Hội nhậpThế giới 24h

Ngoại trưởng ASEAN lo ngại về tình hình biển Đông

Tạp Chí Giáo Dục

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 45 tại Phnom Penh với sự tham dự của các đoàn đại biểu đến từ 10 nước thành viên nhấn mạnh việc ASEAN cần tiếp tục tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, chia sẻ các chuẩn mực trong quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực.

Thảo luận tại hội nghị, nhiều bộ trưởng ngoại giao ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trên biển Đông đối với hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở khu vực, đặc biệt là những diễn biến phức tạp, gây phương hại đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển, trái với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Theo đó, các bộ trưởng nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không sử dụng vũ lực, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển 1982 của LHQ và tinh thần Tuyên bố Ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC); các nước cần tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, phù hợp với UNCLOS 1982.

Các bộ trưởng đánh giá cao việc ASEAN đã cơ bản hoàn tất tài liệu quan điểm về các thành tố chính của Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), để từ đó khởi động tham vấn ASEAN – Trung Quốc về COC. Trước đó, sáng cùng ngày, phát biểu tại phiên khai mạc AMM, Thủ tướng chủ nhà Campuchia Hun Sen nói, ASEAN “cần ưu tiên thực hiện DOC, bao gồm cả việc tiến tới hoàn thành COC”.

Phát biểu tại hội nghị liên quan đến tình hình biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (ảnh) nhấn mạnh lập trường của Chính phủ Việt Nam phản đối việc Trung Quốc phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Luật Biển 1982 của LHQ (UNCLOS). Các vụ việc này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS 1982 và trái với tinh thần DOC, gây phương hại đến hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở khu vực.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh đồng thời nhấn mạnh các nguyên tắc về tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của Công ước Luật Biển 1982 của LHQ, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, và tinh thần DOC. Đồng thời, ASEAN cần thể hiện vai trò chủ đạo, trách nhiệm và tinh thần xây dựng trong xử lý các vấn đề là lợi ích chung của khu vực; tạo môi trường cho các bên liên quan giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp.
Hội nghị AMM – 45 ủng hộ đề cử nhân sự của Việt Nam – Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh, vào vị trí Tổng Thư ký ASEAN nhiệm kỳ 1.2013-12.2017 và nhất trí kiến nghị lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 (tháng 11.2012) bổ nhiệm chính thức.  Ngoài ra, từ tháng 7.2012 đến tháng 7.2015, Việt Nam đảm nhận vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN – Liên minh Châu Âu (EU). 
B.Q.T – Theo TTXVN

 

Bình luận (0)