Kinh tế - Giáo dục

Doanh nghiệp FDI chuyển giá ngày càng nhiều

Tạp Chí Giáo Dục

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP – Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố mới đây đã chỉ rõ, khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) có nguy cơ trốn thuế cao nhất.
Nhiều “ông lớn” FDI trong ngành bia, nước ngọt bị truy thu thuế với số tiền hàng trăm tỉ đồng	 /// Ảnh: Ngọc Dương
Nhiều “ông lớn” FDI trong ngành bia, nước ngọt bị truy thu thuế với số tiền hàng trăm tỉ đồng. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Trốn thuế hàng chục ngàn tỉ đồng
Tính lũy kế đến hết tháng 5, cả nước có 32.025 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 376,6 tỉ USD. Số doanh nghiệp (DN) FDI vào Việt Nam ngày càng gia tăng và hiện tượng các đơn vị kê khai, báo lỗ vẫn tiếp diễn nhiều năm qua đến nay.
So với các loại hình DN khác, khu vực FDI được hưởng nhiều ưu đãi hơn rất nhiều. Cụ thể, DN FDI được hưởng ưu đãi với mức thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Thậm chí, một số DN FDI còn được áp dụng mức thuế suất 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án. Tỷ lệ thuế thu nhập DN được miễn, giảm của DN FDI chiếm 76% trên tổng thuế thu nhập DN được miễn giảm của DN cả nước; tỷ lệ thuế thu nhập DN được miễn giảm tính trên tổng thu nhập DN với khu vực FDI chiếm đến 48%, trong khi tỷ lệ này với DN nhà nước chỉ chiếm 4,6% và DN tư nhân là 14%.

Nghiên cứu “Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập DN FDI tại Việt Nam” do nhóm các chuyên gia kinh tế của VERP thực hiện cho thấy, con số mà DN FDI trốn thuế lớn gấp 3 – 4 lần so với con số vi phạm mà cơ quan chức năng phát hiện hằng năm. Ước tính con số này khoảng 13.300 – 19.700 tỉ đồng mỗi năm.

TS Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng kiểm toán Nhà nước, nhận định, tình trạng DN FDI kê khai, báo lỗ ngày càng phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó là các hành vi “chuyển giá”; chuyển giao máy móc đã lạc hậu khi vào đầu tư… Tại TP.HCM, gần 60% trong số hơn 3.500 DN FDI thường xuyên kê khai lỗ lã liên tục trong nhiều năm.
Điều bất hợp lý là mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng các DN này vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Qua đối chiếu thuế, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện ra một hình thức chuyển giá nữa là công ty FDI ở Việt Nam nhưng bán hàng công ty mẹ ở chính quốc giá thấp hơn giá thành; lỗ lũy kế qua nhiều năm trong khi quy mô hoạt động và doanh số của DN FDI vẫn ổn định, thậm chí tăng trưởng qua các năm; có lãi trong thời gian được miễn thuế, nhưng sau đó báo lỗ khi hết thời hạn miễn thuế; chi mua máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu từ bên liên kết với tỷ trọng lớn trong tổng mua sắm từ các nguồn…
Điển hình nhất là vụ Coca-Cola Việt Nam bị truy thu, xử phạt về thuế hơn 821 tỉ đồng vào cuối năm 2019. Đây được xem là DN FDI đứng đầu danh sách nghi án chuyển giá tại Việt Nam và Cục Thuế TP.HCM đã xếp DN này ở vị trí số 1 trong danh sách DN có nghi vấn chuyển giá. Kể từ khi vào Việt Nam từ năm 1995 đến nay, Coca-Cola báo lỗ tới hơn 20 năm liên tiếp.
Ngoài Coca-Cola Việt Nam, cuối năm 2019, qua kiểm tra, cơ quan thuế cũng truy thu Heineken Việt Nam 916 tỉ đồng tiền thuế và tiền chậm nộp thuế. Trước đó, một loạt DN FDI khác cũng bị truy thu thuế như Công ty Holcim Việt Nam bị truy thu 1.800 tỉ đồng, Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered bị truy thu 19 tỉ đồng…
Năng lực phát hiện còn hạn chế
TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành Công ty R&T LCT Lawyers, nhận định tình trạng chuyển giá không chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Hiện nay, hình thức chuyển giá phổ biến nhất mà các DN FDI áp dụng là bán hàng hóa, nguyên vật liệu cho các bên có quan hệ liên kết (như công ty mẹ hay công ty liên kết trong cùng tập đoàn) với giá thấp hơn giá thị trường, thậm chí giá bán thấp hơn giá vốn, nhưng ngược lại có hợp đồng mua hàng hóa, nguyên vật liệu hay dịch vụ từ các bên có quan hệ liên kết đó với mức giá cao. “Điều này khiến cho báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của DN FDI luôn duy trì tình trạng lỗ do kết quả chi phí hoạt động nhiều hơn doanh thu, và theo đó trốn tránh được nghĩa vụ đóng thuế đối với nhà nước. Trong khi đó, công ty mẹ hay công ty liên kết được hưởng lợi từ giá hàng hóa, dịch vụ thấp, nhưng sau đó lại thực hiện hình thức hỗ trợ vốn hoặc cho vay để DN FDI tại Việt Nam tiếp tục hoạt động và mở rộng kinh doanh”, ông Quang nói.
Hiện tại, Việt Nam đã có Nghị định 20/2017 quy định cụ thể nhằm xác định các bên có quan hệ liên kết để có các phương pháp so sánh xác định giá của giao dịch liên kết. Trong luật Đầu tư sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, có bổ sung quy định về giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết để xác định căn cứ tính thuế, góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia luật, việc tiếp diễn tình trạng chuyển giá nhìn chung do năng lực phát hiện, xử lý các trường hợp chuyển giá của cơ quan thuế hay công an điều tra kinh tế còn hạn chế. Các yếu tố xác định giao dịch liên kết và phương pháp tính toán cũng còn khá chung chung, nên DN FDI vẫn còn lợi dụng “kẽ hở” của luật để trốn thuế.
“Cần có cơ chế giám sát các DN có khả năng thực hiện chuyển giá. Việt Nam nên áp dụng rộng rãi hơn cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA), bao gồm các phương pháp xác định giá, chọn đối tượng so sánh, các điều chỉnh cần thiết, các giả định đối với mọi giao dịch. Thỏa thuận này được thiết lập trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan thuế và DN nhằm chống gian lận trong chuyển giá. Mặt khác, để ngăn chặn hoạt động chuyển giá, việc tăng cường thẩm quyền và năng lực kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm cho cơ quan thuế cũng là một biện pháp cần thiết và cần được quan tâm thực hiện”, TS Châu Huy Quang nói thêm.
Theo Nguyên Nga – Mai Phương/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)