Hội nhậpThế giới 24h

Oan nghiệt, “cưỡng chế phá thai” ở Trung Quốc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Vụ cưỡng chế phá thai đau lòng nhằm thực hiện chính sách "mỗi gia đình chỉ có một con" ở tỉnh Thiểm Tây đang dấy lên một cuộc tranh cãi mới trong dư luận Trung Quốc.

Chỉ vì không có 4 vạn NDT để nộp phạt vì sinh con thứ 2, một thai phụ ở Trung Quốc đang mang thai tháng thứ 7 đã bị chính quyền địa phương ép buộc phá thai.

Truyền thông Trung Quốc ngày 13/6 đưa tin, Ủy ban Kế hoạch dân số tỉnh Thiểm Tây đang tiến hành điều tra vụ việc một sản phụ đang mang thai 7 tháng bị chính quyền địa phương “cưỡng chế…phá thai” chỉ vì vi phạm chính sách dân số “mỗi gia đình chỉ có một con”.

Chị Phùng Kiến Mai bên đứa con bị bức tử. Ảnh Hoanqiu

Hình ảnh thai phụ nằm bên đứa bé tội nghiệp được người thân trong gia đình đăng tải lên mạng trong mấy ngày qua khiến dư luận vô vùng phẫn nộ và bàng hoàng.

Phùng Kiến Mai, thai phụ tội nghiệp sống tại thị trấn Tăng Gia, thành phố An Khang tỉnh Thiểm Tây nghẹn ngào nói gia đình anh chị không có đủ 4 vạn NDT để nộp phạt vì sinh con thứ 2 nên vào hôm 2/6, chính quyền thị trấn Tăng Gia đã cử gần 30 người kéo đến nhà để áp tải chị vào bệnh viện. Chị và người nhà đã chống cự quyết liệt nhưng không cản nổi mà còn bị nhóm người này hành hung. Đến chiều cùng ngày, chị bị các bác sĩ tiêm thuốc ra thai.

Tuy nhiên, chính quyền thị trấn Tăng Gia cho biết, việc họ cưỡng chế thai phụ Phùng Kiến Mai phá bỏ bào thai thứ 2 là hoàn toàn đúng luật vì vợ chồng chị Mai đã vi phạm chính sách dân số mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh 1 con.

Theo quy định, những cặp vợ chồng muốn sinh con thứ 2 cần phải cung cấp đầy đủ tài liệu hợp lệ mới được mang thai, sinh con. Trường hợp vợ chồng chị Mai, chính quyền đã nhiều lần yêu cầu chị cung cấp các tài liệu liên quan nhưng cả hai vợ chồng đều tìm cách trì hoãn. Sau nhiều lần làm công tác tư tưởng, chị Mai đã đồng ý phá thai.

Nhưng những thông tin của chính quyền địa phương xem ra không đúng sự thật vì anh Nguyên, chồng chị Mai đang giữ một chứng cứ làm rõ chân tướng sự việc. Đó là một tin nhắn của cán bộ ban Dân số kế hoạch của thị trấn “Bốn vạn NDT một hào cũng không được nộp thiếu. Tôi đã nói với bố anh rồi, ông ấy bảo không có tiền thì đã làm sao. Các người to gan thật, không coi ai ra gì”.

Những trường hợp sinh con thứ 2 ở Tăng Gia không phải là hiếm, nhưng họ có tiền nộp phạt. Con anh sắp đến ngày chào đời còn bị bức hại rốt cuộc cũng chỉ vì họ muốn “moi tiền” mà thôi, anh Nguyên bức xúc nói.

Cần xem lại chính sách “mỗi gia đình chỉ có một con”

Từ sự việc thai phụ bị cưỡng chế trên, đã có rất nhiều ý kiến thuận, ngược chiều liên quan đến “chính sách 1 con” tại Trung Quốc.

Đã hơn 30 năm kể từ khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình “chính sách 1 con” nhằm ngăn chặn sự gia tăng dân số ngoài vòng kiểm soát. Từ khi thực hiện chính sách đã giảm được 400 triệu ca sinh nở trong ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, nó cũng gặp phải nhiều tranh cãi. Nhiều người ủng hộ chính sách vì nó rất hiệu quả và đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách này cũng đã kiềm chế sự gia tăng dân số khiến tỷ lệ dân số già đi nhanh chóng và sự mất cân bằng giới tính.

Trung Quốc kêu gọi phải nhanh chóng thay đổi “chính sách 1 con” vì nó dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử, đặc biệt là con gái ở các vùng nông thôn. Chính sách kế hoạch hóa gia đình nên linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Yang Yan Sui, giám đốc Trung tâm nghiên cứu việc làm và an sinh xã hội tại Đại học Thanh Hoa nêu ý kiến chính phủ không nên kiểm soát dân số thông qua các biện pháp bắt buộc mà nên thiết lập một khuôn khổ phát triển dân số như xác định khu vực nào cần được khuyến khích sinh thêm con và thời gian nào là tốt nhất để có một đứa con.

Không đồng tình với các ý kiến trên, Li Jian Min, giáo sư Viện nghiên cứu dân số Trung Quốc nghĩ rằng, không nên nới lỏng các chính sách kế hoạch hóa gia đình.

Bên cạnh đó, còn có một số quan điểm bàn luận về mức độ pháp lý áp dụng đối với “chính sách 1 con”. Một số ý kiến cho rằng, các chính sách kế hoạch hóa gia đình chỉ có thể được thực hiện thông qua các biện pháp cứng rắn. Tuy nhiên, kiểu tư duy này là không thể chấp nhận được trong thời đại ngày nay. Các trường hợp phá thai quá muộn sẽ không được chấp nhận. Đây là một yêu cầu của các tiêu chuẩn đạo đức xã hội ngày nay. Chính sách Trung Quốc cấm phụ nữ mang thai từ 6 tháng trở lên phá thai.

Nếu trường hợp của thai phụ Mai bị cưỡng ép phá thai vì không chịu nộp phạt 4 vạn NDT là đúng sự thật, chính quyền thị trấn Tăng Gia đã vi phạm chính sách và sẽ bị trừng phạt. Ủy ban Dân số kế hoạch tỉnh Thiểm Tây cho biết họ đang vào cuộc điều tra và làm rõ vụ việc, sẽ xử lý nghiêm những tổ chức cá nhân vi phạm, kiên quyết ngăn chặn tình trạng cưỡng chế phá thai đối với những bào thai “đã nhiều tháng tuổi” để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người phụ nữ đang độ tuổi sinh nở.

Theo Đất Việt

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)