Theo các nhà quản lý giáo dục, năm nay, số học sinh chỉ đăng ký thi xét tốt nghiệp, không thi tuyển ĐH, cao đẳng khá cao.
Nhiều học sinh chỉ đăng ký thi xét tốt nghiệp. Ảnh minh họa
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nghèn (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), ông Nguyễn Văn Thuần, cho biết, năm nay trường có 447 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, khoảng 22% học sinh chỉ đăng ký thi nhằm xét tốt nghiệp. Số học sinh đăng ký bài thi Khoa học tự nhiên (KHTN) chiếm 40,7%, số học sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội (KHXH) chiếm 59,3%.Bộ GD&ĐT thống kê, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức từ ngày 9-10/8 có hơn 888.000 thí sinh đăng ký dự thi. Trong số đó, hơn 636.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, cao đẳng (chiếm 71,6%). Như vậy, 28,4% thí sinh chỉ đăng ký để xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, con số này không đồng đều ở các trường học, địa phương.
Ở một trường tập trung học sinh 6 xã miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình như THPT Sào Báy, chỉ có 3/219 thí sinh đăng ký thi nhằm xét tuyển ĐH, CĐ (chiếm 1,36%), số còn lại chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp. Trường này có tới 98% học sinh đăng ký bài thi tổ hợp KHXH, 2% chọn bài thi KHTN. Theo ông Quách Văn Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, học sinh ngại thi ĐH vì ngoài điều kiện kinh tế gia đình khó khăn còn khó kiếm đầu ra. “Một số thầy cô từng dạy hợp đồng ở trường nay cũng bán rau, đậu ngoài chợ, không có việc làm. Những năm trước có em đã thi đỗ ĐH, cuối cùng vẫn bỏ về đi lao động”, ông Sơn nói.
Tại Hà Nội, nhiều trường THPT cũng có tỷ lệ học sinh đăng ký bài thi tổ hợp KHXH cao hơn bài thi KHTN. Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) có khoảng 60% học sinh đăng ký dự bài thi KHXH. Trường THPT Thường Tín (huyện Thường Tín) có 100% học sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ, trong đó, 57,4% em đăng ký dự thi bài thi KHTN. Ông Lê Trung Hiệp, Hiệu trưởng trường này, cho biết, khác với nhiều trường ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, năm nào trường cũng có tỷ lệ học sinh đăng ký xét tuyển ĐH cao, do nhiều gia đình có điều kiện tiếp tục đầu tư cho con em học ĐH.
Chọn nghề thực tế hơn
Về việc nhiều học sinh có xu hướng không đăng ký xét tuyển ĐH, ông Thành cho rằng, hiện nay, trường phổ thông thực hiện phân luồng rất tốt. Nhiều học sinh học xong lớp 12 lựa chọn học nghề, đi du học, xuất khẩu lao động, thay vì bằng mọi giá thi đỗ một trường ĐH bất kỳ. Một thực tế nữa là những năm gần đây, một số sinh viên đã tốt nghiệp ĐH nhưng thất nghiệp, về quê, trong khi trước đó gia đình đã phải vay mượn một số tiền lớn cho con ăn học ĐH. Vì thế, nhiều em chọn con đường học nghề, làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp có thể kiếm 5-8 triệu đồng/tháng, gia đình không phải đầu tư.
Ông Thành cho rằng, học sinh có năng lực thực sự mới có nguyện vọng thi ĐH, đăng ký vào những trường như công an, quân đội vừa không phải đóng học phí vừa không lo đầu ra, hoặc chọn những ngành “hot”, trường tốp đầu để thi. Theo ông Thành, tỷ lệ thí sinh không thi ĐH như hiện nay là thành công trong phân luồng, định hướng học sinh, tuy nhiên, nhà trường vẫn gặp khó khăn về thông tin để tư vấn. Ví dụ, thầy cô đang thiếu thông tin về nhu cầu thị trường lao động, ngành nghề mới, những ngành sẽ “nóng” trong 5-10 năm nữa… để tư vấn, giới thiệu cho học sinh.
Ông Nguyễn Văn Thuần nhận định, hiện nay, học sinh nhìn nhận sát sườn thực tế phải chọn nghề phù hợp. Với những học sinh thuộc tốp đầu, có khả năng thi đỗ ĐH Bách khoa, ĐH Y dược, ngoài nỗ lực học tập, thầy cô cũng khuyên tìm hiểu kỹ thông tin về ngành nghề, đầu ra, khả năng kinh tế của gia đình…
“Những năm gần đây, số lượng thí sinh thi tuyển ĐH, CĐ giảm, số thí sinh thi chỉ xét tốt nghiệp có xu hướng tăng”. Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, ông Thái Văn Thành. |
Hà Linh/ TPO
Bình luận (0)