Đồng bào ở rẻo cao A Lưới xem Trung úy Phạm Thái Sơn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân (BĐBP Thừa Thiên Huế) như người thân của mình. Gần hai năm gắn bó với bản làng, Phạm Thái Sơn đã đồng hành cùng bà con và các em học sinh vượt khó vươn lên.
Trung úy Phạm Thái Sơn trao quà cho em Lê Thanh Ly Ninh, học sinh lớp 7/1, trường THCS – THPT Hồng Vân
Nâng bước em đến trường
Gần hai năm nay, đồng bào thiểu số ở dọc tuyến biên giới A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã quen với hình ảnh người lính biên phòng Phạm Thái Sơn trên những nẻo đường đến bản làng để vận động, tuyên truyền cho bà con về pháp luật biên giới, giúp đỡ người khó khăn và chỉ dẫn cho các em học sinh nghèo học bài.
Sơn quê ở Hà Tĩnh. Tháng 9-2020, tốt nghiệp Học viện Biên phòng, chàng lính trẻ nhận nhiệm vụ về Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt (huyện A Lưới). Nhiệm vụ của anh được giao bên cạnh chuyên môn là hỗ trợ học trò nghèo. Cậu bé Lê Văn Thìn, học sinh lớp 7, người đồng bào Tà Ôi là một trong số đó. Nhà Sơn nghèo, lại mồ côi mẹ, hiểu được sự thiếu thốn của Thìn nên hai anh em sớm tìm được sự đồng cảm. Sơn chăm Thìn từng tí một, từ bút, vở cho đến giá sách thắp sáng ước mơ rồi hướng dẫn Thìn học hành. Ở A Đớt trọn năm học của Thìn, trước ngày chuyển về đơn vị mới ở Hồng Vân cũng là lúc Thìn kết thúc năm học với tấm giấy khen học sinh tiên tiến.
Trung úy Sơn hướng dẫn bà con phát triển kinh tế
Về công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, Sơn đảm nhiệm vị trí Đội trưởng Đội Vận động quần chúng. Ở đây, Sơn lại tiếp tục chung tay nâng bước học trò nghèo. Đồn đang hỗ trợ cho 3 cháu có hoàn cảnh khó khăn. Em Lê Thanh Tùng, người đồng bào Pa Cô, học sinh lớp 8 vui vẻ nói: “Nhờ chú Sơn hướng dẫn và động viên, học kỳ 1 năm học 2021-2022, cháu được 8,3 điểm tổng kết trung bình môn, đứng thứ 2 của lớp”. Ngoài ra, 4 đồng chí trong Đội Vận động quần chúng còn đỡ đầu thêm em Lê Thanh Ly Ninh, học sinh lớp 7/1, Trường THCS – THPT Hồng Vân. Nhà Ninh thuộc diện hộ nghèo, bố tàn tật còn mẹ ốm đau luôn. Để động viên em tiếp tục con đường học, Sơn thường xuyên đến hướng dẫn cháu làm bài tập, phương pháp học bài. Đầu năm học mới, Sơn cùng giáo viên chủ nhiệm mua sắm SGK, bút vở rồi thông qua mạng xã hội kêu gọi mạnh thường quân tặng xe đạp cho Ninh đến trường.
Là cán bộ trẻ, Sơn luôn tìm cách truyền cảm hứng, trao cho học sinh niềm tin và ý thức trách nhiệm của những người kế nối tương lai. Sơn tham mưu và tổ chức các cuộc thi vẽ tranh biên giới, biển đảo, viết thư cho chiến sĩ, viết về người lính bộ đội cụ Hồ…
Trao chân thành, nhận yêu thương
Vợ chồng ông bà Quỳnh Xăng và Căn Thiết ở thôn Ta Lo A Hố, xã Hồng Vân coi Trung úy Sơn như con đẻ. Ngoài 80 tuổi, ông Quỳnh Xăng vẫn nhanh nhẹn bấm điện thoại gọi hỏi thăm sức khỏe của Sơn mỗi khi vì bận việc nên đôi ba ngày chưa kịp ghé nhà thăm ông bà.
Những tháng ngày bám bản ở rẻo cao A Lưới của chàng lính trẻ Phạm Thái Sơn còn để lại nhiều ấn tượng khó quên. Có lần Sơn được giao nhiệm vụ đi thuyết phục bà con mượn đất để lập chốt nhằm phòng chống dịch Covid-19 và bảo vệ an ninh biên giới. Trong vai trò Đội phó Đội vận động quần chúng, Sơn đến nhà chị A Rơ Thị Nhị ở thôn A Tin, xã Lâm Đớt để vận động. Dù rất tình cảm nhưng việc cho mượn đất để xây chốt không hề dễ dàng. Thuyết phục mãi, tới lần thứ 4 chị Nhị mới gật đầu đồng ý. “Hôm đó, ký giấy hiến đất xong chị Nhị ôm chầm lấy tôi và khóc. Chị bảo, chính sự chân thành của Sơn đã giúp chị hiểu ra trách nhiệm của người dân với tổ quốc, với cái chung lớn lao. Lúc ấy, tôi cũng rưng rưng. Tôi nghĩ người lính biên phòng bám bản, bảo vệ bình yên cho nhân dân không gì hạnh phúc bằng được nhân dân tin tưởng. Giọt nước mắt ấy là nước mắt hạnh phúc và người dân dành cho mình”, Trung úy Sơn kể lại.
Trung úy Phạm Thái Sơn là “shipper” bán chổi đót cho vợ chồng ông Quỳnh Xăng
Ở xã Hồng Vân, Sơn đã có nhiều mô hình giúp đỡ người nghèo như hủ gạo tình thương để giúp người già neo đơn ở xã Hồng Vân. Sơn luôn trăn trở để trao cho bà con cần câu thay vì con cá. Cách đây không lâu, trong một lần trò chuyện cùng thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng – cán bộ biên phòng tăng cường về xã Hồng Vân về mô hình du lịch cộng đồng để giúp bà con phát triển kinh tế. Sơn cùng anh Dũng bàn bạc tham mưu cho xã xây dựng 12 chòi du lịch cộng đồng, tạo điểm dừng chân cho du khách tham quan dòng suối A Lin. HTX du lịch cộng đồng được thành lập, tạo việc làm kiếm thêm thu nhập cho đồng bào. Sơn cũng xin chủ trương của xã và đơn vị để thành lập một căn chòi quân dân. Tiền cho thuê từ chòi này được trích 50% cho cộng đồng và số còn lại dành tặng quà cho các hộ nghèo vào cuối quý hoặc năm. Dù du lịch vùng này chưa phát triển mạnh nhưng đang mở ra hướng đi cho bà con đồng bào. Anh Hồ Văn Hùng – một người dân vốn quen với nương rẫy, với cây tràm, cây keo, thời gian gần đây lại có thêm công việc trông coi, cho thuê chòi du lịch từ HTX. “Tuy dịch giã còn ít khách đến nhưng cũng phụ thêm được phần nào chi phí trang trải cuộc sống, nuôi 3 đứa con”, anh Hùng nói.
Tuy thời gian gắn bó chưa dài, nhưng Trung úy Phạm Thái Sơn để lại trong lòng bà con dân bản nhiều tình cảm mến thương. Bà con xem anh như người thân. Sơn bảo: “Mình mở lòng với bà con thì bà con sẽ niềm nở và tin tưởng mình. Tạo được niềm tin ngày càng vững chắc. Ngày trước, tôi mơ ước trở thành người lính vì khâm phục những chú bộ đội, đồng thời đỡ gánh nặng cho ông bà đã vất vả chăm lo cho mình. Có lẽ chính sự thiếu thốn giúp tôi có nhiều trăn trở nên khi làm công tác dân vận, về cùng bà con thì dễ “chạm trái tim với trái tim hơn”. Phương châm làm việc của tôi là chân thành. Công việc cấp trên cao chỉ mới hoàn thành nhiệm vụ. Còn mình trao đi sự chân thành với bà con thì nhận lại tình cảm mến thương”, Sơn trải lòng.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)