Một nhóm nhà thiên văn học đã phát hiện dấu vết của các đám mây hình thành từ bụi vũ trụ lạnh bao quanh hành tinh Proxima b được phát hiện năm 2016, có kích cỡ tương đương Trái Đất và nằm gần nhất với Hệ Mặt Trời.
Từ phát hiện này, các nhà khoa học nhận định có thể còn nhiều hành tinh khuất chưa được tìm thấy.
Theo Trưởng nhóm nghiên cứu Guillem Anglada, việc phát hiện đám mây bụi vũ trụ là điều quan trọng bởi sau khi phát hiện hành tinh Proxima b, đây là dấu hiệu đầu tiên về sự tồn tại của một hệ hành tinh phức tạp, không chỉ là một hành tinh đơn lẻ, quanh ngôi sao gần nhất với Hệ Mặt Trời.
Dữ liệu từ Đài quan sát Atacama Large Millimeter Array (ALMA) cho biết mây bụi dường như nằm trong một vành đai rộng vài trăm triệu km từ Proxima Centauri – một sao lùn đỏ mờ nằm cách chòm sao Nhân mã (Centaurus) 4 năm ánh sáng về phía Nam. Tổng khối lượng của vành đai bụi này tương đương khoảng 1/100 khối lượng Trái Đất, có nhiệt độ khoảng -230 độ C, lạnh như vành đai Kuiper bên ngoài Hệ Mặt Trời.
Vành đai bụi là những gì còn lại của vật chất vốn không tạo ra các vật thể lớn hơn như hành tinh. Những viên đá và băng trên các vành đai bụi này có các kích cỡ khác nhau, từ hạt bụi nhỏ nhất với đường kích chưa đầy 1mm đến các tiểu hành tinh có đường kính nhiều km.
Các nhà thiên văn học cho rằng việc phát hiện các cấu trúc bụi xoay quanh Proxima nêu trên mới chỉ là bước khởi đầu và việc tiếp tục quan sát sẽ cho giới khoa học một bức tranh chi tiết hơn về hệ hành tinh Proxima.
Theo các nhà thiên văn, việc kết hợp nghiên cứu các đĩa tiền hành tinh quanh các ngôi sao trẻ sẽ tiết lộ nhiều thông tin về việc hình thành Trái Đất và Hệ Mặt Trời cách đây khoảng 4,6 tỷ năm./.
(TTXVN/VIETNAM+)
Bình luận (0)