Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Hào sảng những vần thơ Tháng Mười!

Tạp Chí Giáo Dục

Một thế kỷ đã trôi qua nhưng ánh sáng của Cách Mạng Tháng Mười Nga vẫn in đậm dấu ấn trong lịch sử nước Nga Xô Viết và trên toàn thế giới. Đây cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho những tâm hồn đầy xúc cảm của các nhà thơ Việt Nam để lại những sáng tác nghệ thuật có giá trị.

Ảnh minh họa. Ảnh: I.T

Ánh sáng Tháng Mười chiếu rọi

Khi lá cờ Cách mạng tháng Tám được phất cao, đứng trên đống tro tàn đổ nát của chế độ thực dân phong kiến, trong tập thơ đầu tay mang tên Từ ấy, nhà thơ Tố Hữu đã nhìn thấy mùi hương phảng phất của một cuộc đời đầy niềm tin vào ngày mai dưới ánh sáng Cách Mạng Tháng Mười Nga chói lọi: “Đây một mùa xuân tới tới gần/Đây mùa bất tuyệt của muôn xuân” (Xuân nhân loại).

Có thể nói, Bài ca tháng Mười của Tố Hữu là bài thơ trọn vẹn nhất về tình cảm nhân dân Việt Nam đối với cuộc cách mạng dân chủ tư sản mở đường cho những cuộc cách mạng của các dân tộc bị áp bức trên thế giới đi sau bước tiếp. Không chỉ là bước ngoặt vĩ đại mà cuộc cách mạng của giai cấp vô sản chính là cột mốc lớn về kiếp sống làm người của kẻ nô lệ lầm than: “Thuở Anh chưa ra đời/Trái đất còn nức nở/Nhân loại chửa thành người/Đêm ngàn năm man rợ” (Bài ca tháng Mười). Chỉ một từ “Anh” viết hoa trang trọng trong bài thơ, tác giả đã thể hiện sự sáng tạo và niềm ngưỡng vọng đất nước Nga Xô Viết với vai trò người chỉ lối xua tan đêm trường áp bức.

 Cách Mạng Tháng Mười Nga do Lê-nin lãnh đạo đã mở ra một chân trời mới đầy niềm tin đẩy lùi mọi đau thương, đem lại hạnh phúc cho toàn nhân loại. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của lãnh tụ Lê-nin, chỉ trong một đêm thành phố Pê-rô-trát đã bị quân khởi nghĩa chiếm đóng hoàn toàn. Đến ngày 7 tháng 11, nơi ẩn náu cuối cùng của Chính phủ tư sản là Cung điện Mùa đông cũng thất thủ. Chính phủ lâm thời tư sản sụp đổ, Cách mạng XHCN Tháng Mười thắng lợi hoàn toàn trên đất nước rộng lớn nhất hoàn cầu. “Từ khi Anh đứng dậy/Trái đất bắt đầu cười/Và loài người từ đấy/Ca bài ca Tháng Mười”. Tất cả chính quyền Xô Viết đã về tay nhân dân trong sức mạnh nước vỡ bờ. Không chỉ người dân Nga được đổi đời mà cả thế giới như tìm ra ánh sáng mới về con đường đấu tranh để giành lại tự do độc lập mà bao nhiêu năm vẫn chưa thoát ra được. Đó chính là ánh sáng của Đảng cộng sản, là kim chỉ nam mà chính quyền Xô Viết Liên bang soi đường định hướng. Việt Nam không chỉ tự hào với cuộc Cách mạng tháng Tám mà còn hãnh diện vì bước dưới bóng cờ của Cách Mạng Tháng Mười lịch sử: “Đây Việt Nam Tháng Tám/Em Liên Xô Tháng Mười”.

Lê-nin vĩ đại muôn đời

Nhắc tới cuộc Cách Mạng Tháng Mười Nga không thể không nhắc đến vai trò to lớn của vị lãnh tụ V.I. Lê-nin. Lê-nin chính là linh hồn bất diệt của cuộc Cách mạng XHCN vĩ đại với tài năng kiệt xuất của một “vị tướng” thiên tài. Trong tập thơ Gió lộng, nhà thơ cách mạng Tố Hữu có nguyên một bài ca ngợi Lê-nin (Với Lê-nin) khi có dịp sang thăm nước Nga Xô Viết vào năm 1958. Dù đã mất trước đó 34 năm nhưng hình ảnh Lê-nin vẫn như còn đọng lại trên mỗi vật dụng mà ông đang nhìn thấy trước mắt mình: “Nhà Lê-nin ở Goóc ky/Khi tôi đến/Lê-nin như vừa đi/Chiếc ghế sơn xanh còn ấm hơi người”. Mỗi trang luận cương còn đó của Lê-nin vẫn là những dòng ánh sáng mà vị lãnh tụ của giai cấp công nhân Nga viết trong đêm đen của lịch sử nước Nga. Có thể nói, không có nước Nga sẽ không có Lê-nin và không có Lê-nin thì cũng không có nước Nga Xô Viết: “Đảng cộng sản Liên Xô từ đó/Với Lê-nin làm lại loài người. Với Lê-nin làm thế kỷ hai mươi/Trong đêm tối mở chân trời hừng hực”. 

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lê-nin là người thầy đáng kính khi ánh sáng của luận cương đã đến với một thanh niên yêu nước Việt Nam đang bôn ba tìm đường cứu nước: “Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc/Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin/Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin” (Người đi tìm hình của nước – Chế Lan Viên).

Bác xúc động vì con đường đi gần tới đích khi bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lê-nin mà bao nhiêu năm mòn mỏi trông chờ. Xúc động vì nhìn thấy cách mạng Việt Nam sắp đến ngày giông bão, thắng lợi đã cận kề: “Luận cương của Lê-nin theo Người về quê Việt/Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi” bởi vì con đường đến với chủ nghĩa cộng sản là con đường trở về cứu nước cho nhân dân để mở ra chân trời mới đầy hứa hẹn. Từng trang sử đỏ đã mở ra chân lý cách mạng tìm được lẽ tử sinh và con đường máu của giai cấp công nông đang rũ bùn đứng dậy.

Không quên ơn Lê-nin, Bác Hồ đã lấy tên đặt cho một dòng suối ở Pác Bó mang ý nghĩa khởi nguồn cách mạng, khởi nguồn cho một thời đại mới: “Bác làm thơ cho suối/Đặt tên gọi Lê-nin/Bác uống nước dòng suối/Để thành máu mà nuôi tim” (Suối Lê-nin) mà nhà thơ Trần Văn Loa khẳng định.

Vẻ đẹp của vị lãnh tụ Lê-nin và Bác Hồ đã được nhà thơ Trần Đăng Khoa đứng cạnh bên nhau để thêm tỏa sáng vầng trán, mát tóc, bộ râu hiền từ và đức độ: “Cũng vầng trán rộng thênh thang/Y như trán Bác mênh mang đất trời/Cũng đôi mắt đẹp sáng ngời/Y như mắt Bác đang cười với em”. Không chỉ giống vẻ ngoài, tâm hồn nhân hậu của hai vị lãnh tụ cũng gặp nhau tại một điểm: “Cũng yêu các cháu thiếu niên/Y như tình cảm thiêng liêng Bác Hồ”. Bởi thế cậu bé 10 tuổi đã đi đến một đúc kết bất ngờ nhưng cũng rất tự nhiên và hồn hậu: “Ông Lê-nin ở nước Nga/Mà em lại thấy rất là Việt Nam”.

Muôn đời sau Lê-nin – Cách Mạng Tháng Mười và Hồ Chí Minh – Cách mạng tháng Tám vẫn là những trang sử chói ngời trong mọi thời đại của con người.

Hương Thủy

Bình luận (0)