Việc làm, cơ hội nghề nghiệp sau khi học xong là câu hỏi luôn được đặt ra xuyên suốt trong chương trình “Tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển CĐ-TC năm 2019” với chủ đề “Đại học không phải con đường duy nhất” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với các đài Truyền hình Tây Ninh, Bình Thuận và Đồng Nai tổ chức, được truyền hình trực tiếp trên kênh TTV11, BTV, ĐN1 và tiếp sóng trên đài Phát thanh Truyền hình Bến Tre, Bình Phước mới đây.
Ông Nguyễn Quốc Cường – Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh
Mở đầu chương trình tư vấn, ông Nguyễn Quốc Cường (Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh) gợi mở: Nền kinh tế đang vận hành nhiều công việc khác nhau với khoảng 360 mã ngành Đại học (ĐH), 500 mã ngành Cao đẳng (Cao đẳng) và hơn 800 mã ngành Trung cấp (TC) theo quy định của Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH. Xã hội vận hành từ 40-50 ngàn công việc khác nhau, có những công việc bắt buộc phải có bằng ĐH mới có cơ hội việc làm, nhưng cũng có công việc chỉ cần học sơ cấp, TC hoặc CĐ là có đủ trình độ, kỹ năng gia nhập thị trường lao động.
Cân nhắc lựa chọn nghề phù hợp
“Với sự đang dạng ngành nghề, mỗi một em khi tốt nghiệp THPT sẽ có rất nhiều sự lựa chọn cho bản thân nhưng cần cân nhắc thật kỹ về học lực, điều kiện gia đình, sở thích, nhu cầu lao động, yêu cầu bằng cấp… để có một quyết định phù hợp. Ví dụ muốn trở thành giáo viên ở trường THPT thì phải học ĐH; Muốn công việc liên quan đến du lịch, lập trình, kỹ xảo phim chỉ cần tốt nghiệp TC… Theo quan điểm của tôi, chúng ta học bậc nào cũng tốt miễn là lựa chọn được ngành nghề phù hợp, yêu thích, hợp với nhu cầu nhân lực tại địa phương, hoặc gia nhập thị trường lao động ASEAN vì đến thời điểm này vẫn có rất nhiều cử nhân ra trường làm việc không đúng chuyên môn, hoặc thất nghiệp. Do đó, hết sức cân nhắc khi lựa chọn.” – Ông Cường nhận định.
Ông Trần Anh Tuấn – Phó viện trưởng, Giám đốc chương trình dự báo nguồn nhân lực Viện nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế
Cùng quan điểm với ông Nguyễn Quốc cường, Phó viện trưởng, Giám đốc chương trình dự báo nguồn nhân lực Viện nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế, ông Trần Anh Tuấn phân tích: Bài toán việc làm luôn là bài toán khó cân nhắc của cả phụ huynh lẫn học sinh trong quá trình lựa chọn ngành nghề và bậc học. Lâu nay, chúng ta luôn tự hào là quốc gia có đội ngũ nhân lực dồi dào nhưng trong quá trình phát triển để hội nhập thị trường lao động tự do, (trước mắt là thị trường ASEAN và tiến tới thị trường hội nhập toàn cầu với sự tự do di chuyển, tiếp đến là tiến tới nền hội nhập 4.0) thì mối lo ngại nhất của chúng ta hiện nay là sự mất cân đối giữa nguồn nhân lực chất lượng cao và sự phát triển của các ngành nghề trong quá trình hội nhập. Sự mất cân đối bao gồm cả về ngành nghề, (sự lựa chọn ngành nghề không phù hợp) và bậc học (chọn bậc học chưa đúng yêu cầu thị trường). Điều này một phần do nhiều em cứ nghĩ rằng chỉ có học ĐH mới dẫn đến một sự thành công trong cuộc sống. ĐH đúng là một yếu tố để thành công nếu các bạn thực sự phù hợp với năng lực, tư duy hàn lâm, nhưng đa phần mọi người trong xã hội là những người thực hành vì vậy chúng ta rất phù hợp với những cấp bậc khác như CĐ-TC, sơ cấp… 4 cấp bậc này đang vận hành trong thị trường lao động đồng bộ và đều có giá trị nhân lực như nhau. Thực tế, CĐ là bậc học mà các em nên chú ý vì đây là bậc học phát triển nghề nghiệp của hệ thống giáo dục nghề nghiệp quốc gia trong quá trình hội nhập. Nếu học các ngành kỹ thuật thì tốt nghiệp CĐ các em sẽ là những kỹ sư thực hành, còn ở các ngành kinh tế tài chính thì gọi là cử nhân, bậc TC đào tạo ra những kỹ thuật viên, thậm chí là kỹ thuật viên cao cấp không thua kém CĐ-ĐH, còn sơ cấp là bậc học để chúng ta linh hoạt thừa hành. Như vậy rõ ràng chính vì chọn sai ngành, sai cấp bậc học sẽ dẫn tới không hào hứng học, chán nản, thấy mình yếu kém, vô dụng… dẫn đến không thành công.
Vì thế chọn được một ngành nghề phù hợp là rất quan trọng, bởi nghề nghiệp sẽ theo mình gần như suốt cuộc đời và thực tế cho thấy, có những ngành nghề không cần học ĐH mà học TC-CĐ sẽ tốt hơn. Cốt yếu là mỗi người phải suy nghĩ, biết mình có khả năng tới đâu, thích gì, làm tốt gì rồi mới chọn ngành để tránh mất thời gian, công sức. TC hay CĐ không quá quan trọng vì đích đến là đi làm, kiếm thu nhập chứ không phải cầm tấm bằng ĐH mới thành công. “Làm việc gì không quan trọng, quan trọng là cảm thấy hạnh phúc vui vẻ với chính công việc, đó là thành công trong chọn nghề” – các chuyên gia đúc kết.
CĐ-TC dễ đậu, việc nhiều, thu nhập ổn định
Theo Th.S Phạm Thị Châu Hương (Trưởng phòng tuyển sinh Trường CĐ Nghề TP.HCM) việc xét tuyển sinh của các trường CD-TC hiện nay khá dễ dàng khi các thí sinh có thể đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện, xét tuyển online qua trang web hoặc đăng ký trực tiếp tại trường. Khi đăng ký học trình độ TC tại trường CĐ Nghề TP.HCM, ngoài chính sách học bổng, miễn giảm học phí theo quy định của nhà nước, đối với học sinh sau THCS học nghề vừa học văn hóa 7 môn vừa lấy bằng nghề có thể tham gia kỳ thi THPT Quốc gia và liên thông lên CĐ.
Riêng với Trường Trung cấp Việt Giao, Th.S Nguyễn Quỳnh Lâm – Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và tuyền thông cho biết: Mỗi bậc học có lợi thế riêng. Lợi ích của việc học TC là rút ngắn thời gian (1-2 năm), sau đó tham gia thị trường lao động sớm, giảm gánh nặng kinh tế gia đình, có cơ hội cạnh tranh nhiều hơn so với với bạn bè cùng trang lứa. Nếu các em tốt nghiệp THPT và THCS (học từ 2,5 đến 3 năm), học song song chương trình văn hóa và chương trình TC chính quy. Học xong sẽ có 2 bằng, có thể liên thông lên bậc học cao hơn nếu muốn.
Với những bạn có niềm say mê công nghệ nhưng thiên về mỹ thuật có thể theo học các lớp về mỹ thuật đa truyền thông của Trường đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia. Th.S Nguyễn Thành Tâm – GĐ tuyển sinh của trường cho biết: trường cung cấp toàn diện về ngành mỹ thuật đa truyền thông. Chương trình được học 4 nhóm chuyên ngành chính, đầu tiên là mỹ thuật 2D, thiết kế 2D để trở thành nhà nhiếp ảnh, nhà thiết kế quảng cáo, nhà xuất bản, in ấn. Tiếp theo là được trang bị kiến thức về thiết kế giao diện web; học về làm phim kỹ thuật số (từ khâu lên ý tưởng, kịch bản đến quay phim, dựng phim, đặc biệt là làm kỹ xảo cho phim, thiết kế nhân vật game; Sản xuất phim hoạt hình 3D với thời gian 2,5 năm. Kết thúc chương trình được nhận bằng do phía Ấn độ cấp. Năm 2019 trường xét tuyển theo hình thức thi 2 môn kiểm tra: tiếng Anh đọc hiểu tài liệu; môn sáng tạo (không bắt buộc phải có năng khiếu vẽ mà chỉ cần có ý tưởng).
Trong quá trình đào tạo, các trường CĐ-TC hiện rất chú trọng đến các kỹ năng mềm, ngoại ngữ, nhất là ở những ngành nghề thuộc lĩnh vực phục vụ như quản trị nhà hàng khách sạn, ẩm thực, hướng dẫn du lịch, chăm sóc sức khỏe… Đây là những ngành được tự do dịch chuyển trong khối ASEAN nên cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội làm việc nước ngoài khi các em tốt nghiệp. Ngoài ra, các trường cũng “rất biết lắng nghe” tâm tư của doanh nghiệp xem họ cần gì để theo đó nâng cao chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Thông qua đó, các trường CĐ nghề, TC hiện nay đều đảm bảo 100% việc làm cho sinh viên tốt nghiệp với cam kết sẽ hoàn lại học phí nếu không có việc làm cho sinh viên.
Không chỉ đảm bảo có việc làm mà phần lớn học viên tốt nghiệp TC-CĐ hiện cũng có mức lương khá tốt từ 8 – 10 triệu, thậm chí cao hơn. Th.S Quỳnh Lâm khẳng định: “Lương ra trường 10 triệu có, chưa kể những em cố gắng nỗ lực cộng thêm gói hành trang thì có thể tỏa sáng ở lĩnh vực đã lựa chọn”.
Đào tạo học viên cấp độ quốc tế
Học được đảm bảo có việc làm, thu nhập ổn định giờ đã là chuyện gần như “hiển nhiên” ở các trường CĐ-TC, hiện nhiều trường còn hướng đến đào tạo theo cấp độ quốc tế. Th.S Nguyễn Thị Châu Hương cho biết: Trường CĐ Nghề TP.HCM là một trong 25 trường trên cả nước đào tạo thí điểm chương trình CĐ cấp độ quốc tế của Úc. Hiện trường 3 nghề đào tạo theo chương trình này là điện tử công nghiệp, CNTT ứng dụng phần mềm, kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp. Với chương trình này, các em được học theo chương trình chuyển giao từ Úc, trang thiết bị đúng chuẩn quốc tế, đội ngũ giảng dạy được đào tạo tại Úc. Đối tượng học chương trình quốc tế này là các em đã tốt nghiệp THPT hoặc các em đã học năm I tại các trường chuyên nghiệp và có học lực loại khá trở lên và phải có trình độ tiếng Anh theo khung ngoại ngữ châu Âu. Giáo trình, tài liệu học tập, kỹ năng chuyên môn đều bằng tiếng Anh, chuyên gia Úc cử đến trường để hỗ trợ, kiểm tra đánh giá nhằm đảm bảo mục tiêu đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp cũng được cấp 2 bằng của Học viên Chisholm và bằng của CĐ Nghề TP.HCM.
Theo Ông Trần Anh Tuấn, xu hướng nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp có trình độ trung cấp chiếm nhiều vị trí nhất, kế đến là sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật, rồi mới đến trình độ đại học. Điều đó càng khẳng định xã hội lúc nào cũng cần nhiều “thợ” hơn là “thầy”. Nhưng một số trường CĐ-TC lại cho biết, năm nay công tác tuyển sinh vẫn còn gặp khó khăn do học sinh, phụ huynh vẫn có khuynh hướng lựa chọn vào ĐH. Thực tế cho thấy, ĐH không phải “tấm vé duy nhất” cho tương lai của tất cả mọi người, con đường thành công của mỗi cá nhân không nhất thiết được lập trình bằng công thức học ĐH, nên ĐH chỉ là một trong nhiều con đường đi đến thành công mà thôi. Mỗi người có một tố chất khác nhau, Con đường thì rất nhiều, tuy nhiên phải cân nhắc lựa chọn con đường phù hợp, đúng đắn nhất cho bản thân. |
PV
Bình luận (0)