Được xem là đội chi mạnh nhất V-League vài năm qua nhưng 3 thất bại trước Hà Nội cho thấy CLB TP.HCM vẫn phải nâng cấp đội hình. Nhưng tiêu tiền sao cho hợp lý sẽ là bài toán đặt ra cho lãnh đạo CLB này.
Dù rất nỗ lực nhưng Sầm Ngọc Đức (phải) không thể ngăn được Đỗ Hùng Dũng
Thiếu ổn định vì đi tắt, đón đầu
Ngay từ khi đoạt vé lên V-League năm 2017, CLB TP.HCM xác định rõ chiến lược xây dựng “dải ngân hà” với những ngôi sao cả trên sân cỏ lẫn hình ảnh, con đường tắt để thu hút khán giả trở lại sân Thống Nhất. Từ năm 2018, TP.HCM liên tục “thay máu” nhằm nâng cấp đội hình, tạo bề dày đội bóng nhằm thu hẹp khoảng cách với Hà Nội. Những ngôi sao liên tiếp đến như Văn Thuận (công bố là 9 tỉ đồng/3 năm). Bùi Tiến Dũng, Phi Sơn (gần 8 tỉ đồng/3 năm)… hay TP.HCM bỏ tiền tỉ chuộc hợp đồng Công Phượng từ CLB Sint-Truidense (Bỉ), trả lương 120 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, còn một loạt tuyển thủ khác như Huy Toàn, Hoàng Thịnh, Công Thành, Tùng Quốc, Ngọc Đức… Ngoại binh cũng vậy, đầu mùa 2020 TP.HCM dọn sạch để thay mới. Đến giữa mùa chỉ còn trung vệ Diakite và bổ sung cặp tiền đạo Costa Rica với giá “triệu USD” cùng trước đó là tiền vệ người Hàn Quốc Seo Yong-duk. Chính vì cách đầu tư mạnh tay này mà các CĐV vẫn thường gọi đội bóng có biệt danh “Chiến hạm đỏ” là đội bóng trăm tỉ đồng.
Cách làm của CLB TP.HCM cho thấy hiệu quả bước đầu với ngôi á quân 2019, năm nay vào đến bán kết Cúp quốc gia. Tuy nhiên, 3 thất bại liên tiếp trước Hà Nội từ đầu mùa 2020 chỉ ra hạn chế là tính ổn định. Xét về từng vị trí lẫn sự đồng đều thì TP.HCM vẫn thua Hà Nội, nhưng không cách biệt đến mức như tỷ số thua 1-5 tại bán kết Cúp quốc gia. Khác biệt ở chỗ Hà Nội sở hữu bộ khung ổn định là cầu thủ tự mình đào tạo ra, chỉ phải đầu tư vài vị trí trọng tâm mà vẫn duy trì bản sắc chơi bóng rõ nét. TP.HCM thì lại hỏng đào tạo nên buộc phải vung tiền mua ngôi sao để thu hẹp khoảng cách, chấp nhận mỗi năm tấp nập người đến, kẻ đi dẫn đến thiếu sự ổn định. Danh sách đăng ký đội năm 2018 nay chỉ còn sót lại Hữu Tuấn, Thanh Bình. Đa phần đội hình xuất phát của CLB này được xây dựng trong 2 năm gần đây nên tính gắn kết, ổn định kém hơn Hà Nội là điều dễ hiểu.
Ngoại binh của TP.HCM tranh chấp vẫn chưa tốt
Chủ tịch CLB TP.HCM Nguyễn Hữu Thắng bày tỏ: “Chiến lược của TP.HCM là hướng đến phát triển bền vững. Nhưng mỗi CLB có một con đường đi riêng tùy thuộc đặc thù của mình. Lợi thế của Hà Nội và Viettel là có sẵn nguồn cầu thủ do họ đào tạo nên chỉ phải bổ sung một vài vị trí khiếm khuyết, lắp ráp rất dễ. Hoàn cảnh lịch sử khiến TP.HCM bị thiệt thòi điều này, vẫn phải chờ đợi thêm vài năm nữa để chờ Học viện Juventus cung cấp nguồn kế cận”.
Đến lúc cần đầu tư có chọn lọc
Năm 2020, CLB TP.HCM đứng trước nguy cơ phải thay máu khi có đến 16 cái tên sẽ hết hợp đồng vào cuối mùa, trong đó có Công Phượng, Hoàng Thịnh, Phi Sơn, Hữu Tuấn, Ngọc Thịnh, Văn Thành, Sơn Hải, Thanh Thắng, Seo Yong-duk… Đã có những cái tên được giữ lại như trung vệ Hữu Tuấn, Sầm Ngọc Đức trong khi tương lai Công Phượng tùy thuộc HAGL. Mới nhất, TP.HCM công bố sở hữu 3 cầu thủ Lâm Ti Phông, Trùm Tỉnh, Đình Khương từ Khánh Hòa. Điều này dẫn đến sự quan tâm lớn của dư luận vì thực tế 3 thất bại trước Hà Nội chỉ ra thầy trò HLV Chung Hae-soung đang thiếu nhất ở chính trục dọc: thủ môn, trung vệ, tiền vệ công xuất sắc.
Việc 3 cầu thủ mới đến trùng vị trí với những người sắp hết hợp đồng sẽ khiến bài toán nhân sự phức tạp hơn. Chủ tịch CLB Nguyễn Hữu Thắng chia sẻ: “BHL yêu cầu phải có lực lượng đầy đủ bổ sung tốt cho giai đoạn 2, nhằm giúp TP.HCM có nhiều sự lựa chọn. Do vậy, chúng tôi đã đem về 3 cầu thủ Khánh Hòa và họ sẽ sớm hoàn tất thủ tục để tập trung cùng đội bóng. Về lâu dài, TP.HCM sẽ ưu tiên tái ký hợp đồng với những cái tên có năng lực và muốn cống hiến để tạo ra bộ khung chủ chốt ổn định. Song song đó, chúng tôi cũng sẽ chờ cơ hội để bổ sung những cầu thủ chất lượng cao, giúp nâng tầm đội bóng, cho mục tiêu chinh phục V-League”.
TT (theo thanhnien)
Bình luận (0)