Hội nhậpThế giới 24h

Đối thoại chiến lược Mỹ – Ấn Độ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mỹ và Ấn Độ thỏa thuận tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực mà Washington gọi là “hội tụ gần” với lợi ích chiến lược của mình. 
Ngày 14.6 (theo giờ VN), Đối thoại chiến lược Mỹ – Ấn Độ lần 3 đã diễn ra tại thủ đô Washington. Theo website Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Ấn Độ S.M.Krishna dẫn đầu đoàn đại biểu nước này hội đàm cùng người đồng cấp chủ nhà Hillary Clinton và các quan chức khác. Tại cuộc gặp, bà Clinton nhấn mạnh quan hệ song phương giữa Washington và New Delhi đang trong giai đoạn chín muồi, thể hiện qua những hợp tác thắt chặt từ kinh tế đến an ninh. Bà cũng khẳng định 2 bên cần sớm thúc đẩy việc ký kết hiệp ước đầu tư song phương, cải thiện kim ngạch thương mại (dự đoán đạt khoảng 100 tỉ USD năm nay). Mỹ – Ấn cần tăng cường triển khai hợp tác chống khủng bố, an ninh mạng và đối thoại 3 bên cùng Afghanistan.
 
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng cấp Ấn Độ S.M.Krishna (trái) vừa đạt nhiều thỏa thuận quan trọng – Ảnh: AFP
Quan trọng hơn cả là việc bà Clinton và ông Krishna đã ký kết thỏa ước song phương giúp New Delhi phát triển mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực hạt nhân. Vốn dĩ, vấn đề hạt nhân từng là thách thức cản trở hợp tác giữa 2 nước. Theo BBC, Ấn Độ còn ký kết hơn 9 tỉ USD giá trị hợp đồng thương mại quân sự với Mỹ.
Sau khi tiếp Ngoại trưởng Ấn Độ, bà Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cùng gặp gỡ 2 người đồng cấp Hàn Quốc là Kim Sung-hwan và Kim Kwan-jin. Hai bên đã tổ chức hội đàm song phương 2+2, theo AP. Vấn đề bán đảo Triều Tiên là một trong những nội dung quan trọng của chương trình nghị sự lần này. Trước khi phái đoàn Hàn Quốc đến Washington, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Carl Levin cho hay ông không phản đối đề nghị của Seoul về việc được phép mở rộng tầm bắn tên lửa từ 300 km lên 800 – 1.000 km.
Hàn – Mỹ – Nhật tập trận hải quân
Website Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 13.6 đưa tin nước này cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tiến hành cuộc tập trận chung từ 21 – 22.6 tại vùng biển phía nam bán đảo Triều Tiên. Theo đó, cuộc tập trận lần này tập trung vào mục tiêu “nâng cao liên lạc và hợp tác chiến dịch giữa hải quân Hàn cùng Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản”. Nhân dịp này, tàu sân bay Mỹ USS George Washington cũng sẽ quay trở lại khu vực. Tiếp đến, tàu USS George Washington sẽ cùng thực hiện một chuyến hải hành với hải quân Hàn Quốc trên Hoàng Hải từ ngày 23 – 25.6. Sau đó, tàu sân bay này ghé cảng Busan của Hàn Quốc.
Trong một diễn biến khác, Tân Hoa xã đưa tin Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc tập trận thường niên tại Tây Thái Bình Dương, nhưng không thông báo địa điểm và thời gian cụ thể. Ngoài ra, 100 binh sĩ Trung Quốc vừa tập trận vượt sông Áp Lục, ở biên giới giữa nước này với CHDCND Triều Tiên, để tăng cường khả năng đối phó nếu dòng người tị nạn từ láng giềng tràn qua. Đồng thời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 14.6 lên tiếng phản đối cuộc tập trận của Mỹ – Nhật – Hàn vào ngày 21 – 22.6.
H.G

Theo TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)