Tỷ lệ tốt nghiệp thấp chỉ đạt 40 – 60% so với số lượng đầu vào (tùy mỗi ngành nghề và bậc học), khiến các trường cao đẳng, trung cấp phải tìm cách nâng cao hiệu suất đào tạo để đáp ứng số lượng tuyển dụng ngày càng tăng của doanh nghiệp.
Học tới đâu thực hành tới đó giúp gắn bó với nghề. MỸ QUYÊN
Trong vài năm qua, số liệu của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho thấy tỷ lệ học sinh, sinh viên (HS, SV) tốt nghiệp trường cao đẳng (CĐ), trung cấp là trên 50% so với đầu vào. Mới đây, tại lễ tốt nghiệp của một trường CĐ, số lượng nhận bằng chỉ đạt dưới 40%. Đây là tình trạng chung của rất nhiều trường nghề do trong quá trình đào tạo, HS, SV rơi rụng khá nhiều.
Không thích học văn hóa, nhiều ngành không phù hợp
Trong vài năm qua, số liệu của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho thấy tỷ lệ học sinh, sinh viên (HS, SV) tốt nghiệp trường cao đẳng (CĐ), trung cấp là trên 50% so với đầu vào. Mới đây, tại lễ tốt nghiệp của một trường CĐ, số lượng nhận bằng chỉ đạt dưới 40%. Đây là tình trạng chung của rất nhiều trường nghề do trong quá trình đào tạo, HS, SV rơi rụng khá nhiều.
Thạc sĩ Phạm Quang Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cho biết: “Bậc trung cấp, các em nghỉ học nhiều hơn nên hiệu suất đào tạo thấp hơn so với bậc CĐ. Lý do là đầu vào có đến 90% HS tốt nghiệp THCS. Thông thường trong năm học đầu, số lượng nghỉ lên tới 20%. Mặc dù hiện nay các em có thể chọn học nghề mà không phải học các môn văn hóa, nhưng đa số gia đình muốn con em có bằng tốt nghiệp THPT nên đều chọn học thêm các môn văn hóa. Tuy nhiên, phần lớn học lực của các em khó theo được, dẫn đến chán nản và bỏ học”.
Nguyên nhân thứ 2, theo thạc sĩ Tuấn, không phải ngành nghề nào cũng phù hợp với HS tốt nghiệp THCS. Chẳng hạn, một số ngành đòi hỏi phải tính toán và tư duy cao sẽ rất khó tránh khỏi quá sức với HS, dẫn đến việc các em sợ học hoặc chán nên bỏ ngang.
Thạc sĩ Hồ Văn Nhác, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM, cho hay hiện nay nhiều trường đào tạo theo tín chỉ, nhiều HS, SV học vượt rào để ra trường trước hoặc có em kéo dài thời gian học nên mỗi năm tổ chức tốt nghiệp làm nhiều đợt. Đó cũng là lý do vì sao mỗi đợt tốt nghiệp, số lượng lại không cao như vậy. Tuy nhiên, việc HS, SV rơi rụng nhiều là có thật. “Đa số nghỉ ở học kỳ đầu tiên, do các em phải học một số môn lý thuyết hơi khô khan. Đặc biệt các em tốt nghiệp THCS đi học nghề thì không hề thích học các môn văn hóa, trong khi cha mẹ lại muốn con học, khiến các em rất “sợ”. Hơn nữa, do tuổi còn quá nhỏ nên các em chưa xác định được mục tiêu, động lực học tập”.
Các em thích học thực hành nên dạy lý thuyết đến đâu phải cho thực hành đến đó để tạo sự hứng thú, đồng thời phải “dỗ” nhiều hơn dạy
Thạc sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa TP.HCM
|
Được biết có năm, số lượng nghỉ học tại Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Vinatex lên tới 300 – 400 SV. Trường trung cấp Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương mỗi khóa cũng “rơi rụng” khoảng 30% HS.
Thay đổi cách đào tạo
Trong khi đó, thời gian gần đây, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đối với người tốt nghiệp trường nghề ngày càng tăng. Nhiều doanh nghiệp đến tận trường CĐ, trung cấp để tuyển dụng ngay SV vừa tốt nghiệp, nhưng nguồn tuyển vẫn không đủ để đáp ứng. Vì thế, nếu hiệu suất đào tạo của các trường không được cải thiện thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong quá trình tuyển dụng.
Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, nhận định: “Trong vòng 2 năm trở lại đây, trường tổ chức kỹ năng mềm gồm 60 tiết học có tính điểm, gồm các kỹ năng như giao tiếp, ứng xử, khởi nghiệp, thuyết trình… Hiệu quả từ lớp kỹ năng này vô cùng to lớn. Chúng tôi thấy các em khác hơn rất nhiều, tự tin hơn, năng động hơn. Nhiều em cho biết đã có những thay đổi tích cực, trước đây từng quậy phá, lười học, không hiểu học để làm gì… nhưng sau khóa học kỹ năng đã thấy hứng thú học tập hơn, biết suy nghĩ, khiến chúng tôi rất xúc động”.
Tiến sĩ Lộc cho biết thêm trường cũng xây dựng lại chương trình phù hợp với từng đối tượng HS. Phương pháp giảng dạy kiến thức cho HS THCS và HS THPT khác nhau; giáo viên cũng phải có cách ứng xử khác nhau. Ngay từ đầu, trường cho các em thực hành nhiều để không chán, không bắt các em chỉ học các môn văn hóa hay lý thuyết, đồng thời đưa đi doanh nghiệp kiến tập, tham quan ngay từ năm đầu để hình dung công việc sau này. Do các em tuổi còn nhỏ nên trường phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh. Phụ huynh có mật khẩu đăng nhập vào tài khoản để theo dõi quá trình học tập của con em mình, nếu em nào nghỉ học là trường báo cho phụ huynh can thiệp ngay”, tiến sĩ Lộc chia sẻ. Vì thế, hiệu suất đào tạo của trường trước đây khi chưa triển khai các giải pháp này chỉ đạt 50%, nay đã tăng lên 80 – 90%.
Tại Trường trung cấp Bách khoa TP.HCM, thạc sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng, thông tin: “Quan trọng nhất là chương trình đào tạo và công tác chăm sóc HS. Các em tốt nghiệp THCS còn nhỏ tuổi rất ham chơi, chưa hiểu mục đích học tập. Vì vậy, cần phải phân tích, định hướng. Các em thích học thực hành nên dạy lý thuyết đến đâu phải cho thực hành đến đó để tạo sự hứng thú, đồng thời phải “dỗ” nhiều hơn dạy. Giáo viên phải luôn động viên, không được quát nạt, làm tổn thương, không để HS cảm thấy xa cách”.
Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức tổ chức sinh hoạt đầu khóa và có môn “nhập môn” chiếm 45 giờ học, giúp SV biết được tố chất, kỹ năng cần có của mỗi ngành nghề. SV tố chất nào thì phù hợp với ngành nghề nào, nếu thấy không phù hợp thì trường tạo điều kiện để SV chuyển ngành khác.
Ban Giám hiệu và lãnh đạo khoa Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM chú trọng việc gắn kết với doanh nghiệp, đưa SV đến doanh nghiệp tham quan, học tập để giúp người học hình dung công việc tương lai của mình; mời các chuyên gia hướng nghiệp đến khơi dậy, kích thích sự yêu nghề. “Từ năm 2017 trở lại đây, tỷ lệ nghỉ học giảm chỉ còn khoảng 10 – 15%”, thạc sĩ Hồ Văn Nhác chia sẻ.
Theo Mỹ Quyên/TNO
Bình luận (0)