Tàu vũ trụ Thần Châu 9 mang theo ba phi hành gia vào hôm nay (28.6) đã tách khỏi mô-đun Thiên Cung 1 để bắt đầu cho hành trình trở về nhà, kết thúc sứ mệnh lịch sử trong tham vọng khám phá vũ trụ của Trung Quốc.
Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn của Trung tâm Kiểm soát Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh cho biết, tàu Thần Châu 9 đã được tách khỏi mô-đun Thiên Cung 1 với sự điều khiển bằng tay của phi hành gia.
Tàu Thần Châu 9 trên quỹ đạo – Ảnh: AFP
Đây là lần đầu tiên tàu vũ trụ và mô-đun không gian của Trung Quốc tách rời nhau theo chế độ điều khiển bằng tay, đánh dấu bước đi thành công nữa của ngành khoa học vũ trụ nước này trong việc nắm bắt những công nghệ vũ trụ khó khăn nhất.
Tân Hoa xã cho biết, phi hành gia Lưu Vượng cùng với sự hỗ trợ của Cảnh Hải Bằng và nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc Lưu Dương đã thực hiện thao tác lái tàu rời khỏi Thiên Cung 1 thành công vào lúc 5 giờ sáng nay 28.6 (giờ VN).
Theo dự kiến tàu Thần Châu 9 sẽ trở về Trái đất vào khoảng 10 giờ sáng 29.6 (giờ Trung Quốc, tức 9 giờ cùng ngày theo giờ VN) tại khu tự trị Nội Mông ở miền bắc Trung Quốc.
Trong khi đó, Thiên Cung 1 sẽ trở lại quỹ đạo cũ của nó để chờ đợi cho việc kết nối với một tàu vũ trụ khác. Theo Tân Hoa xã thì mô-đun thí nghiệm này được thiết kế cho hai năm hoạt động trên quỹ đạo với khả năng sáu lần kết nối với tàu vũ trụ. Hiện Thiên Cung 1 đã bay trên quỹ đạo 272 ngày và thực hiện được bốn lần kết nối với hai tàu Thần Châu 8 và Thần Châu 9.
Ba phi hành gia trong tàu Thần Châu 9 – Ảnh: AFP
Tuy nhiên, theo He Yu, chỉ huy chương trình tàu Thần Châu 9 thì "căn cứ vào các điều kiện hiện tại, Thiên Cung 1 có thể được kéo dài thời gian hoạt động do nó đã tiêu thụ ít hơn một phần tư nhiên liệu".
Được biết, tàu Thần Châu 9 đã được Trung Quốc phóng vào không gian hôm 16.6 qua, từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc (ở vùng sa mạc Gobi thuộc tây bắc Trung Quốc), trong sứ mệnh lịch sử của nước này là lần đầu tiên đưa một nữ phi hành gia bay vào quỹ đạo.
Sau lần kết nối với Thiên Cung 1 theo chế độ tự động hôm 18.6, tàu Thần Châu 9 còn thực hiện việc kết nối với mô-đun này vào hôm 24.6 dưới sự điều khiển bằng tay của phi hành gia. Những thành công này đã chứng tỏ Trung Quốc đã hoàn toàn nắm giữ được công nghệ lắp ghép trên vũ trụ để có thể thực hiện những chuyến bay vận chuyển người và hàng hóa trong không gian.
Tiến Dũng (TNO)
Bình luận (0)