Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh đại học: Nhận con người hay điểm số ?: Nhiều trường bắt đầu tuyển sinh theo hướng đánh giá toàn diện

Tạp Chí Giáo Dục

Một số cơ sở đào tạo đại học hiện đang và dự kiến sẽ áp dụng những hình thức tuyển sinh đặc biệt thông qua xét tuyển, đánh giá năng lực hoặc tổ chức thêm hình thức phỏng vấn.

 Nhiều trường đại học có thể xem xét thêm hình thức phỏng vấn vào năm sau /// ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhiều trường đại học có thể xem xét thêm hình thức phỏng vấn vào năm sau. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Sẽ có phỏng vấn trong tuyển sinh ngành sức khỏe
Theo BS-TS Đặng Vạn Phước, Trưởng khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), bên cạnh việc xét điểm kỳ thi tốt nghiệp, khoa này hiện đã có những hình thức tuyển thí sinh theo những cách khá đặc biệt. Trong đó, kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, năm nay Khoa Y dành 10% chỉ tiêu, được xem là hình thức đánh giá toàn diện của người học. Bên cạnh đó, 2 năm nay khoa này bắt đầu xét người đã tốt nghiệp ĐH các ngành gần thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên để theo học các ngành sức khỏe.
Tôi nghĩ đã đến lúc các trường ĐH cần xem xét xây dựng quy chế tuyển sinh riêng, trong đó điểm số là một chỉ số quan trọng được đặt trong hồ sơ năng lực, phẩm chất toàn diện của một ứng viên
Bà Bùi Việt Lâm, Giám đốc truyền thông Trường ĐH Fulbright Việt Nam
BS-TS Phước cho biết trong năm tới sẽ thành lập một hội đồng để thực hiện phỏng vấn thí sinh đầu vào. Việc phỏng vấn này có thể sẽ không quyết định việc đậu hay rớt mà là một bước để tư vấn cho người học trong việc chọn ngành học phù hợp sau khi đạt điều kiện về điểm số. Vì theo BS-TS Phước, phỏng vấn đầu vào được thực hiện đúng cách sẽ có rất nhiều lợi ích trong tuyển sinh.
Còn PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết trường này cũng đang có những cân nhắc trong cải tiến phương thức tuyển sinh phù hợp hơn trong giai đoạn tới. Theo đó, trường có thể xem xét thêm hình thức phỏng vấn, hình thức tuyển các học sinh giỏi từ trường quốc tế…
PGS-TS Trần Diệp Tuấn quan niệm: “Để tuyển một người học cần xem xét cùng lúc nhiều yếu tố, không chỉ dựa vào một tiêu chí nào. Đó là thể chất, năng lực tư duy, phẩm chất đạo đức. Ngoài ra, những ngành nghề đặc thù như nghệ thuật, kiến trúc còn cần yếu tố năng khiếu”.
Điểm chỉ là một trọng số chứ không quyết định tất cả
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cũng có góc nhìn rất mở về việc tuyển sinh đầu vào. Theo ông Viên, đã là tuyển sinh ĐH thì người dự tuyển cần đạt những năng lực nhất định để theo học bậc học này. Tuy nhiên, để các trường khuyến khích được các tài năng đặc biệt, người có đóng góp đặc biệt cho xã hội thì quy chế cần có một điều quy định cho phép hội đồng tuyển sinh các trường xem xét những trường hợp đặc biệt. Họ sẽ là những nhân tố tích cực góp phần thúc đẩy xã hội. “Nhưng việc xem xét đặc biệt này chỉ được sử dụng với tỷ lệ hạn chế, nếu không sẽ lệch chuẩn”, ông Viên ý kiến.
Xét cả động lực học tập
Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học – Công nghệ, cho biết từ khi thành lập đến nay (khoảng 10 năm), phần lớn thí sinh được tuyển chọn vào trường thông qua việc xét hồ sơ học tập và phỏng vấn. “Quan điểm của chúng tôi, ngoài năng lực học tập, thí sinh cần được xem xét ở các khía cạnh khác như động lực học tập, hiểu biết về ngành học, mong muốn của thí sinh… để từ đó xem các em có đủ tiêu chuẩn và có phù hợp để theo học tại trường hay không. Quan trọng là định hướng nghề nghiệp, động cơ vào học. Nếu thí sinh không có động lực học phù hợp thì sẽ rất khó khăn trong việc học ở trường sau này”, tiến sĩ Đăng giải thích.
Ông Viên cũng cho rằng tuyển sinh ĐH không chỉ tuyển người có kiến thức mà còn cần phẩm chất, năng lực, kỹ năng. Tất nhiên, trong bối cảnh các trường ĐH tại Việt Nam cần thực hiện từng bước.
Trường ĐH Fulbright Việt Nam là trường đang có cách tuyển sinh khác biệt. Bà Bùi Việt Lâm, Giám đốc truyền thông trường này, cho biết ngay từ khi mới thành lập, Ban lãnh đạo trường tin rằng phải hướng tới đào tạo con người toàn diện, những người có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và phẩm chất cá nhân để có thể đầy đủ hành trang đương đầu với một thế giới thay đổi nhanh chóng. Trong quy trình tuyển sinh, điểm số chỉ là một trọng số chứ không phải là nhân tố quyết định. Để được nhận vào Fulbright, học sinh phải trải qua hai vòng nộp hồ sơ, trong đó có bài luận cá nhân, và vòng phỏng vấn, để đảm bảo thí sinh có đầy đủ cơ hội thể hiện bản thân trước hội đồng tuyển sinh.
Bà Lâm cũng cho biết: “Quy trình tuyển sinh như vậy tốn kém thời gian và công sức, nhưng sẽ đảm bảo để không bỏ sót những học sinh độc đáo. Nếu chỉ tuyển sinh dựa vào điểm số, sẽ không thể tuyển được những bạn trẻ có cá tính và phẩm chất cá nhân rất khác biệt, tạo nên một cộng đồng học tập đa dạng, có thể học hỏi được từ nhau…”.
“Tôi nghĩ đã đến lúc các trường ĐH cần xem xét xây dựng quy chế tuyển sinh riêng, trong đó điểm số là một chỉ số quan trọng được đặt trong hồ sơ năng lực, phẩm chất toàn diện của một ứng viên”, bà Lâm đề xuất.
Còn tại ĐH RMIT Việt Nam, điều kiện tuyển sinh áp dụng cho tất cả chương trình cử nhân gồm yêu cầu học thuật và yêu cầu tiếng Anh. Tuy nhiên, một vài ngành học cụ thể sẽ áp dụng thêm yêu cầu khác để xác định năng lực của sinh viên tương lai. Ngoài ra, trường còn có chương trình học bổng dành cho thí sinh tài năng hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Điều kiện xét tuyển ngoài năng lực học thuật và tiếng Anh còn cân nhắc những yếu tố khác như: đam mê/tiềm năng thành công, năng lực lãnh đạo, sức sáng tạo, khả năng kết nối với cộng đồng…
Thoát ly dần điểm số
Theo PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm học tới, nhà trường vẫn sẽ tiếp tục thực hiện các phương thức tuyển sinh gần giống như năm nay: xét tuyển thí sinh tài năng (dựa vào hồ sơ học tập của thí sinh và phỏng vấn), điểm thi tốt nghiệp THPT, bài kiểm tra tư duy. Với phương thức bài kiểm tra tư duy, trường không xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với bài kiểm tra tư duy như năm nay mà sẽ chỉ dựa hoàn toàn vào bài kiểm tra tư duy để xét tuyển.
Ông Điền nói: “Với phương thức xét tuyển thí sinh tài năng, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã hướng tới việc xét tuyển thoát ly việc dựa vào điểm số của một kỳ thi, mà đánh giá trên tổng thể hồ sơ của thí sinh và qua phỏng vấn. Vì thế, việc đánh giá được toàn diện hơn, thay vì chỉ đánh giá lệ thuộc vào điểm số của một kỳ thi. Tuy nhiên, yếu tố “con người” trong phương án đánh giá này cũng chỉ là về khả năng học tập của thí sinh chứ chưa đánh giá các yếu tố thuộc về phẩm chất như tinh thần vượt khó, lòng tốt…”.
PGS Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, thì cho rằng để đảm bảo yếu tố công bằng, quan trọng nhất là đưa ra được một hệ thống quy định và thực hiện nghiêm ngặt các quy định đó. Để đảm bảo tính linh hoạt, đề cao tinh thần nhân văn, thì các trường có thể đưa thêm yếu tố xét tuyển với các trường hợp đặc biệt, ví dụ có thể mở rộng diện được hưởng điểm ưu tiên so với quy chế của Bộ GD-ĐT.
Ông Linh phân tích: “Đúng là phần lớn các trường chúng ta dở ở chỗ là chưa suy nghĩ một cách thấu đáo về các trường hợp ưu tiên, cứ theo quy định mà làm, nên có nhiều thí sinh được hưởng ưu tiên đến 2 điểm (chưa tính điểm khu vực) mà rõ ràng so với trường hợp thí sinh trượt nguyện vọng 1 Trường ĐH Y Hà Nội, thì những thí sinh đó chưa chắc đã xứng đáng được hưởng điểm ưu tiên đến thế. Từ năm sau, có thể nhiều trường sẽ nghĩ đến việc này. Quan trọng là cần phải thông báo công khai và minh bạch, tránh việc trường hợp này thì xét trường hợp kia không xét”.
Theo Đăng Nguyên – Quý Hiên – Hà Ánh/TNO

 

Bình luận (0)