Philippines có thể đề nghị Mỹ triển khai các máy bay do thám Biển Đông để giúp giám sát các vùng biển tranh chấp, Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm qua cho biết, một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc
“Chúng tôi có thể đề nghị các chuyến bay giám sát tại đó”, ông Aquino nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 2/7, liên hệ tới các máy bay do thám P3C Orion của Mỹ. “Chúng tôi không có loại máy bay có các khả năng như vậy”.
Theo phát ngôn viên tổng thống Ramon Carandang, động thái đề nghị các máy bay do thám trước tiên phải được sự ủng hộ từ các cố vấn quốc phòng hàng đầu của Tổng thống Aquino.
Một máy bay do thám P3C Orion của Mỹ.
“Đề nghị trên là một cách nhằm tăng cường các khả năng giám sát của chúng tôi”, ông Carandang. “Nhưng dứt khoát, điều này chỉ nhằm phục vụ các mục đích kiểm tra và giám sát”.
Động thái trên diễn ra chỉ 2 tuần sau khi Tổng thống Aquino rút một tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển và một tàu cá khói một bãi đá tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông mà Philippines gọi là Scarborough còn phía Trung Quốc gọi là Hoàng Nham.
Scarborough/Hoàng Nham nằm cách bờ biển phía tây đảo chính Luzon của Philippines chỉ 230km, trong khi cách điểm gần nhất của Trung Quốc 1.200km về phía tây bắc.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, thậm chí các vùng biển gần bờ của các quốc gia láng giềng. Philippines khẳng định bãi đá Scarborough/Hoàng Nham nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này.
Trung Quốc đã hoan nghênh việc Philippines rút tàu và đáp lại cũng rút các tàu của nước này khỏi khu vực, mặc dù hai bên tuyên bố không có ý định từ bỏ vĩnh viễn bãi đá.
Ông Carandang cho hay Trung Quốc không nên xem đề nghị triển khai các máy bay do thám Mỹ là một hành động gây hấn và ông cũng giảm nhẹ những lo ngại rằng vụ việc có thể làm bùng phát những căng thẳng trong khu vực.
“Điều đó không mâu thuẫn với chính sách của chúng tôi nhằm làm giảm căng thẳng trong khu vực. Điều quan trọng nhất, nó chỉ phục vụ mục đích giám sát và không có các nhân tố vũ khí”, cố vấn tổng thống Philippines khẳng định.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland từ chối bình luận chi tiết về thông tin trên, nhưng nói rằng “trong khuôn khổ hợp tác lâu dài, Mỹ ủng hộ Philippines tăng cường nhận thức hàng hải”.
Các quan chức Trung Quốc cũng chưa đưa ra bình luận nào, nhưng Trung Quốc đã cảnh báo rằng “các lực lượng bên ngoài” không nên tham gia.
Tuần trước, Trung Quốc tuyên bố nước này phản đối bất kỳ sự khiêu khích quân sự nào tại Biển Đông.
Cảnh báo trên được cho là nhằm trực tiếp vào Mỹ, nước gần đây đã mở màn các cuộc tập trận hải quân lớn tại Hawaii liên quan tới 22 quốc gia.
“Chúng tôi có nhiều nhu cầu”
Mỹ đã nhấn mạnh rằng nước này giữ lập trường trung lập trong tranh cãi biển lâu đời ở Biển Đông, mặc dù đã trợ giúp Philippines tăng cường các lực lượng quân sự.
Manila đã đề nghị đồng minh cũ Washington cung cấp các tàu, máy bay, thiết bị giám sát và các vũ khí khác giữa lúc Mỹ chuyển trọng tâm quân sự sang châu Á. Manila đã đề nghị cho Washington tiếp cận nhiều hơn các sân bay và các căn cứ quân sự để đổi lấy các thiết bị và được huấn luyện thường xuyên.
“Chúng tôi có nhiều nhu cầu, ví dụ như hệ thống giám sát bờ biển. Chúng tôi có 36.000km bờ biển nhưng chúng tôi không có ra-đa giám sát toàn bộ đường biển dài”, Tổng thống Aquino nói.
Tranh cãi trên biển đã trở thành vấn đề trọng tâm khi ông Aquino gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng hồi tháng trước.
Vào tháng 8 năm ngoái, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã đưa ra đề nghị triển khai các máy bay do thám P3C Orion cho Philippines và giúp giám sát các khu vực tranh chấp ở Biển Đông sau khi Trung Quốc tăng cường sự hiện diện và hoạt động gần Reed Bank (Bãi Cỏ rong), thuộc nhóm đảo Palawan ở phía tây Philippines.
Lầu Năm Góc cũng đề nghị chia sẻ dữ liệu giám sát thời gian thực với Philippines trong khi tìm kiếm sự tiếp cận lớn hơn với các sân bay tại quốc gia đông Nam Á.
Mặc dù tỏ thái độ trung lập trong cuộc tranh cãi ở Biển Đông nhưng việc Mỹ chuyển trọng tâm sang châu Á được xem nhằm đáp trả các khả năng quân sự ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.
An Bình (Dân trí)
Tổng hợp
Bình luận (0)