầu tư hoàn thiện.
Đan Phượng
Bình luận (0)