Không phải 'thả' con vào các lớp dạy kỹ năng sống là con có thể tiếp thu được trọn vẹn những kiến thức được dạy. Theo các chuyên gia, để con học kỹ năng sống có hiệu quả, phụ huynh cần có 'kỹ năng'.
Học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng miễn phí tại Nhà thiếu nhi TP.HCM. LÊ THANH
Nhiều phụ huynh cho biết dù chi khá nhiều tiền cho con đi học kỹ năng sống, thế nhưng kết quả vẫn là con số 0.
Chị Võ Thị Hoàng Ngân, ngụ chung cư Ngô Tất Tố (P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), than thở việc cho con trai 9 tuổi tham gia một lớp dạy về kỹ nănggiúp trẻ tự tin. Dù con của chị tham gia đầy đủ thời khóa biểu, không bỏ sót buổi nào trong suốt gần 2 tháng, thế nhưng “con vẫn nhút nhát, rụt rè như những ngày trước khi tham gia lớp này”.
Câu chuyện kể trên không phải là ngoại lệ. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, không thể nào “thả” con vào các lớp kỹ năng sống, rồi sau một thời gian tự kiểm chứng kết quả. Thay vào đó, phụ huynh cần có “kỹ năng” trong việc lựa chọn lớp dạy kỹ năng sống cho con.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, chuyên viên tham vấn Viện Sinh trắc vân tay (TP.HCM), thừa nhận thực tế hiện nay bên cạnh những trung tâm kỹ năng sống có chất lượng thì vẫn còn những trung tâm chưa làm tốt vai trò của mình, dạy các em sơ sài không đúng như quảng cáo.
Chính vì thế, theo ông Liêm, khi phụ huynh lựa chọn cho con khóa học về kỹ năng thì nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ về đơn vị tổ chức, có được cấp phép hay không, chương trình học ra sao, tuổi nào phù hợp, dạy những nội dung gì, việc đảm bảo an toàn tính mạng của con như thế nào?… Tránh theo xu hướng quảng cáo rầm rộ, chi phí quá đắt đỏ, hiệu quả không cao.
“Điều quan trọng nhất là chúng ta phải duy trì việc rèn giũa kỹ năng cho con thường xuyên hằng ngày, liên lục chứ không chỉ vài bữa nửa tháng là có thể thay đổi hoàn toàn một con người”, ông Liêm khuyên.
Thạc sĩ công tác xã hội Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai (TP.HCM), chuyên gia giáo dục kỹ năng sống, khuyên phụ huynh khi chọn nơi dạy kỹ năng sống cho con, cần dành thời gian tìm hiểu kinh nghiệm của các đơn vị tổ chức cũng như việc cấp phép.
Cũng theo vị chuyên gia này, phụ huynh cần chú ý ưu tiên chọn lựa các loại kỹ năng sống nào cần thiết cho con trẻ học.
Theo thạc sĩ Trần Minh Hải, thời gian cho trẻ học kỹ năng sống phải liên tục học và có thực hành để trẻ hình thành kỹ năng mới. Vì vậy, chương trình giảng dạy từ các đơn vị tối thiểu phải có 70% thời gian cho trẻ thực hành. Một lớp học kỹ năng sống hiệu quả cho trẻ không quá đông cũng như không quá ít người học. Tốt nhất số lượng học viên khoảng 12 – 20 em là hợp lý.
Theo Lê Thanh/TNO
Bình luận (0)