Với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, việc “chờ nước trời” để làm nông nghiệp là bế tắc. Vì vậy, cần sớm đầu tư các công trình thủy lợi và hệ thống tưới tiêu tại Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng là vô cùng cấp thiết.
Công trình Hồ thủy lợi Krông Pắk Thượng chỉ mới tạo hồ chứa và hệ thống kế chính, chưa thể đưa nước về khu tưới 15.000ha.
Đối mặt với nguy cơ trắng tay
Cuối tháng 3, Đắk Lắk vào thời điểm đỉnh hạn, nước trên sông suối bắt đầu trơ đáy, người nông dân buộc phải chặn dòng, vét hồ để đưa những vũng nước cuối cùng vào nội đồng cứu lúa. Ông Hồ Tấn Cư – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ea Kar – những ngày này chẳng mấy khi ở cơ quan. Thời gian chính, ông Cư cùng cán bộ nông nghiệp lăn lộn cùng bà con nông dân ra đồng tìm cách cứu đồng ruộng đang ngày một nứt nẻ.
“Bơm nước mạnh lên. Gần tới tầng đáy rồi!” – ông Cư lớn giọng. Thì ra, không như ở một số vùng khác dùng máy móc để khoan giếng, việc khoan giếng ở xã Ea Pal chủ yếu dùng sức người, sức nước để đào sâu xuống tầng đáy, mong tìm mạch nước. “Mấy tháng nay sông Krông Pắk trơ đáy, chúng tôi buộc phải cùng cán bộ nông nghiệp cùng nhau đào tạm một giếng khoan để cứu lúa” – một người dân xã Ea Pal giải thích.
Thiếu nước sản xuất giữa mùa nắng hạn khiến hàng ngàn hécta lúa trổ bông, khoai lang của người dân xã Ea Pal (huyện Ea Kar) chuẩn bị thu hoạch đứng trước nguy cơ chết cháy. Để tránh một mùa vụ thất bát, kẻ ra đồng đào giếng, người vét cạn dòng sông nhưng cũng chỉ mang tính cầm chừng, chờ đợi thời tiết bớt khắc nghiệt.
Cách nơi người dân đào giếng khoan không xa, nhiều cán bộ ngành Nông nghiệp cùng người dân hì hục hút bùn, vét đáy để đưa nước vào trạm bơm T79 (thôn 1, xã Ea Pal). “Vũng nước này chắc cứu được khoảng mấy chục hécta lúa của người dân. Biết là nơi đâu cũng khó khăn về nguồn nước nên người dân và ngành Nông nghiệp chúng tôi đành phải tự xoay sở cứu lấy đồng ruộng của mình!” – ông Cư thở dài.
Trong cơn đại hạn, chuyện tìm được nguồn nước tưới cho cây trồng như ở huyện Ea Kar đã là may. Như tại xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) có hơn 7.000ha cây trồng hàng năm đang trong tình cảnh chết cháy vì không thể tìm được nguồn nước phục vụ sản xuất. Nông dân đang ngửa mặt chờ… trời. Ông Mai Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Ea H’leo – chia sẻ: “Sông hồ, ao suối cạn kiệt. Mạch nước ngầm thì đứt quãng… Nếu không có giải pháp, cứ đà này mùa màng của người dân xã Ea H’leo sẽ mất trắng”.
Cần sớm đồng bộ tuyến kênh dẫn nội đồng
Khác với huyện Ea Súp, tại huyện Ea H’leo có hồ thủy lợi, nhưng lại thiếu hệ thống kênh dẫn nước về đồng. Giải pháp lâu dài theo lời ông Thắng – Chủ tịch UBND xã Ea H’leo – chính là việc sớm triển khai hệ thống kênh mương nội đồng để vực dậy nền nông nghiệp còn non trẻ của xã Ea H’leo. Theo ông Thắng, xã Ea H’leo với đặc thù là vùng hạn bậc nhất ở huyện nên vào tháng 9.2017, Bộ NNPTNT phê duyệt đầu tư xây dựng Dự án Hồ chứa nước Ea H’leo 1 với tổng mức đầu tư là hơn 1.400 tỉ đồng. Sau này, Bộ NNPTNT có quyết định điều chỉnh, bổ sung một số nội dung dự án đầu tư xây dựng công trình lên gần 9.000 tỉ đồng từ vốn dự phòng của dự án.
Vào năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk thống nhất với Bộ NNPTNT huy động ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư hoàn thiện kênh/đường ống chính và đường ống cấp 1, cấp 2 với tổng kinh phí gần 1.000 tỉ đồng. Tuy thế, với thực tiễn Đắk Lắk là địa phương còn nhiều khó khăn, nguồn ngân sách hạn nên trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017-2020 của tỉnh chưa cân đối, bố trí được nguồn vốn đầu tư.
Không riêng hồ chứa nước Ea H’leo 1 mà tình trạng tương tự cũng xảy ra với Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng. Bản thân dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng được kỳ vọng không chỉ phục vụ tưới tiêu cho hơn 15.000ha đất của địa bàn các huyện Krông Pắk, Ea Kar… Mong muốn là vậy nhưng Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng hiện vẫn chưa được xây dựng đồng bộ một số hạn mục.
Theo tìm hiểu, dự án này được Bộ NNPTNT phê duyệt dự án đầu tư vào năm 2009. Quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nên Chính phủ cho phép bổ sung vốn và phân kỳ đầu tư dự án thành 2 giai đoạn.
Cụ thể, Giai đoạn 1 xây dựng hoàn thành cụm đầu mối và hệ thống kênh Hồ Ea Rớt với tổng mức đầu tư là gần 4.500 tỉ đồng. Giai đoạn 2 hoàn thiện Hệ thống kênh còn lại của Hồ Krông Pách Thượng là 12km kênh Bắc và 288km kênh cấp 1 trở xuống theo phê duyệt dự án đầu tư ban đầu.
UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, dự kiến giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào năm 2021 nhưng cũng chỉ mới tạo hồ chứa và hệ thống kênh chính chứ chưa thể đưa nước về khu tưới vì thiếu hệ thống kênh mương nội đồng.
15.000 ha đất sản xuất sẽ chưa thể có kênh dẫn nước về tới nội đồng. Từ thực tế này, cuối năm 2019 tỉnh Đắk Lắk đã báo cáo Bộ NNPTNT xem xét bố trí vốn chuẩn bị đầu tư hệ thống kênh còn lại của Hồ Krông Pách Thượng, đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ theo phê duyệt dự án đầu tư.
|
HỮU LONG (theo laodong)
Bình luận (0)